Chủ Nhật | 29/05/2016 12:27

Kinh doanh nhờ lợi thế đi sau ở Ba Lan

Cộng đồng Việt kiều muốn phát triển kinh tế bền vững, thì không có cách nào khác là phải học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước.

Bây giờ, ông Đỗ Trọng Trùy đã là chủ một doanh nghiệp đầu tư ổn định vào hệ thống nhà hàng trong các siêu thị, cũng như tham gia các dự án xây dựng nhà ở, khách sạn tại Warsaw. Nhưng trong hơn 20 năm qua tại Ba Lan, chuyện kinh doanh của ông Trùy cũng có nhiều thăng trầm. Bởi vậy, lợi thế đi sau được ông Trùy tận dụng triệt để trong kinh doanh.

Kinh tế châu Âu vẫn còn khó khăn, Ba Lan cũng không ngoại lệ. Thị trường bây giờ đã thay đổi, kinh doanh của người Việt ở đây gặp nhiều khó khăn do bắt nhịp chậm hơn vì thói quen kinh doanh trước đây. Khi Ba Lan thiếu hàng hóa, cộng đồng người Việt kinh doanh rất thuận lợi, có hàng là bán được. Giờ thay đổi thói quen kinh doanh, ông Trùy nói phải mất một thời gian.

Trong 28 quốc gia thành viên châu Âu, các nền kinh tế có mức độ phát triển khác nhau. Theo ông Trùy, cộng đồng người Việt muốn hội nhập sâu vào đời sống người dân bản địa, muốn phát triển kinh tế bền vững, không có cách nào khác là học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước.

Nhìn vào thị trường bản địa để đầu tư và học hỏi kinh nghiệm qua các diễn đàn, hội nghị của cộng đồng người Việt ở châu Âu là cách ông Trùy phát triển các dự án kinh doanh. Ông kể: “Mô hình kinh doanh nhà hàng trong siêu thị tôi học được khi dự diễn đàn doanh nghiệp người Việt ở Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức, năm 2009. Trở lại Ba Lan, tôi áp dụng các giải pháp đi trước, đón đầu và mang lại thành công”.

Hệ thống nhà hàng trong siêu thị của ông Trùy có 2 thương hiệu: Zen Thai và Silver Dragon. Hiện nay, mỗi thương hiệu với hơn 10 nhà hàng. Ông Trùy giải thích cho việc có 2 thương hiệu là để phòng rủi ro, dù biết quảng bá một thương hiệu sẽ phát triển nhanh hơn. “Zen Thai là mô hình bán hàng ăn trong siêu thị giống như KFC, nghĩa là mình cạnh tranh, sánh vai cùng với họ. Và mình không sợ. Nhà hàng Silver Dragon cũng vận hành tương tự”, ông Trùy cho biết.

Tham dự các hội nghị kinh doanh của cộng đồng người Việt ở châu Âu cũng là cơ hội để ông Trùy gặp gỡ đối tác, mở rộng thị trường hay cung cấp nguồn hàng phù hợp, với giá cả hợp lý. Ông Trùy nhớ chuyến đi Roma, Ý năm 2014, ông gặp chủ một doanh nghiệp người Việt sản xuất mì ở Cộng hòa Séc. “Ngay sau cuộc gặp, chúng tôi đã ký một hợp đồng tiêu thụ mì”, ông Trùy nhớ lại.

Hiện nay, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan đã tạo ra được sân chơi riêng, thu hút các doanh nhân tham gia, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, gặp gỡ đối tác cũng như giao lưu văn hóa. “Đó là những cái được khi tôi tham gia vào Hội”, ông Trùy cho biết.