Hồn Việt trên đất Ý
Hai năm kể từ sự kiện Hồn Việt phiên bản I ra mắt tại Venezia, Ý, tuần qua dưới sự hướng dẫn của cô giáo Lê Thị Bích Hường, sinh viên bộ môn tiếng Việt tại Trường Đại học Ca’ Foscari đã tổ chức sự kiện Hồn Việt phiên bản II để quảng bá văn hóa Việt Nam.
Phiên bản II này cũng là sự tri ân và tưởng nhớ đến thầy Marco Ceresa, Trưởng Khoa châu Á và Bắc Phi học, người đã đưa tiếng Việt vào Trường Đại học Ca’ Foscari. Nếu như phiên bản I tập trung vào nghệ thuật cổ truyền dân gian như quan họ, chèo, cải lương và phong trào Thơ mới Việt Nam thì năm nay, truyền thống trà Việt được đặc biệt nhấn mạnh.
Chia sẻ về Hồn Việt phiên bản mới, cô Lê Thị Bích Hường cho biết: “Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôi đã hướng dẫn các em sinh viên nghiên cứu về truyền thống trà ở Việt Nam. Thầy Ceresa cũng từng rất thích lĩnh vực này khi thầy đến dự Hồn Việt phiên bản I, xem các em biểu diễn tiết mục quan họ cổ Bắc Ninh “Khách đến chơi nhà”.
Chương trình mở màn với tiết mục múa - kịch truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, giới thiệu về sự ra đời huyền thoại của 54 dân tộc con rồng cháu tiên Việt Nam và tiếp đó là phần giới thiệu về truyền thống trà Việt. Ngoài ra, còn có phần trình diễn thời trang với trang phục của 7 dân tộc H’mông, Thái, Khơ Mú, Dao đỏ, Tày, Êđê, Kinh. Các em sinh viên đã dựa trên tài liệu mà cô Hường cung cấp về đặc điểm trang phục của các dân tộc, chắt lọc những thông tin thú vị nhất để giới thiệu cho khán giả.
“Mời nước mời trầu” quan họ cổ do cô Hường và các em sinh viên hát là tiết mục dẫn vào phần giới thiệu trà Việt. Đối với các em sinh viên bản địa, đây quả thật là những trải nghiệm thú vị. Carlotta Milanino, sinh viên năm thứ nhất, chia sẻ: “Tôi vinh dự được tham gia tổ chức sự kiện, điều đó mang đến cho tôi cơ hội tìm hiểu sâu hơn về truyền thống và lịch sử của đất nước này, cũng như có thể chia sẻ những gì tôi tiếp thu được với cộng đồng đại học của tôi và hơn thế nữa”.
Cũng dịp này, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng gửi tặng đến sự kiện video giới thiệu sự khác nhau giữa trà Việt với trà đạo Nhật và Trung Quốc. Bên cạnh các sinh viên bộ môn tiếng Việt, còn có sự tham gia của một số du học sinh Việt Nam đang học tại trường Ca’ Foscari, đại diện cho Hiệp hội Sinh viên Việt Nam tại Italy, hội viên của Hiệp hội Nhịp cầu Văn hóa Ý - Việt của thành phố Bologna và ca sĩ Đỗ Hạnh Quyên trong một số tiết mục của chương trình.
Nguồn SGGP