Kiều bào muốn giữ quốc tịch Việt nam
Số lượng người Việt Nam ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam đang giảm dần, nhất là ở giới trẻ. Việc giữ quốc tịch Việt Nam hay song tịch đang là mối quan tâm của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, các quy định trong Luật Quốc tịch hiện hành đang là trở ngại chính trong việc người gốc Việt ở nước ngoài xin nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn muốn duy trì quốc tịch ở nước sở tại của mình.
Trăn trở từ bỏ quốc tịch Việt
Theo Điều 7 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, sửa đổi năm 2014: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước” cũng như “tạo điều kiện thuận lợi cho người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam”.
Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 19 và khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định: Người nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước cho phép. Đây chính là sự cản trở lớn nhất mà kiều bào gặp phải khi muốn nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực, quốc tịch trở thành vấn đề quan trọng đối với mỗi người Việt Nam ở nước ngoài. Ngày càng nhiều chuyên gia, trí thức, doanh nhân, kiều bào muốn có song tịch để có điều kiện thuận lợi hơn cho những đóng góp về khoa học, kinh tế, giáo dục... tại Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, hiện có 196.882 người Việt Nam đang sinh sống ở Hàn Quốc, trong đó có khoảng 67.798 người nhập cư theo diện kết hôn và con số phụ nữ gốc Việt chỉ mang quốc tịch Hàn mà không có quốc tịch Việt Nam tương đối lớn, tới 30.150 người.
“Nhu cầu được nhập quốc tịch Việt Nam của người Việt ở Hàn Quốc khá lớn”, Tạp chí Quê Hương dẫn lời bà Nguyễn Ngọc Cẩm, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Luật Quốc tịch của một số quốc gia cũng đặt ra nghĩa vụ cho công dân của quốc gia phải chọn quốc tịch nếu họ rơi vào tình trạng 2 hay nhiều quốc tịch. Chẳng hạn, Luật Quốc tịch Hàn Quốc quy định: Người có quốc tịch Hàn Quốc đồng thời có quốc tịch nước ngoài, phải chọn 1 trong 2 quốc tịch trước khi đủ 22 tuổi và người đã tuyên bố chọn quốc tịch Hàn phải có nghĩa vụ nỗ lực từ bỏ quốc tịch nước ngoài của mình.
Việc khẳng định nguyên tắc một quốc tịch trong pháp luật quốc tịch của các quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quốc gia trong việc thực hiện chủ quyền đối với dân cư. Do đó, những người kết hôn nhập cư Việt Nam đã thôi quốc tịch Việt Nam khi nhập quốc tịch Hàn Quốc trước khi Luật Quốc tịch cho phép song tịch (1.1.2011), không được song tịch ở Hàn Quốc. Lý do là đối tượng này đã thôi quốc tịch Việt Nam, đã nhập tịch Hàn Quốc, đã là công dân Hàn Quốc, nếu nhập thêm quốc tịch Việt Nam sẽ bị mất quốc tịch Hàn, theo Điều 15 Luật Quốc tịch của nước này.
“Phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam mới được nhập quốc tịch Nga, luôn là điều khiến kiều bào trăn trở”, ông Ngô Tiến Điệp ở Liên bang Nga viết trên Tạp chí Quê hương. Theo ông, đã có nhiều người, không muốn bỏ quốc tịch Việt Nam, nên sống và làm việc với tấm thẻ xanh (định cư dài hạn).
Với thẻ xanh, người Việt ở Nga được hưởng nhiều quyền lợi không kém gì người Nga, nhưng cũng gặp một số rào cản và khó khăn trong cuộc sống. Thẻ xanh 5 năm cấp lại 1 lần, nhưng việc xin cấp lại đòi hỏi nhiều thủ tục và thời gian. Trong khi đó, nhiều người Việt, dù sinh sống ở Nga đã lâu, nhưng không phải ai cũng thành thạo tiếng Nga, cũng như thuần thục các thủ tục hành chính.
Do đó, nhiều người Việt lo ngại việc từ bỏ quốc tịch Việt Nam để nhập tịch Nga đồng nghĩa với việc mất quyền bảo hộ công dân từ phía Nhà nước Việt Nam, sẽ gặp không ít khó khăn khi gặp biến cố, nhất là những vấn đề liên quan tới pháp luật Nga.
