Hoạt động người Việt bốn phương tuần qua
Hội nghị ngoại giao lần thứ 29: Chú trọng hơn chính sách người Việt Nam ở nước ngoài
Làm gì để tăng cường đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng người Việt Nam hội nhập sâu vào nước sở tại cũng như hướng về quê hương là một trong những nội dung chính của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, tổ chức tuần trước tại Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại hội nghị này, đã nhận định: Công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã có những chuyển biến rõ rệt. Người Việt ở các quốc gia trên thế giới luôn hướng về Tổ quốc, đã có những đóng góp thiết thực vào xây dựng đất nước. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã và đang làm tốt nhiệm vụ bảo vệ công dân, thực sự là chỗ dựa tin cậy của cộng đồng người Việt đang sống và làm việc ở nước ngoài.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp, ông Nguyễn Ngọc Sơn, cho biết hiện nay, ngoài Hội người Việt Nam tại Pháp, xuất hiện nhiều tổ chức hội đoàn mới của trí thức, doanh nhân… Tuy nhiên, sự gắn bó với quê hương, đất nước của thế hệ kiều bào thứ 2, 3 không được chặt chẽ như cha ông. Do đó, cần có sự quan tâm và đầu tư cho thế hệ trẻ.
Những năm gần đây, du học sinh Việt tại Pháp ngày càng đông, trở thành lực lượng đi đầu các phong trào, hoạt động văn hóa cộng đồng. Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng đây là cầu nối thế hệ kiều bào trẻ với đất nước. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hoạt động dành cho kiều bào, như việc tổ chức các lễ hội truyền thống, thi viết tìm hiểu về Việt Nam, tham gia các chương trình Xuân Quê Hương, Trại hè Việt Nam, kiều bào thăm Trường Sa… để thu hút đông kiều bào, nhất là giới trẻ tham gia.
Người Việt ở các quốc gia trên thế giới luôn hướng về Tổ quốc, đã có những đóng góp thiết thực vào xây dựng đất nước. Ảnh: cand.com.vn |
Nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt ở nước ngoài trong tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị trong giai đoạn 2016-2020. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh trong tháng 8 cũng đã ký và ban hành Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao. Đây là những căn cứ, định hướng quan trọng để triển khai công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay đòi hỏi chú trọng hơn đến công tác tham mưu, xây dựng chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, ông Nguyễn Thanh Sơn, cho rằng phải có chính sách cởi mở, đột phá để thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài. Muốn vậy, phải lắng nghe ý kiến của kiều bào. Bên cạnh đó, phải chủ động, sáng tạo hơn trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, chú trọng hơn đến việc phân loại để xác định nơi nào cần bảo hộ, nơi nào cần vận động, củng cố, để tạo được sự chuyển biến toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Tọa đàm “Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế về Biển Đông” tại Pháp
Theo Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), tọa đàm với chủ đề “Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông”, tổ chức tuần trước tại Pháp, đã cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông, giúp các bạn trẻ là thanh niên, sinh viên Việt Nam đang học tập tại châu Âu nâng cao nhận thức, cũng như xác định nghĩa vụ, trách nhiệm đối với đất nước trong tình hình mới.
Mở đầu tọa đàm, bộ phim “Biển Đông - Chiến Tranh Các Quần Đảo” của đạo diễn người Pháp Marc Petitjean được trình chiếu, cho thấy chiến lược “gặm nhấm” biển Đông của Trung Quốc thông qua việc bê tông hóa các đảo đá, bãi cạn và biến các đảo này thành sân bay và căn cứ quân sự. Các đảo nhân tạo này đang đe dọa tự do hàng hải và việc khai thác các nguồn lợi tài nguyên trên biển như cá, dầu mỏ… Bộ phim này được đạo diễn Marc Petitjean thực hiện và phát trên kênh truyền hình châu Âu Arte năm 2015.
Theo luật pháp quốc tế, một bãi tạo lập chỉ có thể trở thành đảo nếu nó là tự nhiên, cho phép một cộng đồng người sống ổn định tại đó, không phụ thuộc vào nguồn tài nguyên bên ngoài và hoạt động triển khai trên đó không chỉ là hoạt động khai thác. Theo nhà báo Võ Trung Dung, chuyên theo dõi về tình hình biển Đông đang sống và làm việc tại Pháp, việc Trung Quốc cải tạo các bãi đá và rạn san hô trên biển Đông, trước là nhằm mục đích quân sự quốc phòng, sau là vấn đề kinh tế. Ông Dung khuyến khích giới trẻ tìm hiểu thông tin qua các trang website nghiên cứu chính thống để có cái nhìn khoa học và chính xác về các tranh chấp trên biển Đông.
Tiến sĩ sử học Patrice Jorland, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), cho rằng không có cơ sở pháp lý trong các tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Đông và những nguồn tài nguyên trong “đường 9 đoạn”. Ông Patrice Jorland yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết này do Trung Quốc đã tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Người Việt ở Ukraine tham gia Hội chợ Sorochinsky Yarmarok
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, từ năm 2015, đoàn Việt Nam đã có gian hàng tham gia Hội chợ Sorochinsky Yarmarok. Sorochinsky Yarmarok là hội chợ lớn, được tổ chức thường niên, với hàng ngàn gian hàng, đa dạng từ sản phẩm công nghiệp đến hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm truyền thống và ẩm thực địa phương. Năm nay, cộng đồng người Việt Nam đã cử hai đoàn nghệ thuật từ Kharkov và Odessa tham gia biểu diễn tại Hội chợ. Các tiết mục dân tộc như múa nón, hát mời trầu, trống cơm… nhận được đông đảo sự cổ vũ của người dân Ukraine và du khách tham dự hội chợ.
Năm nay, cộng đồng người Việt Nam đã cử hai đoàn nghệ thuật từ Kharkov và Odessa tham gia biểu diễn tại Hội chợ. Ảnh: daidoanket.vn |
Ông Hồ Trung Thanh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ukraine, cho biết những năm qua, đặc biệt là năm 2014 và 2015, tình hình giao thương giữa Việt Nam và Ukraine gặp nhiều khó khăn. Năm 2014 kim ngạch hai chiều đạt 420 triệu USD, giảm so với năm 2013 là 600 triệu USD và tiếp tục giảm trong năm 2015, chỉ đạt 340 triệu USD. Nguyên nhân là do khủng hoảng chính trị và chiến sự tại nước này. Năm 2015, kinh tế của Ukraine giảm 10% và lạm phát tăng đến 46% và đồng nội tệ mất giá một nửa. Những điều đó đã khiến khả năng tiêu thụ ở thị trường này giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, ông Thanh khuyến cáo, doanh nghiệp đang làm ăn tại Ukraine cần nắm thông tin về tình hình chính trị, kinh tế và diễn biến thị trường tại nước này. Ngoài ra, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ đối tác trong bối cảnh gian lận thương mại gia tăng. Một vấn đề nữa, hiện nay Ukraine đang hội nhập sâu rộng với châu Âu nên doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ các quy định tiêu chuẩn cao để tạo nền tảng thuận lợi trong kinh doanh khi tình hình Ukraine ổn định trở lại.
Hải Vân