Kiều bào trong chương trình Xuân quê hương.

 
Hải Vân Thứ Ba | 29/04/2025 12:31

Luật Quốc tịch: Bước tiến pháp lý mới

Được cấp căn cước công dân và trở lại quốc tịch Việt Nam, trong khi vẫn giữ quốc tịch nước ngoài là nguyện vọng của nhiều người Việt ở nước ngoài.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 17/44 điều. Trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về việc trở lại quốc tịch Việt Nam. Trên tinh thần “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, việc sửa đổi Luật Quốc tịch lần này là bước đi quan trọng về mặt pháp lý, để người Việt Nam dù đang ở trong nước hay đang an cư, lạc nghiệp ở nước ngoài đều có thể chung tay góp sức, đồng tâm, hiệp lực đưa quê hương, đất nước mình bước vào kỷ nguyên vươn mình.

 

Những năm qua, theo chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 36 năm 2004, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) đã cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện ở nước ngoài không ngừng nỗ lực kết nối, gắn kết trái tim của cộng đồng hơn 6 triệu người Việt ở nước ngoài với quê hương. Thông qua các diễn đàn, hội thảo chuyên đề về pháp luật, như Tọa đàm về chính sách, pháp luật trong khuôn khổ Chương trình Xuân Quê hương năm 2023, Hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 năm 2024, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã có nhiều đề xuất, kiến nghị thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước thời gian tới. Để triển khai tốt hơn các mục tiêu này, kiều bào cũng nêu rõ nguyện vọng liên quan đến việc trở lại quốc tịch, nhập quốc tịch.

Theo ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại châu Âu, ngày càng nhiều kiều bào đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để vào quốc tịch nước ngoài nay có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài. Nguyện vọng này của bà con nhằm mục đích giữ mối liên hệ chặt chẽ về mặt pháp lý với Nhà nước Việt Nam và truyền cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, đi vào thực tế, bà con gặp nhiều vướng mắc bởi các quy định pháp luật trong nước. Ông Thắng cho biết: “Rất ít người được trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ được quốc tịch nước ngoài”.

Tại Tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM” được tổ chức mới đây, Tiến sĩ Cao Vũ Minh, Trưởng Bộ môn Luật Hành chính - Nhà nước, Đại học Kinh tế Luật thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận xét, nhiều người Việt định cư ở nước ngoài quay về nước thường rất thành đạt, nhưng đều vướng quy chế song tịch, tức vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch nước ngoài.

Điều 19 Luật Quốc tịch năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, có quy định 3 trường hợp: “Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; có lợi cho Nhà nước Việt Nam”. Theo Tiến sĩ Cao Vũ Minh, quy định trong Luật khá rõ ràng với trường hợp “là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam”. Tuy nhiên, đối với 2 trường hợp còn lại là có công lao đặc biệt và có lợi cho Nhà nước thì không có định nghĩa cụ thể, đã dẫn tới một số vướng mắc. Trường hợp kiều bào có 10 bằng khen nhưng không được xác định là đã đóng góp to lớn. Trên thực tế, ngay cả cơ quan nhà nước cũng ngại công nhận. Trường hợp kiều bào phải thôi quốc tịch nước ngoài, họ sẽ mất các quyền lợi về chế độ, chính sách và ưu đãi của nước sở tại.

Chủ trương tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài về vấn đề quốc tịch đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong nhiều văn kiện quan trọng. Theo Bộ Tư pháp, Dự thảo Luật đang xem xét khả năng cho phép trẻ em có cha hoặc mẹ có quốc tịch Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam trong trường hợp quốc tịch nước ngoài của trẻ vẫn được giữ, với điều kiện quốc gia còn lại cho phép song tịch với các thủ tục đơn giản hơn trước. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề xuất Bộ Công an xác minh nhân thân đối với tất cả các hồ sơ xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam được tiếp nhận tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo đảm vấn đề an ninh chính trị.

 

Sửa Luật Quốc tịch theo hướng nới lỏng quy định cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài nên dự thảo Luật bổ sung quy định: “Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài khi thực hiện các quyền ứng cử, tuyển dụng vào các chức danh, làm việc trong tổ chức bộ máy Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tham gia lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài và phải thường trú tại Việt Nam. Trường hợp pháp luật có liên quan khác với quy định này thì áp dụng quy định tại Luật này”. Việc này nhằm bảo đảm chủ quyền, an ninh chính trị, lợi ích quốc gia cũng như tính trung thành và trách nhiệm của công dân đối với Nhà nước Việt Nam.

Luật Quốc tịch được bổ sung, sửa đổi theo hướng linh hoạt, tạo thuận lợi cho người Việt ở nước ngoài. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc, tại buổi làm việc với Cục Hành chính Tư pháp về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, vào đầu tháng 4, cho biết dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam tập trung nghiên cứu 3 nội dung chính. 

Thứ nhất, mở rộng đối tượng được phép trở lại quốc tịch Việt Nam, đặc biệt là những trường hợp từng mất quốc tịch, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Thứ 2, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến việc trở lại quốc tịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân. Thứ 3, rà soát và đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người trở lại quốc tịch Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cá nhân đó vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài.