Ảnh: TL.
Hoạt động Hội - Người Việt Bốn Phương số 853
ALOV đồng hành, chia sẻ cùng người dân vùng lũ Quảng Bình
Đoàn công tác Hội Liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV), do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung, Phó Chủ tịch ALOV, làm Trưởng đoàn, mới đây đã tới tỉnh Quảng Bình trao tặng 3.200 hộp thuốc và 60 triệu đồng, hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn. Theo các bên tiếp nhận, quà hỗ trợ được chuyển tới các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, những địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất, để hỗ trợ giáo dục và y tế cho người dân địa phương.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 (Trami), tại tỉnh Quảng Bình có gần 34.500 hộ dân bị ngập lụt, trong đó thiệt hại nặng nhất là các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Cụ thể, mưa lũ đã làm 5 người chết, thiệt hại tài sản ước tính ban đầu khoảng 500 tỉ đồng, trong đó huyện Lệ Thủy 245 tỉ đồng, huyện Quảng Ninh 125 tỉ đồng.
Thấu hiểu và chia sẻ những mất mát của người dân vùng lũ tỉnh Quảng Bình, Lãnh đạo ALOV đã vận động các kiều bào ở trong và ngoài nước chung tay hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Khoảng 500 chuyên gia, trí thức kiều bào đang làm việc tại TP.HCM
TP.HCM trong nhiều năm đã đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm chào đón các chuyên gia, trí thức và nhà khoa học người Việt ở nước ngoài trở về tham gia hợp tác, giảng dạy, nghiên cứu, theo bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM. Hiện có khoảng 500 chuyên gia, trí thức, nhà khoa học kiều bào đang làm việc tại TP.HCM.
Để tuyên dương các chuyên gia, trí thức, kiều bào có nhiều đóng góp ý kiến và tham gia vào các hoạt động của Thành phố, vào đầu tháng 11 này Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã phối hợp cùng gia đình Tiến sĩ Võ Tá Hân (kiều bào Mỹ) trao tặng hơn 9.600 cuốn sách (trị giá khoảng 24 tỉ đồng) đến 33 trường đại học, cao đẳng và thư viện khu vực miền Nam, Tây Nguyên. Đây là một phần trong 14.219 cuốn sách (tổng trị giá 34 tỉ đồng) chuyên ngành khoa học kỹ thuật của Nhà xuất bản World Scientific (Singapore) được Tiến sĩ Võ Tá Hân tài trợ trong năm 2024.
Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức có chủ tịch mới
Sau lễ chuyển giao vào đầu tháng 11/2024, bà Bùi Thị Thu Minh đảm nhiệm chức Chủ tịch Câu lạc bộ Trường Sa tại Cộng hòa Liên bang Đức, nhiệm kỳ 2024-2026, theo thông tin từ Câu lạc bộ Trường Sa. Trong nhiệm kỳ vừa qua, các thành viên Câu lạc bộ đã nỗ lực triển khai những hoạt động đầy ý nghĩa, thiết thực đối với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ và người dân trên quần đảo Trường Sa, qua đó góp phần tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước, đặc biệt trong tình hình khó khăn hiện nay.
Trong nhiệm kỳ tới, Câu lạc bộ Trường Sa sẽ tập trung phát triển thành viên, tổ chức các triển lãm tranh, ảnh về biển đảo Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, kết nối và quyên góp hỗ trợ quân và dân trên quần đảo Trường Sa.
Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức được thành lập ngày 23/4/2017. Ban đầu đây là tổ chức tự nguyện của những người đã từng có mặt trong những chuyến thăm quân và dân tại quần đảo Trường Sa. Sau đó, do tình cảm của bà con kiều bào dành cho biển đảo quê hương, Câu lạc bộ đã phát triển và kết nạp cả những người chưa từng đặt chân đến Trường Sa. Từ 11 thành viên lúc ban đầu, hiện Câu lạc bộ Trường Sa có tới hơn 40 thành viên.
Ảnh: TL. |
Bà Trần Tố Nga sẽ tiếp tục kháng án lên Tòa giám đốc thẩm tối cao
Làm việc với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng ngày 12/11/2024, bà Trần Tố Nga cho biết sẽ tiếp tục kháng án lên Tòa giám đốc thẩm tối cao. Bà Trần Tố Nga, sinh năm 1942 tại Sóc Trăng, từng là phóng viên và bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Bà định cư tại Pháp và bắt đầu hành trình tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin từ tháng 5/2009 đến nay, với một niềm tin mãnh liệt rằng lẽ phải nhất định sẽ chiến thắng. Tuy nhiên, ngày 22/8/2024 Tòa phúc thẩm Paris đã ra phán quyết giống với Tòa sơ thẩm là bác đơn của bà Trần Tố Nga với lý do Tòa không có thẩm quyền xét xử vụ kiện.
Chiến tranh đã qua, nhưng hậu quả nặng nề vẫn tiếp tục tác động đến đất nước và người dân Việt Nam. Những nỗ lực và cống hiến của bà Trần Tố Nga là tấm gương về sự đấu tranh không mệt mỏi vì hòa bình và công lý cho các nạn nhân và gia đình các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang hằng ngày, hằng giờ phải vật lộn với nỗi đau do di chứng của chất độc da cam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đánh giá cao sự kiên định và lòng dũng cảm của bà Trần Tố Nga trong suốt thời gian theo đuổi vụ kiện để tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bà Trần Tố Nga và các cộng sự sẽ luôn có sự đồng hành, hỗ trợ từ quê hương
(Tổng hợp)