Giáo sư Đỗ Đình Chiểu: “Muốn thành công thì phải học, chỉ có học thôi”
Chính phủ Pháp đã trao tặng Giáo sư Đỗ Đình Chiểu Huân chương Bắc đẩu bội tinh, danh hiệu cao quý nhất của nước Pháp. Nhà thờ họ Đỗ rực rỡ cờ hoa đón Giáo sư Chiểu vinh quy bái tổ. Ghi nhận những đóng góp lớn lao cho nền khoa học vật lý nguyên tử, những công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano mang lại lợi ích lớn cho nước Pháp.
Trở lại xóm Giếng Dợ (Hà Đông cũ), ông như sống lại khoảnh khắc cuộc đời nông dân chân chất với ruộng đồng, trâu bò, sáng ra đồng cày cấy, chiều dắt trâu về. Hòa lẫn đâu đó nét hồn nhiên, vui tươi của những đứa trẻ đi bắt cá, tắm sông, tiếng sáo diều ngân nga... Xa quê rồi, mỗi lần nhớ lại những khoảnh khắc ấy, lại bịn rịn thương nhớ khôn nguôi.
Thân phụ của ông Chiểu là cụ Đỗ Trân, vốn là nhà Nho, luôn quyết tâm cho con cái được đi học. Với tâm niệm “thà để lại cho con một bụng chữ, còn hơn để lại của cải”, ông Chiểu được cha cho theo học tại trường của Pháp đến năm 1950. Cha mất, gia đình ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây, ông thi đỗ và vào học tại trường Chasupsle Laubat. Không có tiền mua sách ông phải mượn sách tự học trong dịp hè. Cuối năm, ông đứng nhất lớp về Pháp văn dù lúc mới vào trường, ông bị điểm 0 về môn này. Thời gian này, ông đã viết nhật ký bằng bút chì với “lời nguyền”: “Muốn thành công thì cần phải học, chỉ có học thôi”.
Hết năm nhất, ông liên tục thi nhảy lớp ở trường chính quy trước sự ngỡ ngàng của Hội đồng Giáo dục và thi tú tài khi chưa 17 tuổi. Tháng 10.1956, ông nhận học bổng sang Pháp học. Với kết quả học tập xuất sắc, ông Chiểu được Chính phủ Pháp cấp học bổng du học tại Đại học Bordeaux. Kế đó, ông học thêm một số chuyên ngành khác của Đại học Grenobie của Pháp và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Quốc gia về vật lý năm 1972.
Đến giờ, Giáo sư Đỗ Đình Chiểu vẫn cho rằng đã “gặp may” khi được học tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của những người thầy nổi tiếng như Giáo sư Louis Neel (giải Nobel vật lý năm 1970 về từ học), Giáo sư Pierre Gilles de Gennes (giải Nobel năm 1991 về môi trường đông đặc) và Giáo sư Felix Bertaut. Cả 3 nhà khoa học này đều rất có thiện cảm với Việt Nam, nhiệt tình truyền đạt kiến thức khoa học, ủng hộ những ý tưởng của cậu học trò người Việt.
Kể từ lần đầu tiên về nước năm 1979, đến nay Giáo sư Chiểu đã dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động khoa học, kết nối các chương trình giao lưu, hợp tác với các Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu và Đào Vọng Đức. Đi đâu, ở đâu, Giáo sư Chiểu cũng luôn quan tâm đến công tác giáo dục và khoa học. Ông tham gia thuyết trình tại các trường đại học, trung tâm khoa học của đất nước mà không nhận thù lao. Một lòng vì quê hương đất nước, ông luôn trăn trở phải làm gì để góp phần xây dựng nền khoa học Việt Nam ngang tầm thế giới. Ông tâm sự, thế và lực Việt Nam giờ đã khác trước, nếu huy động và tổ chức để hội tụ đủ: Thế (kinh tế, tri thức), Tình (thiên thời, địa lợi, nhân hòa) và Tâm (tâm sáng, quyết tâm cao) thì sẽ phát triển rất nhanh.
Theo quan sát của ông, nghiên cứu khoa học ở Việt Nam rất có tiềm năng, nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Các nhà khoa học chưa được đánh giá đúng thực chất, chưa được trả lương xứng đáng. Khi mà trong đầu các nhà khoa học luôn phải nghĩ đến việc tìm kiếm chương trình, đề tài thì rất khó tập trung chuyên sâu nghiên cứu khoa học. Hiện Việt Nam có hơn 4,5 triệu người ở nước ngoài, trong số đó có rất nhiều nhà khoa học, thành danh trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa. Tuy nhiên, việc Nhà nước đánh giá nhân tài chưa đúng với thực chất, nên nhiều nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước cũng không được trọng dụng.
Phát triển đất nước, Nhà nước có nhiều việc phải làm, nhưng theo ông, phải đầu tư cho khoa học để đất nước phát triển bền vững. Nhưng với hoàn cảnh như hiện nay thì khó “giữ chân” các nhà khoa học, nên các nhà quản lý phải thay đổi tư duy, phải thấy trí thức là cần thiết cho đất nước. Ông kể: “Hơn 5 năm trước, tôi đã nói nhiều về việc phải mời các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài về nước làm việc”.
Giờ Giáo sư Chiểu được xếp vào hàng cao niên trong họ Đỗ tại Việt Nam. Trong xóm Giếng Dợ bây giờ, không còn nhiều người nhớ thuở thiếu thời của ông và càng ít người biết đến những gì ông đã trải qua ở cái làng quê nhỏ bé này. Nhưng danh tiếng và tấm gương của ông thì đã vượt ra ngoài làng quê yên bình