Lượng kiều hối của kiều bào từ nước ngoài gửi về đạt trên 6,6 tỉ USD. Ảnh: TL.

 
Mai Châu Thứ Năm | 27/01/2022 11:19

Lãnh đạo TP.HCM đặt hàng kiều bào

Lãnh đạo TP.HCM mong muốn nhận được những ý kiến, hiến kế của kiều bào để xây dựng thành phố ngày càng phát triển.

Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP.HCM đã tổ chức buổi họp mặt giữa lãnh đạo thành phố với người Việt Nam ở nước ngoài, mừng Xuân Nhâm Dần 2022. Dự buổi họp mặt có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Kiều hối là nguồn lực lớn

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vui mừng chào đón kiều bào về tham dự buổi họp này. Báo cáo với bà con kiều bào tình hình năm 2021, Chủ tịch UBND TP.HCM đã nêu những sự kiện trọng đại của đất nước như Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đối với TP.HCM có sự kiện thành lập thành phố (Thủ Đức) trong thành phố, mở ra cho TP.HCM xây dựng chính quyền đô thị, có mô hình phát triển mới để tạo động lực cất cánh.

Ảnh: TL.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: Tuoitre.

Đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát với chủng Delta bắt đầu xuất hiện, TP.HCM đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Tuy khó khăn chồng chất nhưng thành phố cũng có những điểm sáng trong sự phát triển. Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thu ngân sách của địa phương vượt dự toán, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng trên 38% với 7,38 tỉ USD. Lượng kiều hối của bà con nước ngoài gửi về đạt trên 6,6 tỉ USD. "Chúng tôi xem kiều hối là nguồn lực rất lớn và cần những chính sách, nghiên cứu, để thu hút, tạo động lực phát triển mới. Trong năm qua, kiều hối bà con gửi về cũng gần bằng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài" - Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Nhiều kiều bào đóng góp ý kiến

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, qua đại dịch COVID-19, TP.HCM đã bộc lộ một số bất cập từ cơ cấu kinh tế đến xã hội nên cần nghiên cứu và có giải pháp trong thời gian tới. Đầu tiên là vấn đề quản trị thành phố, cơ cấu các ngành kinh tế với đặc điểm là đô thị hơn 10 triệu dân. Bên cạnh đó, dù được nhắc tới là một đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, chuyển đổi số nhưng khi đại dịch xảy ra thì hệ thống cơ sở dữ liệu và kết nối dữ liệu để quản trị thành phố rất khó.

Ngoài ra, đối với các vấn đề văn hóa - xã hội, TP.HCM thấy người dân càng bức xúc, chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi những điểm nghẽn như ùn tắc giao thông, ngập nước, nhà ở, đầu tư văn hóa chưa xứng tầm... "Đó là những điều mà thành phố cần tập trung nguồn lực để giải quyết và mong muốn được lắng nghe ý kiến của bà con kiều bào", ông Phan Văn Mãi nêu và đề nghị.

Ảnh: TL.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trò chuyện với kiều bào tại buổi họp mặt nhân dịp xuân Nhâm Dần 2022 Ảnh: Tuoitre.

Đặc biệt, trong năm tới, TP.HCM sẽ nghiên cứu để có đề xuất hoàn chỉnh việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế. Để thực hiện thành công phần việc này, thành phố cần nhiều bài học kinh nghiệm từ nước ngoài, sự chia sẻ, góp ý, hỗ trợ của bà con kiều bào ngoài nước. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết thành phố đang thực hiện quy hoạch chung thành phố. "Việc này rất quan trọng, đòi hỏi lượng tri thức rất lớn, sự tham gia của nhiều tổ chức. Do đó, lãnh đạo TP.HCM mong muốn nhận được nhiều ý kiến, góp ý của bà con kiều bào về vấn đề này" - Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin.