Ảnh: vsl.edu.vn.

 
Hải Vân Thứ Ba | 04/06/2019 17:42

Đưa tiếng Việt ra thế giới vẫn chờ quyết sách

Dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ 2, thứ 3 người Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành vấn đề lớn, đòi hỏi Chính phủ sớm có giải pháp phù hợp.

Thực tế “cháu không nói chuyện được với ông nội” đang là mối bận tâm của không ít kiều bào mỗi khi trở về thăm quê hương. Trong khi đó, tại các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, việc dạy và học tiếng Việt đang gặp nhiều khó khăn.

Chưa có quyết sách

Bộ sách giáo khoa tiếng Việt dành cho người Lào do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đã bước sang năm thứ 2 chương trình thử nghiệm. Anh Dương Văn Phong, giáo viên dạy tiếng Việt, Trường Chính trị - Hành chính Thủ đô Viêng Chăn, Lào, vẫn nhớ cảm xúc bỡ ngỡ của những ngày đầu đứng lớp. “Chúng tôi chịu áp lực lớn về phương pháp truyền đạt, cũng như việc học hỏi kinh nghiệm của các thầy cô giáo dạy lớp 1, bắt đầu từ A, B, C”, anh Phong nói với NCĐT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử hơn 30 cán bộ sang Lào dạy thử nghiệm chương trình tiếng Việt. Anh Phong nói rằng hầu hết cán bộ sang Lào giảng dạy không được đào tạo chính quy về tiếng Việt, thường là giáo viên bộ môn Văn hoặc ngôn ngữ. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn 10 ngày/năm, nhưng thời gian đó là không đủ. Việc dạy và học tiếng Việt gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếng Lào là một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Thái trong ngôn ngữ Tai-Kadai và chịu ảnh hưởng của tiếng Phạn, trong khi tiếng Việt lại dùng bảng chữ cái Latinh và các dấu thanh để viết.

Sau gần 2 năm thử nghiệm, tình hình đang thay đổi nhờ học sinh chăm chỉ và ngữ pháp tiếng Lào có những điểm tương đồng với tiếng Việt. Cùng với đó, vấn đề thiếu giáo viên dạy tiếng Việt cũng giảm bớt áp lực khi Đại học Quốc gia của Lào mở thêm Khoa tiếng Việt, đào tạo mỗi năm vài chục sinh viên. Các trường Nguyễn Du, Thống Nhất cũng có thêm một số giáo viên mới là người Việt có quốc tịch Lào giảng dạy. Hơn nữa, Đại học Souphanouvong sẽ mở khoa tiếng Việt trong năm học tới. Với sự bổ sung này, anh Phong tin rằng có thể đáp ứng được nhu cầu học tiếng Việt của khoảng 100.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Lào.

Tình hình đang tốt lên nhưng anh Phong vẫn lo lắng về tình trạng tiếng Việt dần mai một tại Lào. Số gia đình người Việt sinh sống tại Lào qua 3, 4 thế hệ ngày một nhiều. Tuy nhiên, không ít gia đình đã không xác định rõ tầm quan trọng của tiếng Việt với con cái, thậm chí có gia đình còn lãng quên tiếng mẹ đẻ.

“Chính phủ và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào chưa có quyết sách kịp thời để hỗ trợ người Việt tại Lào duy trì tiếng Việt”, anh Phong nói. Theo anh, việc sử dụng song ngữ Lào - Việt trong quá trình giảng dạy kiến thức phổ thông sẽ mang lại kết quả tích cực cho việc phát triển tiếng Việt tại Lào. Thế nhưng, đến nay số trường dạy tiếng Việt tại Lào có chất lượng đếm chưa hết đầu ngón tay.

Quy định gia đình

Tiếng Việt, ngôn ngữ chính của 4,5 triệu kiều bào, đã được chính phủ một số quốc gia công nhận là ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Tại các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia, người dân thường pha trộn 2 ngôn ngữ. Chẳng hạn, tại tỉnh Hủa Phăn của Lào, người dân địa phương sử dụng tiếng Việt mỗi ngày trong khi vẫn duy trì tiếng Lào.

