Nhà khoa học người Mỹ gốc Việt này đã sáng lập Trung tâm Phân tích Công nghệ cao Hoàn Vũ. Ảnh: Hoàn Vũ

 
Thu Lam Thứ Hai | 28/04/2025 10:43

Henry Bùi “phí tiền” cho nông sản

18 năm nay Henry Bùi được biết đến là ông chủ của một Trung tâm phân tích công nghệ cao đứng đầu Đông Nam Á.

Henry Bùi (Bùi Xuân Hoàng) cùng các cộng sự tận tụy làm công việc xác thực chất lượng hàng hóa Việt Nam trước khi xuất khẩu và chinh phục được nhiều thị trường khó tính nhất thế giới. Nhà khoa học người Mỹ gốc Việt này đã sáng lập Trung tâm Phân tích Công nghệ cao Hoàn Vũ, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Stanford, Agilent Technologies, Thermo Finnigan, Thermo Scientific, Thermo Fisher, nơi ông đã thiết kế và phát minh ra một số khía cạnh của công nghệ khối phổ hiện đại.

Henry Bùi (Bùi Xuân Hoàng) cùng các cộng sự tận tụy làm công việc xác thực chất lượng hàng hóa Việt Nam trước khi xuất khẩu và chinh phục được nhiều thị trường khó tính nhất thế giới.
Henry Bùi (Bùi Xuân Hoàng) cùng các cộng sự tận tụy làm công việc xác thực chất lượng hàng hóa Việt Nam trước khi xuất khẩu và chinh phục được nhiều thị trường khó tính nhất thế giới.

Ông Tom Sargeantson, Giám đốc Kinh doanh Sunland, nhà nhập khẩu mật ong lớn nhất thế giới, đã đánh giá: “Hoàn Vũ đã quản lý chất lượng tuyệt vời cho 600 đơn hàng, tức 12.000 tấn mật ong xuất cảng đến Mỹ, đã được kiểm tra tại Mỹ. Tất cả đều đạt, không có lô nào sai, hơn cả 2 phòng thí nghiệm lớn bên Đức”. Ông nói gì về nhận xét này?

Mật ong có rất nhiều chỉ tiêu kiểm thử và chỉ cần một chỉ tiêu “rớt” là nguyên một container hàng 20 tấn không được xuất khẩu. Mỗi năm chúng tôi cho đi tới 50.000 tấn, tỉ lệ thành công là 99,99%. 

Thông thường, việc đánh giá chất lượng mật ong (có trộn đường, tỉ lệ trộn) căn cứ theo tỉ lệ saccarose có trong mẫu. Nhưng nếu trộn đường corn syrup (thành phần chủ yếu là glucose và fructose), cách đánh giá này lại không đúng. Từ năm 2020, chúng tôi đã nghiên cứu và xây dựng các “dấu ấn đường” (sugar maker) chính xác đến 5 con số lẻ, tách ra được hơn 3.000 chất khác nhau. Đây cũng là lý do giúp kết quả phân tích mật ong của chúng tôi được các thị trường châu Âu và Mỹ chấp nhận. 100% mật ong Việt Nam xuất vào 2 thị trường khó tính này là do chúng tôi chứng nhận nguồn gốc, chất lượng. Chất lượng kiểm thử chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế như thế thì chi phí cũng tương ứng?

Chi phí ở đây rất hợp lý. So với chi phí kiểm định của các doanh nghiệp trên thế giới thì giá của chúng tôi chỉ bằng 1/3-1/4 của Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore... trong khi chất lượng kiểm định là ngang bằng, thậm chí chính xác hơn họ. 

Điểm khác biệt giữa đơn vị của ông và các đơn vị kiểm định chất lượng hàng hóa xuất khẩu khác?

Phần lớn công nghệ của chúng tôi là máy khối phổ kép, máy đồng vị bền, máy khối phổ độ phân giải cao. Ở Việt Nam, cho đến hiện nay, các đơn vị kiểm định chất lượng nông sản chỉ có mỗi máy khối phổ kép. Đây là khác biệt giữa chúng tôi và các đơn vị kiểm định chất lượng nông sản khác tại Việt Nam.

