Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: TL.
Kiều bào hiến kế lập tổ hợp tín dụng 300.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ Ngoại giao và TP.HCM phối hợp tổ chức Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” vào ngày 30.10.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ niềm vui khi gặp lại nhiều gương mặt kiều bào quen thuộc, luôn đồng hành với đất nước. Chủ tịch nhấn mạnh đây là sự cổ vũ để TP.HCM nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc thực hiện "nhiệm vụ kép" trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu.
Dưới tác động của đại dịch, lần đầu tiên kinh tế TP.HCM tăng trưởng dưới 1,2%. Đây cũng là lần đầu tiên có trên 29.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 149.000 tỉ đồng.
Chính vì vậy, lãnh đạo TP.HCM mong được lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế của chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào để thực hiện thắng lợi "nhiệm vụ kép" trong trạng thái bình thường mới, nhất là những nội dung trọng tâm như: chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; kích cầu tiêu dùng; giải ngân đầu tư công; phát triển du lịch; ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
"Thành phố cũng mong muốn các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào thảo luận sâu hơn những giải pháp phát triển Thành phố trong trạng thái bình thường mới, làm sao tận dụng lượng kiều hối hằng năm gửi về TP.HCM khoảng 5 tỉ USD, phát huy sức mạnh của hơn 440.000 doanh nghiệp của Thành phố, đặc biệt là hơn 44.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin để đây là hạt nhân trong việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số của quốc gia. Đồng thời, thảo luận giải pháp mời gọi doanh nhân kiều bào đầu tư nhiều hơn nữa vào Thành phố", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: TL. |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng: Trước bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nặng nề do dịch bệnh COVID-19, nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu gia tăng do cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp, giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn do dịch. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA. Đặc biệt, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số phải được coi là ưu tiên hàng đầu và là động lực tăng trưởng mới trong tương lai.
Các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào tham dự hội nghị. |
Đóng góp ý kiến cho hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (kiều bào Mỹ) đánh giá dư địa của chính sách tài khóa và tiền tệ để ứng phó với tác động của đại dịch không còn nhiều bởi bội chi đã ở mức cao, nguồn thu thuế bị giảm. Trong khi đó, lãi suất ngày càng giảm và nếu giảm thêm nữa, nền kinh tế sẽ rơi vào "bẫy thanh khoản", tức khách hàng sẽ rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro như vàng, bất động sản, tín dụng đen...
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nền kinh tế Việt Nam phải trở thành nền kinh tế kỹ thuật số theo đúng xu hướng của thế giới để không ở lại đằng sau trong tiến trình của trạng thái bình thường mới của cả thế giới. Để làm được, doanh nghiệp cần được cung cấp một nguồn vốn cần thiết.
Sự thay đổi công nghệ dẫn đến tự động hóa thay thế lao động đang mở ra cơ hội tiến nhanh vào công nghệ mới. Bên cạnh đó, chiến tranh công nghệ gay gắt cùng với làn sóng nhà đầu tư rời Trung Quốc, sắp xếp lại chuỗi cung ứng, dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các tập đoàn đa quốc gia đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm rủi ro, cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam, theo Giáo sư Trần Ngọc Anh (kiều bào Mỹ).
Giáo sư Trần Ngọc Anh chia sẻ: "Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã phân tích và thống kê 20 lĩnh vực sản xuất công nghiệp Việt Nam có thế mạnh tiếp cận, thu hút đầu tư như điện, cơ khí, thiết bị văn phòng, thiết bị vi tính. Về xuất khẩu, chúng ta có cơ hội xuất khẩu dịch vụ tương đối lớn, bao gồm dịch vụ viễn thông, y tế".
Việt Nam có hàng trăm ngàn kiều bào là giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu... làm chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực ở nhiều quốc gia. Lực lượng này sẵn sàng tư vấn, hợp tác để phát triển đất nước, nhất là đóng góp hiểu biết của mình cùng chính quyền để xây dựng chiến lược cụ thể phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ chuyên gia trong nước...
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Ban Kinh doanh Chiến lược Tập đoàn FPT, cũng nhấn mạnh vai trò ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong định hướng phát triển doanh nghiệp. Trong giai đoạn dịch, hành vi văn hóa số đã đi vào doanh nghiệp nào thì khả năng tồn tại và bứt phá của doanh nghiệp đó cao hơn, còn ngược lại khả năng duy trì, sống sót thấp”.
Có thể bạn quan tâm: