Gặp gỡ Hà Nội
Các yếu tố nền tảng của kinh tế thị trường ở Việt Nam đã dần được hình thành và được nhiều quốc gia thừa nhận. Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2014, thì thứ hạng của nước ta đối với các trụ cột về sử dụng hiệu quả nguồn lực còn thấp. Chẳng hạn, Việt Nam xếp thứ 96/144 về Giáo dục cao đẳng, 78/144 về Hiệu quả thị trường hàng hóa, 49/144 về Thị trường lao động, 90/144 về Phát triển thị trường tài chính, 106/144 về Sự tinh xảo trong kinh doanh và 87/144 về Công nghệ sáng tạo.
Do vậy, nhằm phát huy sự đóng góp của đội ngũ chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 7.6 vừa qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và nhiều cơ quan, đoàn thể khác đã đón tiếp hơn 20 chuyên gia trí thức đang làm việc tại các nước phát triển về họp mặt tại Hà Nội.
Cùng với các chuyên gia trong nước, diễn đàn này đã sôi nổi thảo luận về khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Diễn đàn có sự hợp tác với tổ chức Sáng kiến Việt Nam, một trung tâm toàn cầu về chính sách phát triển cho Việt Nam với các chuyên gia giỏi đến từ 30 Đại học quốc tế, các tổ chức quốc tế và một số Viện nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Nước, đã phát biểu chào mừng và hoan nghênh các đại biểu về tham dự.
Ðến từ Pháp, Giáo sư Nguyễn Đức Khương đề xuất Việt Nam cần tạo dựng và củng cố lòng tin lâu dài của nhà đầu tư bằng môi trường pháp lý rõ ràng, khuyến khích không hạn chế về mức độ góp vốn đầu tư vào các khu vực kinh tế ưu tiên, đổi mới số lượng và năng lực của các ngân hàng, nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm vi phạm. Theo Giáo sư Khương, Việt Nam có thể xây dựng một thị trường hàng hóaá cấp khu vực, nhờ đó thu hút được nhiều đầu tư về nông nghiệp và thủy hải sản.
Tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà (Ngân hàng Thế Giới) đề xuất Việt Nam cần nâng cao cảnh giác với cuộc suy thoái toàn cầu trong tương lai gần (giảm phát mạnh, sụp đổ giá nguyên liệu và tài sản, dòng vốn rút về các nước phát triển...). Ngoài ra, cần giải quyết vấn đề nợ xấu của các ngân hàng, củng cố dự trữ ngoại hối, cải cách kinh tế để có thể cạnh tranh tốt hơn.
Tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (Ngân hàng Mỹ) thì nhấn mạnh đến việc hệ thống ngân hàng tại Việt Nam cần đẩy nhanh tái cơ cấu, rút xuống chỉ còn 15 ngân hàng thương mại. ”Các ngân hàng phải tự tồn tại với chính năng lực của mình chứ không phải nhờ vào các biện pháp phòng thủ bằng rào cản pháp lý và kỹ thuật”, ông nói.
Tham luận của Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng từ Úc xác định nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam do không ứng dụng công nghệ cao, chất lượng thấp nên giá chỉ đạt 50-60% so với giá thế giới. Ông cho rằng cần xây dựng chuỗi ngành hàng, đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, linh hoạt điều chỉnh cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản để làm giàu bền vững cho nông dân.
Giáo sư người Nhật Kenichi Ohno thì đề cập đến định nghĩa bẫy thu nhập trung bình. Ông giả định rằng chính sách công nghiệp chưa tốt chính là nguyên nhân dẫn đến bẫy này. Việt Nam đã hoặc đang chuẩn bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình (tốc độ phát triển chậm lại, hiệu suất thấp, thiếu chuyển đổi cơ cấu đúng nghĩa, vị trí thấp trong xếp hạng kinh tế toàn cầu, khoảng cách lớn về thu nhập và tài sản). Theo Giáo sư Kenichi Ohno, cần chuyển định hướng sang sử dụng vốn FDI có chọn lọc và hiệu quả hơn. “Nếu giải quyết chính sách một cách lựa chọn và tập trung, thì dù quy mô nhỏ nhưng tạo ra kết quả thực sự sẽ tốt hơn một loạt chính sách lớn nhưng không tạo kết quả”, ông nói.
Tham luận của Giáo sư Trần Nam Bình (Úc) nêu lên các thành quả về chính sách thuế ở Việt Nam và nhấn mạnh những thách thức để dẫn đến các yêu cầu cần cải tổ. Theo Giáo sư Bình, phải xác định việc cải tổ thuế nằm trong cải tổ kinh tế, cần đào tạo chuyên gia sâu về chính sách thuế và gia tăng kế hoạch hợp tác với chuyên gia nước ngoài, tài trợ báo cáo toàn diện 5 năm một lần từ năm 2015, xác định quyền thu thuế của nhà nước trong Hiến pháp và sửa đổi Luật Quản lý thuế, đổi mới các thuế trực thu theo từng giai đoạn, đề xuất doanh thu miễn thuế cho những đối tượng cụ thể, điều chỉnh dần các loại thuế mới...
