Hải Vân Thứ Năm | 06/09/2018 08:33

Kinh tế và biển quan trọng với Việt Nam-Indonesia

Phân định vùng đặc quyền kinh tế và Chương trình hành động mới giữa Việt Nam-Indonesia có thể đạt được thống nhất vào ngày 11.9 tới

Nhiều khả năng Chương trình hành động mới, giai đoạn 2019-2023, giữa Việt Nam và Indonesia, sẽ được thống nhất và đi đến ký kết vào ngày 11.9 tới, thời điểm Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo và phu nhân thăm cấp nhà nước Việt Nam, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam, ông Ibnu Hadi, chia sẻ với NCĐT tối ngày 5.9.

"Ngày 6.9, một đoàn của Indonesia sẽ đến Việt Nam để bàn về EEZ. Họ có thể phải làm việc cả ngày thứ Bẩy và Chủ nhật để hoàn thành việc đàm phán trước khi ngài Tổng thống đến Việt Nam vào tuần tới”, ông Ibnu Hadi cho biết.

Đến nay, Indonesia và Việt Nam đã tổ chức 10 vòng đàm phán về phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), ký bản ghi nhớ về hợp tác nghề cá và các vấn đề trên biển năm 2010.

Theo Đại sứ Ibnu Hadi, kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Indonesia vào năm 2017 đến nay, đã có 4-5 cuộc họp chính thức và không chính thức liên quan đến EEZ.

"Hiện, hai nước đã tập trung hơn cho việc giải quyết vấn đề liên quan đến EEZ", Đại sứ Ibnu Hadi nói. Trên thực tế, EEZ liên quan đến chính trị, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác. 

Việt Nam và Indonesia thiết lập Đối tác Chiến lược năm 2013. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2017 đạt hơn 6,5 tỷ USD. Indonesia đứng thứ 5 trong ASEAN và đứng thứ 30 về đầu tư vào Việt Nam tính đến tháng 6.2018, với 71 dự án trị giá 514 triệu USD.

Nội dung Chương trình hành động mới sẽ tập trung vào nhiều mục tiêu, về an ninh quốc phòng, kinh tế chính trị, văn hóa xã hội, nhưng Đại sứ Ibnu Hadi nói rằng: “Kinh tế và biển, hai lĩnh vực quan trọng nhất với hai nước”.

Theo Đại sứ Ibnu Hadi, kết quả Chương trình hành động, giai đoạn 2014-2018, giữa Việt Nam và Indonesia đã không như kỳ vọng. Cụ thể, mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD đã không đạt được.

Liên quan đến mục tiêu này, Đại sứ Ibnu Hadi cho biết, trong chuyến thăm Indonesia của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2017, hai nước đã gia hạn thời gian để đạt thương mại song phương 10 tỷ USD vào năm 2020.

Theo các báo cáo gần đây, nửa đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai nước đã đạt xấp xỉ 4 tỷ USD. “Chúng tôi tin rằng đến hết năm 2018, kim ngạch hai nước sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD, đến năm 2019 sẽ là 9,2 đến 9,3 tỷ USD, để đến 2020 sẽ vượt qua con số 10 tỷ USD hai bên đề ra.

Vị Đại sứ đến từ Indonesia tin rằng năm 2018, kim ngạnh của hai nước có thể đạt 8 tỷ USD, tăng khoảng 20%, dù trong nửa đầu năm nay, việc nhập khẩu ô của Indonesia sang Việt Nam bị gián đoạn do Việt Nam thực thi Nghị định 116.

Mặt hàng phía Indonesia xuất khẩu sang Việt Nam nhiều nhất là than đá và ô tô, còn phía Indonesia xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là linh kiện điện tử và gạo. Đạt mốc kim ngạch 10 tỷ USD, hai bên sẽ chủ yếu tập trung vào các mặt hàng này.

Đại sứ cũng cho biết, Tổng thống Indonesia dự kiến dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, diễn ra ngày 11-13.9 với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4".