Mái nhà chung của người Việt ở nước ngoài
Đại hội nhiệm kỳ 3 (2012-2017) của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) đã qua hơn nửa nhiệm kỳ. Nhìn lại chặng đường này, tuy gặp nhiều khó khăn, do điều kiện khách quan và chủ quan, cơ sở vật chất hạn hẹp, nhưng Hội đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong việc thực hiện kế hoạch hoạt động.
Theo báo cáo tại Hội nghị Ban chấp hành mở rộng lần thứ 4, ngày 25.11, phát triển cầu nối với kiều bào, thắt chặt quan hệ với các hội địa phương, tiếp tục phát triển hội viên, mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài, là những mảng công tác chính được Hội đặc biệt chú trọng trong năm 2016. Với chủ trương này, Hội đã tăng cường các cuộc tiếp xúc với cá nhân, tổ chức kiều bào, tranh thủ thông báo chủ trương đường lối của Đảng và luật pháp của Nhà nước đến kiều bào, nhằm xây dựng Hội trở thành một địa chỉ tin cậy của đông đảo bà con kiều bào, củng cố vai trò của Hội với tư cách là cầu nối giữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài và đồng bào ở trong nước qua các cuộc tiếp xúc và trao đổi với kiều bào là trí thức, doanh nhân, du học sinh... từ các quốc gia.
Hội đã chủ động, tích cực tham gia ý kiến xây dựng pháp luật, chính sách theo hướng bảo vệ và tăng thêm quyền lợi của người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như các văn bản dưới luật theo hướng tạo điều kiện thoáng hơn, ngày càng thuận lợi cho đồng bào ta ở nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, coi đồng bào ta ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc.
Thông qua Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư, cơ quan ngôn luận của VLOA, Hội đã làm tốt chức năng cầu nối phục vụ bạn đọc thuộc mọi tầng lớp cả trong nước và ngoài nước. Nhịp Cầu Đầu Tư được đánh giá cao về chất lượng nội dung cũng như hình thức trình bày. Ngoài những bài phân tích chuyên sâu, phản ánh thời sự về kinh doanh, thị trường, tài chính ngân hàng..., Tạp chí cũng chú trọng hơn đến những gương mặt tiêu biểu của các nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, doanh nhân là Việt kiều đang hoạt động ở trong nước và trên thế giới. Thêm vào đó, trang điện tử nhipcaudautu.vn đã góp phần không nhỏ để bà con người Việt ở năm châu cập nhật tình hình trong nước, góp sức vào công cuộc xây dựng đất nước. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Công ty Vietlines, Hội đã xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử, nhằm kết nối tốt hơn với bà con ở xa quê hương và kết nối kiều bào ở các địa bàn khác nhau trong tâm nguyện chung là hướng về đất nước Việt Nam.
Tổng kết hoạt động năm 2016, Hội đã chỉ ra những tồn tại cần khắc phục. Việc phát triển về số lượng và chất lượng của hội viên chưa đạt được kỳ vọng. Mặc dù đã thu hút được nhiều trí thức, bao gồm văn nghệ sĩ, nhà khoa học có tên tuổi, các doanh nhân và cả các thanh niên, sinh viên nhưng thật sự chưa có cơ chế thích hợp và hiệu quả để phát huy được sự tham gia của lực lượng trên. Ban Thư ký cũng chưa thật chủ động trong vai trò điều phối, thúc đẩy hoạt động của các Ban cũng như của Hội nói chung. Việc phát triển các hội viên danh dự là kiều bào cũng còn rất hạn chế. Một điểm nữa, các ban chuyên môn hoạt động chưa thật mạnh, chưa có những kế hoạch, đề án, dự án theo từng thời kỳ. Chưa chủ động trong việc thâm nhập, hợp tác với các lực lượng trong nước, cũng như các cá nhân, tổ chức ngoài nước để xây dựng kế hoạch hoạt động của mình.
Năm 2017 được dự báo có nhiều thuận lợi và thách thức, nên phương hướng hoạt động của Hội sẽ tập trung vào 5 điểm chính.
Thứ nhất, tăng cường các cuộc tiếp xúc với cá nhân, tổ chức kiều bào, tận dụng từng cơ hội để thông báo tình hình trong nước và đường lối chủ trương của Đảng và Chính phủ đến kiều bào. Hội phải trở thành một địa chỉ tin cậy, một mái nhà thân thiết với đông đảo bà con kiều bào, thân nhân kiều bào và tất cả những ai quan tâm đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ hai, tăng cường, củng cố vai trò cầu nối của Hội giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với đồng bào trong nước không chỉ về mặt tình cảm mà còn góp phần thúc đẩy việc làm ăn, đầu tư, chuyển giao công nghệ, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa. Hội cần có kế hoạch chủ động hỗ trợ các hoạt động thường niên đã định hình như IFD (Ngày Hữu nghị Quốc tế); Javinet (Mạng lưới Hợp tác Việt Nam - Nhật); Hợp tác chặt chẽ với Hội đoàn người Việt ở các nước; Triển khai mạnh mẽ việc xây dựng và triển khai “Đề án chung tay hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” và “Đề án dạy tiếng Việt qua website của Hội”.
Thứ ba, củng cố, xây dựng tổ chức Hội. Trong năm tới, công tác hội viên cần được chú trọng hơn nữa, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp những cá nhân và tổ chức tâm huyết với cương lĩnh hoạt động của Hội, với công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, tăng cường số lượng hội viên là kiều bào đã về định cư trong nước, cũng như hội viên danh dự là kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài hoặc đang về nước đầu tư kinh doanh. Mặt khác, cần tăng cường sức mạnh của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Thư ký, lựa chọn các cá nhân có đủ năng lực và tinh thần trách nhiệm để điều hành với hiệu quả cao nhất.
Thứ tư, thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tranh thủ sự hướng dẫn và chỉ đạo; đồng thời kiến nghị Ủy ban chỉ đạo các tổ chức Mặt trận ở địa phương quan tâm hỗ trợ, lập và phát huy vai trò của mạng lưới Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tại các địa phương; giữ mối quan hệ thường xuyên với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và với các cơ quan khác, trong đó có các đơn vị truyền thông để nhận được ý kiến đóng góp kịp thời và làm tốt công tác truyền thông giữa cộng đồng người Việt ở trong nước và nước ngoài.
Thứ năm, tìm biện pháp, giải pháp tích cực và hợp pháp để tạo ra nguồn kinh phí tối thiểu, đảm bảo duy trì và phát triển các chương trình công tác của Hội. Năm 2017 và những năm tiếp theo, Hội sẽ chủ động xây dựng một số dự án, đề án, phối hợp với cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước thực hiện, trong khuôn khổ Điều lệ Hội cho phép và trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho bà con đầu tư, buôn bán, chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, địa phương trong nước; thúc đẩy, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài tìm đầu ra cho các sản phẩm trong nước, nhất là nông thủy hải sản, hàng thủ công nghiệp Việt Nam ra thị trường nước ngoài.
Với những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã trải qua, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tin rằng, với một xu thế phát triển mới, với tiềm năng to lớn của trên 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và sự ủng hộ, cổ vũ, tận tình của 95 triệu đồng bào trong nước, sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sớm đi đến thành công.
Hoàng Anh