Chủ tịch Nguyễn Phú Bình trao huy hiệu Quốc tổ Việt Nam toàn cầu cho ông Khăm Hùng, Phó Chủ tịch Tổng hội Người VN tại Lào. Ảnh: Vân Nguyễn
Kiều bào với Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu
Tọa đàm khoa học: “Kiều bào với Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”, một trong những hoạt động của sự kiện “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” năm 2019, diễn ra tại Viêng Chăn – Lào, ngày 5.4 tại Viêng Chăn, Lào, thu hút rất đông các chính trị gia, các nhà ngoại giao, các nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử, các doanh nhân, cùng đông đảo kiều bào nhiều quốc gia trên thế giới và Lào tham dự.
Tọa đàm gồm hai chủ để: Trao đổi, giới thiệu về Dự án và ý nghĩa của việc tổ chức Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu tại nước ngoài và năm nay tại Lào; Trao đổi về việc truyền bá lan tỏa giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng Vương ra nước ngoài.
Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Quyết Tiến, Nhà ngôn ngữ học, Việt kiều tại Cộng hòa Séc, từ thời nhà Nguyễn, vào năm Khải định thứ hai (1917) đã chính thức chọn ngày 10.3 Âm lịch hàng năm làm ngày Quốc giỗ.
Từ xa xưa, Ngày giỗ Tổ Hùng vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Từ nhà Triệu, Đinh, Lê, Lý, Trần đến triều đại Hậu Lê, triều thần và nhân dân vẫn chăm lo việc thờ cúng các vua Hùng vào tháng 3 Âm lịch hàng năm.
Ông Tiến, một nhà ngôn ngữ học, cho biết, kiều bào mong muốn được tổ chức Giỗ tổ trên toàn thế giới trong cùng một ngày. Cộng hòa Séc đã tổ chức thành công Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu năm 2018 sau 6 lần tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương.
Trên thực tế, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được xem như một biểu tượng phản ánh tinh thần và ý thức dân tộc và sự kết nối cộng đồng của người Việt bốn phương. Biểu tượng này có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Phú Bình, cho biết, từ ý tưởng có một ngày lễ chung cho người dân Việt Nam trên toàn thế giới, việc lựa chọn ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là thích hợp nhất, nền tảng phát triển dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu”.
“Sáng kiến của kiều bào có sự cộng hưởng đối với các chính sách chung của Nhà nước”, Chủ tịch Bình nhận xét. Theo ông, dự án này đã được Thủ tướng phê duyệt nhằm lan tỏa những hoạt động có ý nghĩa sâu sắc về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
“Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng” với tư cách là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể đại diện của nhân loại”, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), một kênh để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Đại sứ Việt Nam tại Lào, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhận xét, Ngày giỗ Tổ, nét văn hóa truyền thống được lưu truyền trong cộng đồng người Việt tại Lào. Ngày lễ được kiều bào ở đây luôn coi trọng, như một hoạt động tâm linh hướng về cội nguồn.
Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cái đẹp và sâu sắc nhất của Giỗ Tổ Vua Hùng chính là hun đúc thêm và giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Đạo lý này đã trở thành đạo lý và đạo lý này đã được thực hành trong hàng nghìn năm, trở thành nét đẹp của người Việt Nam. Điều đó cũng cho thấy không phải có nhiều dân tộc trên thế giới có được đạo lý sâu sắc được truyền lại từ ngàn đời.
“Tôi muốn nhấn mạnh giá trị này để cộng đồng người Việt ở nước ngoài giáo dục cho con cháu ý nghĩa cội nguồn”, ông Hùng nói, song vẫn băn khoăn: “Làm thế nào để các cộng đồng người Việt trên thế giới giáo dục tốt hơn cho thế hệ thứ hai, thứ ba… những hiểu biết về các vua Hùng, để họ không bao giờ quên cội nguồn”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến, Việt kiều Áo, Ban vận động Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, cho hay, năm 2019 “Ngày quốc tổ Việt Nam toàn cầu” được tổ chức tại Lào, Thái lan, Nhật Bản và Ba Lan. Theo kế hoạch, mỗi năm một số nước, để trong 5-7 năm trở thành hoạt động lan tỏa và được tổ chức thường niên.
Tiến sĩ Yến tin rằng Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu sẽ tiếp tục kết nối cộng đồng người Việt trong và ngoài nước để giữ gìn bản sắc văn hóa Việt.