Tuy là chủ nhà hàng nhưng cả 3 (Trúc, Nhã, Tú - từ trái qua) phải làm thay công việc của nhân viên, thậm chí làm 15 giờ mỗi ngày những lúc đông khách. Ảnh: NVCC
Mang phở Việt đến quê hương của ông già Noel
Rovaniemi là thành phố của quê hương ông già Noel và còn là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Bắc Âu với ánh sáng cực quang huyền ảo, những chú tuần lộc đáng yêu hay tuyết bao phủ trắng xóa như xứ sở thần tiên.
“Trong cái lạnh âm bình quân 15oC, có khi âm 40oC ở nơi chỉ cách Vòng Bắc Cực 5 km, nếu có một tô phở nóng thì còn gì bằng”, 2 chị em Thái Thị Hoài Nhã, Thái Thị Hoài Trúc và người bạn học Phạm Ngô Cẩm Tú có cùng suy nghĩ như vậy. Nghĩ là làm, cả 3 quyết định mở nhà hàng bán phở và các món ăn truyền thống Việt Nam.
Cũng cần nói thêm, trước khi Saigon Noodle Bar xuất hiện năm 2020, trên bản đồ ẩm thực của Rovaniemi chưa có sự đa dạng của nhà hàng châu Á và du khách không thể nào tìm được hương vị của văn hóa ẩm thực Việt.
Không bỏ lỡ cơ hội
Số vốn để thuê mặt bằng, mua trang thiết bị để mở nhà hàng là tất cả số tiền dành dụm của Hoài Nhã, Hoài Trúc và Cẩm Tú. Để tiết kiệm chi phí, 3 cô gái bỏ ra nhiều ngày đi tìm và thuê lại mặt bằng của một nhà hàng đã đóng cửa và mua lại trang thiết bị từ các nhà hàng đã ngừng hoạt động để tiết kiệm chi phí.
Tìm được vị trí ưng ý, cả 3 lao vào một cuộc thử thách khác, đó là phải hoàn tất các loại giấy phép cần thiết của một nhà hàng. Cuối cùng 3 sinh viên quản trị kinh doanh của Đại học Khoa học ứng dụng Lapland đã cho ra đời Saigon Noodle Bar. “Cơ hội việc làm thậm chí cho người địa phương rất ít, cho nên tụi em quyết định mở nhà hàng và tự kinh doanh”, Hoài Nhã cho biết lý do mở nhà hàng Việt tại Lapland.
Trước đó, cả 3 phải làm rất nhiều việc để có thu nhập và trang trải chi phí sinh hoạt, học tập ở Phần Lan như làm nhân viên dọn dẹp trong khách sạn, đi bán chả giò, trà sữa tại các hội chợ, làm tour guide, bán đồ thủ công mỹ nghệ Việt Nam. “Không còn đường lui nên tụi em phải làm việc thật chăm chỉ”, Hoài Nhã tâm sự. “Cộng đồng người Việt ở đây chưa tới 40 người, đa số thực khách của nhà hàng là du khách nước ngoài và họ tấm tắc khen món phở Việt. Kiến thức ẩm thực Việt của cả 3 cũng không tệ và cơ hội để có thêm thu nhập cũng như giới thiệu món ăn Việt cho du khách quốc tế, thế thì tại sao không mở một nhà hàng nho nhỏ tại đây?”, Hoài Nhã nói thêm.
Đa số khách đến với Saigon Noodle Bar vào mùa đông, vì vào mùa này, du khách đến Rovaniemi khá đông để chiêm ngưỡng ánh sáng cực quang huyền ảo. Nơi đây được xem là một thế giới thần tiên, với thành phố đầy tuyết phủ, những chiếc xe trượt tuyết đi lang thang trên băng, cực quang trên bầu trời và sự say mê của người dân địa phương với ông già Noel và Giáng sinh ở khắp mọi nơi.
Trong những tháng mùa hè, thành phố Rovaniemi chứng kiến mặt trời lúc nửa đêm. Trong một vài tuần trong năm, mặt trời hầu như không bao giờ lặn, Hoài Nhã giải thích vì sao nơi đây thu hút lượng lớn du khách từ nhiều quốc gia mỗi năm. Cho nên cả 3 “bà chủ” của nhà hàng phải làm việc cật lực. Những hôm đông khách, họ phải làm việc 15 giờ mỗi ngày.
Vạn sự khởi đầu nan
Cả 3 cô gái đã theo chân làn sóng du học tại Phần Lan. Vì đây là quốc gia có nền giáo dục phát triển, sử dụng tiếng Anh rộng rãi và có nhiều chính sách học bổng, thu hút du học sinh từ khắp nơi trên thế giới. Nhu cầu du học tại Việt Nam có xu hướng gia tăng nhanh chóng trở lại sau đại dịch. Trong đó, Phần Lan là một trong những lựa chọn phổ biến của các bạn trẻ bởi lợi thế từ chất lượng đào tạo đến triển vọng tương lai sau tốt nghiệp. Đáng kể, Phần Lan có nhiều trường nằm trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới (Times Higher Education World University Rankings 2022).
Vừa học vừa làm, để có được nhà hàng vận hành ổn định cho đến hôm nay, Nhã, Trúc và Tú đã phải chiến đấu hết mình, nhất là khi nấu phở ở xứ sở ông già Noel không hề dễ dàng. 3 cô gái phải đi một quãng đường rất ra trong thời tiết lạnh giá mỗi ngày để mua xương bò và các loại nguyên liệu cần thiết để nấu phở. Tìm xương bò rất khó vì người dân bản địa không ăn nội tạng hay xương động vật, nên cả 3 đành phải tìm nhà cung cấp nguyên liệu từ Việt Nam sang.
“Để mua được thực phẩm với giá cả hợp lý, bọn em phải đi một đoạn đường khá xa. Làm nhà hàng là công việc rất cực. Cả 3 phải làm thay công việc của nhân viên và làm cả các ngày lễ”, Hoài Nhã cho biết.
Những ngày đầu, để được du khách biết đến, cả 3 thay phiên nhau liên hệ với các tờ báo địa phương để xin được đăng bài miễn phí. Điều bất ngờ là tất cả các báo đều đến viết bài và chụp ảnh nhiệt tình.
Xuất phát từ khó khăn trong việc tìm xương bò, thịt bò để nấu phở và để tiết kiệm chi phí, cả 3 quyết định nấu thêm món phở tuần lộc, một loài động vật rất dễ tìm ở Bắc Âu. Bất ngờ, du khách rất thích món phở này của nhà hàng và tấm tắc khen vì hương vị lạ của Việt Nam kết hợp với thịt tuần lộc. Không chỉ du khách, người dân địa phương cũng rất thích món phở tuần lộc của Saigon Noodle Bar.
Vốn chưa có chút kinh nghiệm trên thương trường, Saigon Noodle Bar đã tồn tại được đến giờ phút này nhờ vào nỗ lực và may mắn. Hoài Nhã nói vui rằng: “Có lẽ nhờ ông bà phù hộ”. Chong Kar Hoong, một hướng dẫn viên du lịch người Singapore, viết trên TripAdvisor, dù anh đến nhà hàng rất sớm nhưng rất khó tìm được chỗ ngồi vì nhà hàng đã đông khách. Và hầu hết khách đến đây đều thích ăn phở