Duma Quốc gia Nga, ngày 22.4.2016, thông qua Luật liên bang sửa đổi Điều 14 và Điều 30 Luật liên bang “về quyền công dân Nga”. Mục tiêu sửa đổi nhằm tạo sự đơn giản trong tiêu chí và điều kiện nhập quốc tịch Nga.
So với quy định cũ, nước Nga cũng đã “mở cửa” và tạo ra sự thông thoáng hơn nhiều để thu hút nhân tài, doanh nhân giàu có, nhà đầu tư... Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa giải quyết được mong muốn, nguyện vọng của đại bộ phận người Việt sinh sống, làm việc, học tập tại Nga là được giữ quốc tịch Việt Nam trong khi được nhập quốc tịch Nga.
Cởi mở hơn trong chính sách quốc tịch
Người nước ngoài muốn nhập quốc tịch của quốc gia thì phải từ bỏ quốc tịch gốc, quy định của Luật Quốc tịch của Việt Nam tương tự một số quốc gia trên thế giới, như Trung Quốc, Lào, Brunei, Thái Lan, Singapore, Triều Tiên, Ấn Độ, Iran, Nga, Nhật... trong khi vẫn có nhiều quốc gia không áp dụng quy định này. Pháp luật Cộng hòa Pháp cho phép một người có 2 quốc tịch, không đòi hỏi người nước ngoài trở thành công dân Pháp phải từ bỏ quốc tịch gốc.
Do đó, một người di dân nhập cư có thể kết hợp quốc tịch Pháp với một quốc tịch khác, ngược lại, một công dân Pháp có thể giữ quốc tịch của mình trong khi lựa chọn quốc tịch nước ngoài.
Tương tự Pháp, các quốc gia như Hungary, Slovenia và Latvia cũng thừa nhận nguyên tắc 2 hay nhiều quốc tịch trong pháp luật quốc gia. Theo Luật Quốc tịch Latvia: “Việc mang 2 quốc tịch không làm ảnh hưởng tới cá nhân khi người này đã được công nhận là công dân Latvia. Nếu công dân Latvia đồng thời mang quốc tịch nước ngoài thì trong mối quan hệ pháp lý với Cộng hòa Latvia họ sẽ được coi là công dân Latvia”.
Thực tế, ở nhiều quốc gia, dù vẫn khẳng định trong pháp luật quốc gia nguyên tắc một quốc tịch song vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng 2 hay nhiều quốc tịch và hiện tượng công dân quốc gia đồng thời mang quốc tịch nước ngoài vẫn diễn ra khá phổ biến.
Chẳng hạn, Anh, Mỹ, Canada... không chính thức ghi nhận nguyên tắc một quốc tịch trong pháp luật quốc gia, nhưng cũng không ngăn cấm công dân của mình có quốc tịch nước ngoài hoặc yêu cầu công dân nước ngoài từ bỏ quốc tịch gốc để nhập quốc tịch nước mình.
Việc có 2 hay nhiều quốc tịch đã trở thành vấn đề pháp lý không riêng của Việt Nam, mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới. Theo ông Ngô Tiến Điệp, giải pháp tốt nhất cho vấn đề này không chỉ dừng lại ở nỗ lực của từng quốc gia mà cần phải có sự hợp tác quốc tế để hạn chế tình trạng 2 hay nhiều quốc tịch và phối hợp giải quyết các vấn đề thực tế phát sinh liên quan đến người 2 hay nhiều quốc tịch như bảo hộ công dân, lựa chọn luật áp dụng...
Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng tương đối lớn công dân mang 2 hay nhiều quốc tịch. Tuy vậy, những người cư trú tại các nước thuộc nhóm một quốc tịch, dù đã phải bỏ quốc tịch Việt Nam để ổn định cư trú lâu dài ở sở tại, vẫn mong muốn được trở lại quốc tịch Việt Nam. Mong muốn này sẽ trở nên dễ dàng hơn khi các quy định của Việt Nam cho phép thuận lợi và các nước cởi mở hơn trong chính sách quốc tịch.