Ảnh: An Đăng/TTXVN
Kiều bào bày tỏ nhiều kỳ vọng vào ngành Ngoại giao
Sáng 23/12, sau 5 ngày làm việc chính thức, Hội nghị Ngoại giao lần 32 đã bế mạc. Hội nghị nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham dự phiên khai mạc và có bài phát biểu chỉ đạo định hướng toàn diện, sâu sắc trên tất cả lĩnh vực công tác của ngành. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có những chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị và trong các buổi làm việc với các Trưởng Cơ quan đại diện.
Tại phiên công tác xây dựng Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đến dự và phát biểu chỉ đạo. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đến dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp về xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao. Nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương đã đến dự và đóng góp nhiều ý kiến quý báu.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thời gian tới, toàn ngành Ngoại giao sẽ quán triệt sâu sắc các tư tưởng chỉ đạo và định hướng chiến lược về đối ngoại của Đại hội XIII, văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác đối ngoại cũng như chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Hội nghị; tiếp tục chủ động, linh hoạt, sáng tạo triển khai hiệu quả công tác đối ngoại.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Chia sẻ về hội nghị, bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam cho biết: "Là kiều bào tôi rất quan tâm đến Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 vừa diễn ra tại Hà Nội. Tôi phấn khởi trước những thành tích ngành ngoại giao đạt được trong thời gian khó khăn vừa qua. Tôi kỳ vọng trong thời gian tới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác cộng đồng, đặc biệt công tác bảo hộ công dân, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của sở tại nhằm hỗ trợ cộng đồng người Việt củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống."
TS. Trần Hải Linh, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc nhận định: "Với góc độ là một kiều bào đã và đang là cầu nối cho việc xúc tiến đầu tư, hợp tác giao thương, phát triển kinh tế và hợp tác địa phương, hợp tác doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Hàn Quốc trong thời gian qua, tôi rất kỳ vọng vào ngoại giao kinh tế. Việc đưa ngoại giao kinh tế thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đối ngoại nghĩa là Việt Nam đã mở thêm những cơ hội để nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới, gia tăng những quan hệ mềm - sức mạnh mềm trong bối cảnh thế giới ngày càng có nhiều sự thay đổi."
TS. Trần Hải Linh cũng cho rằng ngành ngoại giao cần chú tâm mạnh mẽ hơn nữa về tiềm năng đóng góp của các kiều bào - những người luôn hướng về quê hương Tổ quốc, góp phần cùng nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước, nâng cao và tạo vị thế và lực Việt Nam ngay chính tại các nước trên thế giới, khẳng định rõ vị thế Việt Nam và ngoại giao Việt Nam trên trường quốc tế.
Nguồn TTXVN và báo Quốc tế