Tham luận của Giáo sư Trần Thọ Đạt và Phó Giáo sư Tô Trung Thành cho biết từ năm 2012, một số chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam tuy đã phục hồi, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro về an ninh tài chính, nhất là nợ công, nợ nước ngoài, chất lượng tài sản xấu đi kèm với nợ xấu và vấn đề sở hữu chéo, khả năng sinh lời suy giảm, thanh khoản vẫn yếu... Cần xây dựng một mô hình giám sát tài chính có hiệu lực và theo thông lệ quốc tế.
Tham luận của Giáo sư Lê Văn Cương từ Pháp đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao công tác nghiên cứu, giảng dạy Kinh tế học ở Việt Nam nhằm đạt tới tầm cỡ quốc tế. Theo Giáo sư Cương, quá trình thăng tiến của thầy giáo phải dựa trên 3 tiêu chuẩn là giảng dạy, nghiên cứu và quản lý. Trước mắt, Việt Nam nên xây dựng những trung tâm nghiên cứu đạt chất lượng cao. Các trung tâm này sẽ tổ chức những khóa đào tạo ngắn hạn cho giảng viên các trường có liên quan đến kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính.
Tham luận của Tiến sĩ Trần Hải Linh (Hàn Quốc) giới thiệu quá trình cải cách thành công nền giáo dục đại học, đào tạo nhân tài để phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế của Hàn Quốc. Hàn Quốc biết tận dụng đội ngũ trí thức Hàn Quốc từ nước ngoài về. Cùng với sự hỗ trợ từ chính sách đặc biệt của Chính phủ, sự đồng thuận của người dân, đội ngũ Hàn kiều đã góp phần quan trọng đưa Hàn Quốc trở thành một nước phát triển vượt bậc về khoa học và công nghệ trong một thời gian ngắn. Đến năm 2008, Hàn Quốc có đến 1.018 đại học và cao đẳng. Có tới 87,9% học sinh tốt nghiệp phổ thông và khoảng 70% học sinh các trường nghề được học lên đại học và cao đẳng. Chương trình Brain Korea 21 được đề ra từ năm 1990 tạo nên bước đột phá về đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao của Hàn Quốc. Giai đoạn I (1999-2005), chương trình này đã tài trợ 1,4 tỉ USD với mục tiêu tạo trình độ đại học xuất sắc. Ðến năm 2012 lại bổ sung thêm 2,1 tỉ USD với mục tiêu tăng cường sự liên kết giữa đại học và các ngành công nghiệp. Năm 2013, họ lại bổ sung chương trình Brain Korea 21 Plus để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển.
Tham luận của Tiến sĩ Phạm Nguyên Quý (Nhật) nêu lên kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi ở Nhật và tiềm năng hợp tác với Việt Nam. Tại Nhật, tổng số tiền chi phí cho phúc lợi xã hội năm 2013 là hơn 1.030 tỉ USD. Khi phát bệnh, bệnh nhân được điều trị cấp cứu ở kỳ cấp tính. Chương trình phục hồi chức năng thường được khởi động ngay khi người già nhập viện và tích cực hơn trong thời kỳ hồi phục. Tùy từng trường hợp mà bệnh nhân có thể về sống với gia đình hay chuyển vào bệnh viện, nhà dưỡng lão. Chính phủ Nhật đã có nhiều chương trình rất tích cực và cụ thể như phong trào 80.20 với mục tiêu “Người già 80 tuổi vẫn còn 20 răng”, hay phong trào “10 điều sống khỏe” tổ chức các lớp học thực tế tại địa phương để tiếp cận trực tiếp người già. Định hướng hợp tác Nhật - Việt chú trọng đến việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực y tế; tạo thuận lợi cho chuyên gia Nhật sang công tác, giảng dạy; cử sinh viên ưu tú sang Nhật và khuyến khích họ về nước phục vụ; học tập Nhật về chính sách bảo hiểm y tế và chăm sóc người cao tuổi.
Các đại biểu tham gia diễn đàn đã tranh luận sôi nổi và đề xuất nhiều ý kiến. Tất cả nhằm giúp cho Đảng và Nhà nước tham khảo để có thể thay đổi kịp thời những chủ trương, chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam, như mong muốn trong phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ.
GS.TS. Nguyễn Lân Dũng