Hải Vân Thứ Bảy | 24/09/2016 12:44

Hoạt động người Việt bốn phương tuần qua

Diễn đàn Doanh nhân người Việt tại Nga; Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu lần thứ 10; Việt kiều Pháp gửi EC Tuyên bố chung về phán quyết PCA

Phó Thủ tướng dự Diễn đàn Doanh nhân người Việt tại Nga

Diễn đàn “Doanh nhân người Việt tại Nga - Triển vọng hợp tác”, tổ chức ngày 18.9, tại Tổ hợp thương mại Hà Nội - Moscow.  Tại đây, ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Nga nhận định: “Với việc Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực, Chính phủ Việt Nam đã xây cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Việt Nam tại Nga một sân vận động hiện đại. Việc của các doanh nghiệp là thi đấu thật tốt”.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, với việc cắt giảm hơn 50% dòng thuế về 0% và có đầy đủ các thỏa thuận về các điều kiện thuận lợi hóa thương mại, FTA với EAEU sẽ mở ra không gian làm giàu cho doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là tại Nga.

Trên thực tế, FTA Việt Nam - EAEU sẽ có những tác động nhất định đến mô hình làm ăn của cộng đồng người Việt Nam tại Nga. Phó Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh người Việt tại Nga cần tích cực chuyển đổi hoạt động kinh doanh từ kinh tế chợ sang kinh doanh tại các trung tâm thương mại, sản xuất và làm dịch vụ, xem xét khả năng nhập trực tiếp hàng hóa từ Việt Nam sang Nga. Đặc biệt là việc phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước để tạo ra sức mạnh tổng hợp, phát huy tối đa những cơ hội hiệp định thương mại tự do mang lại. “Chính phủ sẽ có trách nhiệm cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Hoat dong nguoi Viet bon phuong tuan qua
FTA với EAEU sẽ mở ra không gian làm giàu cho doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là tại Nga. Ảnh: dantocmiennui.vn

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nga, Phó Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow. Sáng 18.9, Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã đến đặt hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở Thủ đô Moscow.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu lần thứ 10

Với chủ đề “Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu: Cơ hội hợp tác và phát triển”, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu lần thứ 10, được tổ chức tại thủ đô Budapest, Hungary, thu hút khoảng 250 đại biểu tham dự.

Diễn đàn là sự kiện thường niên lớn nhất của cộng đồng các doanh nhân Việt ở châu Âu, kể từ năm 2006. Diễn đàn năm nay ghi nhận sự gắn kết của cộng đồng doanh nhân người Việt tại châu Âu, sự trưởng thành của các doanh nghiệp người Việt trẻ. Đây là những doanh nhân trưởng thành tại châu Âu, với  tư duy, cách làm việc mới dựa trên những lợi thế về tri thức và ngôn ngữ.

Thực tế, kinh doanh ở châu Âu không phải lúc nào cũng dễ dàng. Kể từ khi khối Đông - Trung Âu gia nhập EU vào năm 2004, các quốc gia tại đây phải hoàn thiện hệ thống luật pháp nghiêm ngặt với vô vàn quy định về thuế, chất lượng sản phẩm, điều kiện kinh doanh... Chỉ trong thời gian ngắn, các công ty đa quốc gia ồ ạt xâm chiếm thị trường châu Âu, các hệ thống bán lẻ đua nhau mọc lên. Chợ Việt không còn là sự lựa chọn phổ biến trong bối cảnh hàng hóa không còn khan hiếm. Thay vào đó, khách hàng có thể lựa chọn nhiều chủng loại hàng hóa tại các trung tâm thương mại. Cạnh tranh khốc liệt đã khiến nhiều doanh nghiệp của người Việt phá sản, giải thể hoặc hoạt động cầm chừng.

FTA Việt Nam - EU được kỳ vọng là cơ hội hợp tác và phát triển đối với thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU. Theo đó, chỉ khoảng 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% và còn phụ thuộc vào cơ chế GSP, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam có thể giúp tỉ lệ này tăng lên trên 90% sau một lộ trình ổn định, tức là 28 tỉ USD hàng hóa xuất khẩu sang EU trong tương lai sẽ được miễn thuế. Hiệp định có các quy định, cơ chế rõ ràng và hiệu quả, liên quan đến thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, minh bạch hóa, sở hữu trí tuệ, bao gồm cả chỉ dẫn địa lý, hợp tác xây dựng năng lực, thương mại và phát triển bền vững... Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, mua sắm công và cam kết về chính sách đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa chính sách, hiệp định này sẽ thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam.

