Ảnh: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Hội thảo Hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài
Chiều 26/10, Hội thảo về Hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài đã được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao và Đoàn Luật sư TP Hà Nội đồng tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Nội dung chính được đề cập đến tại Hội thảo là tăng cường triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của bà con người Việt Nam ở nước ngoài về các chính sách, pháp luật và thủ tục hành chính liên quan.
Tham dự hội thảo có trên 100 đại biểu đại diện các cơ quan, tổ chức trong nước và đại diện lãnh đạo các hội đoàn người Việt Nam đến từ 11 nước/vùng lãnh thổ, bao gồm Anh, Pháp, Đức, Ba Lan, Séc, Nga, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc và Úc tại 15 điểm cầu ở nước ngoài.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, theo phản ánh của bà con kiều bào, hiện vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản pháp luật do các quy định liên quan nằm rải rác trong các văn bản pháp luật ở nhiều lĩnh vực khác nhau... Do đó, nhiều bà con kiều bào có nhu cầu được hướng dẫn, hỗ trợ thông tin về các chính sách, pháp luật và giải đáp thắc mắc. Đây là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của bà con. Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhận thức rằng việc hỗ trợ pháp lý do cộng đồng người Việt cả ở trong và ngoài nước cũng được xem là một trong những biện pháp hỗ trợ hiệu quả đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
“Triển khai Kết luận số 12-KL/TW ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, công tác xây dựng pháp luật, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như xuất nhập cảnh, cư trú, đầu tư, kinh doanh, nhà ở, đất đai….”, ông Nguyễn Mạnh Đông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu tại Hội thảo. |
Hội thảo đã lắng nghe 10 ý kiến phát biểu của đại diện các hội đoàn người Việt Nam đến từ Anh, Hà Lan, Czech, Bỉ, Nhật Bản, Nga, Pháp, Úc, về nhu cầu hỗ trợ pháp lý trong các lĩnh vực như: Đầu tư, kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài, thừa kế tài sản, sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam; các thủ tục hành chính liên quan đến quốc tịch Việt Nam, cấp căn cước cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, xuất-nhập cảnh, xuất khẩu lao động...
Chia sẻ tại hội thảo, ông Tăng Tuấn Tú, Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Anh cho biết, hiện nay có khoảng 110.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Anh, trong đó có 15.000 du học sinh. Theo ông Tú, người Việt Nam ở Anh có cơ hội được nhận được hai quốc tịch. Tuy nhiên, trẻ dưới 14 tuổi lại chưa được hưởng quyền lợi này. Do đó, ông Tú mong muốn quyền lợi và lợi ích chính đáng của bà con kiều bào cần phải được bảo đảm.
Tham gia góp ý tại Hội thảo, bà Ngô Bích Ngọc, Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Hà Lan cho biết nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho kiều bào ở châu Âu ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở thế hệ thứ hai, các doanh nghiệp hay sinh viên ra trường ở lại làm việc. Theo bà Ngọc, hiện có 3 hình thức là hỗ trợ trực tiếp, trực tuyến và thông qua luật sư. Trong đó hỗ trợ trực tiếp là tối ưu nhất, tuy nhiên vẫn cần làm rõ vai trò của đại sứ quán và UBNNVNVNONN, ngoài ra về hỗ trợ trực tuyến cũng phổ biến hơn sau đại dịch. Một trong những thách thức trong những quá trình hỗ trợ pháp lý bao gồm cả rào cản ngôn ngữ khi các đoàn luật sư tham gia quá trình tư vấn....
Bà Ngô Bích Ngọc, Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Hà Lan phát biểu tại Hội thảo. |
Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình cho biết, trong những năm qua, Quốc hội đã thông qua rất nhiều văn bản luật có nội dung liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… Cùng với đó, các chính sách về xuất nhập cảnh, trọng dụng nhân tài đã cơ bản hình thành tương đối đầy đủ trong hệ thống văn bản pháp luật, liên quan trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khi cư trú, hoạt động trong nước.
Nếu có cơ chế phối hợp tốt giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, tháo gỡ một số vướng mắc, trong đó có các vấn đề pháp lý, sẽ góp phần giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với đất nước, đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông cũng bày tỏ hy vọng, tại kỳ họp Quốc hội lần này, Luật Đất đai (bổ sung) sẽ được thông qua và đáp ứng được nguyện vọng của kiều bào.
Tại hội thảo, Luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội chia sẻ, nhiều người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại nước ngoài rất mong muốn và cần nhận được sự hỗ trợ pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống ở nước ngoài cũng như các mối quan hệ pháp luật ở Việt Nam. Những vấn đề trải rộng từ nhu cầu hồi hương, đầu tư về nước, quan hệ tài sản, thừa kế,... trong nước cho đến điều kiện cư trú, quốc tịch, kết hôn, ly hôn, quyền sở hữu tài sản, lao động, kinh doanh... tại quốc gia sở tại.
Để đáp ứng nhu cầu này, Đoàn luật sư Hà Nội đưa ra sáng kiến về hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài thông qua các hoạt động gắn với chức năng nghề nghiệp của luật sư và sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Các đại biểu kiều bào bày tỏ đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của Ủy ban cùng Đoàn Luật sư TP Hà Nội và kỳ vọng cơ chế hỗ trợ pháp lý sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới một cách thực chất, hiệu quả.
Tiếp thu ý kiều bào, đại diện Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, dự kiến sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai hỗ trợ pháp lý cho kiều bào không có mục đích lợi nhuận với đa dạng đối tượng và hình thức hỗ trợ, trên cơ sở phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các tổ chức hành nghề luât sư và các cơ quan chức năng.