Các loại nông sản được đưa đi kiểm định nhiều nhất là thanh long, chanh leo, ớt... Cái khác của Hoàn Vũ là giúp cho một số doanh nghiệp đến với mình xuất cảng thành công, gần như không bị trả lại. Chúng tôi có tiếng là đơn vị có nhiều trang thiết bị nhất và việc kiểm thử đạt chất lượng cao. Chất lượng cao ở đây được định nghĩa là 1.000, 3.000, 5.000... lô hàng xuất sang thị trường khó tính đều thành công, không bị trả lại, ổn định từ năm này qua năm khác, lâu bền qua thời gian, chứ không nhất thời.

Hiện nay, thị trường nào là khó tính nhất và ông có dự báo gì về các thị trường này?

Tại Nhật và châu Âu, bất kể hàng nhập từ nước nào, công ty nào đều phải hậu kiểm với nhiều chỉ tiêu khác nhau. Còn thị trường Mỹ phần lớn ít kiểm tra lại. Riêng mật ong thì dù đi thị trường nào cũng đều kiểm tra lại 100%, xác thực nguồn gốc có phải mật ong hay không. Trong thời gian tới, các thị trường đều áp dụng trên các tiêu chí đã có nhưng gắt gao hơn, hàng rào kỹ thuật dày hơn. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho mặt hàng chất lượng và từ chối hàng kém chất lượng dù giá thấp hơn. Hàng Việt Nam xuất đi, một số doanh nghiệp sẽ gặp khó nhiều hơn bởi trước nay chất lượng chưa được họ quan tâm đúng mức.

Vào cảng châu Âu cực kỳ khó. Không phải lấy nông sản từ trang trại này, trang trại kia đem đi kiểm định rồi xuất đi, mà phải đảm bảo một quy trình sản xuất nghiêm ngặt và ổn định, từ thuốc, phân bón... Chúng tôi đi đầu truy xuất nguồn gốc của nông sản, đưa ra câu trả lời loại nông sản đó được trồng ở vùng đất nào, thổ nhưỡng ra sao, sử dụng phân thuốc gì, xác nhận hữu cơ... Lâu nay chúng tôi đã có một số doanh nghiệp đồng hành theo tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc.

Ông có thể chia sẻ những việc ông và các cộng sự đang làm?

Từ đầu năm 2025 chúng tôi mở thêm một mảng cho Công ty là nghiên cứu và phân tích phân tử sinh học, với thiết bị tối tân trị giá hàng chục triệu USD. Nhân sự ở trung tâm này phần lớn là các nhà khoa học trẻ gốc Việt, học ngành sinh học phân tử ở nước ngoài về, toàn bộ có học vị tiến sĩ. Chúng tôi tìm ra đặc thù của các hợp chất có trong thực vật và cả động vật để ứng dụng chế tạo thuốc bảo vệ thực vật sinh học, dược phẩm, mỹ phẩm... Nếu ở mảng kiểm định nông sản, chúng tôi có thể thấy kết quả công việc mình làm qua từng đợt mẫu thử được hoàn thành từ 3-7 ngày, từng lô hàng được nhập cảng vào nước bạn thành công thì thành tựu ở trung tâm phân tích phân tử sinh học này phải tính bằng tháng, bằng năm nhưng nó xứng đáng ở tầm nhìn dài hạn và giải pháp cho quốc gia.

Ở mảng nghiên cứu và phân tích phân tử sinh học, đây là chỗ tốn tiền nhiều hơn là kiếm tiền, ít nhất trong 2 năm tới. Những gì sẽ xảy ra sau 2 năm, chúng tôi vẫn chưa biết chắc chắn. Nhưng mình phải làm, vì mình không làm thì không ai làm tốt hơn mình cái chuyện vì lợi ích người dân và mang tầm vóc quốc gia. Và đáng mừng là tôi tập hợp được một đội ngũ có cùng lý tưởng, cùng mang tinh thần cống hiến.

Người ngoài nhìn vào sẽ thấy chúng tôi rất phí tiền. Một startup tốn hàng chục triệu USD mà chỉ có 10% thành công sau thời gian 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm thì không có nhà đầu tư nào làm, chỉ trừ khi như chúng tôi, họ là nhà khoa học và cống hiến vì khoa học.