Hoat dong nguoi Viet bon phuong tuan qua
28 tỉ USD hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU trong tương lai sẽ được miễn thuế. Ảnh: digitaltrends.com

Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, cho biết, EU không chỉ tập trung vào thương mại, đầu tư mà còn muốn đảm bảo rằng kinh tế tư nhân có thể tồn tại và phát triển tốt sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam có hiệu lực. Điều quan trọng là doanh nghiệp 2 nước phải hiểu rõ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam là gì và hiểu quyền lợi cũng như nghĩa vụ liên quan khi Hiệp định được thực thi.

Hội đoàn người Việt tại Pháp gửi EC Tuyên bố chung về phán quyết của PCA về biển Đông

35 Hội đoàn người Việt tại Pháp đã chính thức gửi Ủy ban châu Âu (EC) Tuyên bố chung, phản đối những hành động, yêu sách trái với Luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Bản Tuyên bố chung có đoạn: “Tuyên bố chung liên quan tới phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện của Philippines đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye (Hà Lan) (PCA) ngày 12.7 đã ra phán quyết, Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ pháp lý nào khi đòi “quyền lịch sử” trong vùng giới hạn bởi “đường chín đoạn” trên Biển Đông. Không những vậy, PCA còn tố cáo Trung Quốc đã gây ra những tổn hại nặng nề đối với hệ sinh thái thông qua việc tự ý khai phá, biến đổi hiện trạng và xây dựng tràn lan các cơ sở hạ tầng cảng tàu, sân bay”.

Cũng trong Tuyên bố chung, các tổ chức thuộc cộng đồng người Việt Nam tại Pháp và các hội đoàn hữu nghị với Việt Nam đã cùng tuyên bố:

1. Phản đối mạnh mẽ những hành động, yêu sách trái với luật pháp quốc tế của chính phủ Trung Quốc khi: Đòi hơn 80% diện tích biển phía Nam Trung Quốc; Ngang nhiên xây dựng từ năm 2014 các đường băng, cảng và các căn cứ quân sự trên các đảo có tuyên bố chủ quyền bởi Việt Nam và các nước khác trong vùng; Đe dọa xác lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hòng kiểm soát toàn bộ việc đi lại trên biển và trên không trong khu vực; Đã có nhiều hành động khiêu khích, tấn công với các tàu cá của Việt Nam và Philippines trong vùng tranh chấp trên Biển Đông. Cụ thể, lần gây hấn gần nhất xảy ra vào ngày 9.7; Tăng cường các hoạt động quân sự trong vùng tranh chấp nhằm tái khẳng định cái gọi là “chủ quyền” và “quyền lịch sử” trái với phán quyết từ PCA. Thậm chí, Trung Quốc còn thách thức xung đột quân sự trên Biển Đông ngay sau phán quyết từ PCA.

2. Kêu gọi tất cả các bên liên quan đặc biệt là Trung Quốc và cộng đồng quốc tế cam kết và hành động để: Luật pháp quốc tế phải được thực thi, đặc biệt Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) phải được tuân thủ; Những tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bằng những giải pháp hòa bình và đàm phán theo luật quốc tế, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ sự hăm dọa và hành động vũ lực nào; Đảm bảo sự tôn trọng của các bên đối với phán quyết từ PCA về những điểm đã được nêu ở trên.

Ý thức rằng nguy cơ bất ổn trong khu vực luôn tiềm ẩn, qua Tuyên bố chung, các hội đoàn người Việt tại Pháp, một mặt ngăn chặn những động thái có thể gây ra hậu quả khôn lường, đe dọa tới hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không trên khu vực. Mặt khác, đã thắt chặt hơn nữa sự đoàn kết và tình hữu nghị giữa các nước trong  khu vực, giữa cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình và công lý.

Hải Vân