Thế nhưng, những tin tốt này không lấn át được một thực tế: việc sử dụng tiếng Việt đang ngày một giảm dần trong nhiều cộng đồng người Việt Nam trên thế giới. Nhiều người có thể giao tiếp bằng tiếng Việt nhưng không biết đọc, biết viết. Sự suy giảm này được biện minh bằng công cuộc mưu sinh, kiều bào chủ yếu sử dụng ngôn ngữ nước sở tại, dần thành thói quen. Hoặc là trong gia đình có gốc gác người Việt không hoàn toàn là người Việt, thường chỉ bố hoặc mẹ là người Việt.

Trong nhiều cộng đồng người Việt trên thế giới, đã có nhiều lớp học tiếng Việt được mở bằng sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và nỗ lực của các hội đoàn người Việt, mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, những lớp học này không cho hiệu quả bền vững do phát triển tự phát, thiếu giáo trình phù hợp và người giảng dạy. Tại một số nước, xuất hiện tình trạng cô dâu Việt, dù trình độ tiếng Việt hạn chế, vẫn buộc phải đứng lớp do thiếu người giảng dạy. Trong khi đó, việc đưa giáo viên ra nước ngoài để dạy tiếng Việt không cho kết quả khả thi, trong bối cảnh nguồn lực tài chính và con người của Chính phủ Việt Nam là có hạn.

Dua tieng Viet ra the gioi van cho quyet sach

Thực ra, Chính phủ Thái Lan từ năm 2015 đã xây dựng các mô hình trường học thí điểm dạy ngôn ngữ các nước ASEAN, trong đó có tiếng Việt. Thế nhưng, điểm hạn chế nhất là đến nay, tại quốc gia này vẫn giảng dạy tiếng Việt theo 4 giáo trình xuất bản từ năm 2010. Điểm đáng lưu ý, cả 4 giáo trình điều trình bày để phục vụ kỹ năng giao tiếp kết hợp với đọc và viết nhiều hơn. Trong khi thực tế đang cần giáo trình học tiếng Việt phải quan tâm và ưu tiên kỹ năng nghe, nói thông qua việc tích hợp kỹ năng giao tiếp trong tình huống thực tế.

Dua tieng Viet ra the gioi van cho quyet sach

Udon Thani, địa phương tập trung Việt kiều đông nhất Thái Lan, đã chọn một cách làm khác để khơi dậy phong trào học tiếng Việt. Chủ tịch Hội Người Việt tại Udon Thani, ông Lương Xuân Hòa, cho biết, nhiều người thế hệ của ông vẫn nhớ tiếng Việt, nhưng sau nhiều năm nói tiếng Thái nhiều hơn đã quên dần tiếng Việt. “Chúng tôi đã mở nhiều lớp dạy tiếng Việt vì lo rằng các thế hệ sau sẽ không nói được tiếng mẹ đẻ”, ông Hòa nói và cho biết, các lớp dạy tiếng Việt ở Udon Thani do các cựu giáo viên Việt kiều tình nguyện giảng dạy và hầu hết không nhận lương.

Vai trò gia đình và cộng đồng, ông Hòa cho là đặc biệt quan trọng trong hoạt động dạy và học tiếng Việt. Nhiều gia đình ở đây đã sử dụng tiếng Việt tại nhà như một quy định gia đình. Ông Hòa nói đã chứng kiến nhiều gia đình, khi bố mẹ đi làm về, việc đầu tiên là mở tivi kênh tiếng Việt để cả nhà cùng nghe. Hội cũng rất chú trọng các hoạt động cộng đồng, tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc, để từ đó khơi dậy sự yêu thích tiếng Việt và tình yêu quê hương đất nước.

•  Để công tác dạy và học tiếng Việt mang lại hiệu quả, cần thay đổi tư duy, xác định bản chất dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Giáo trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài cần được chuẩn hóa, nội dung phải sinh động, gần gũi với cuộc sống và gắn với các yếu tố văn hóa dân tộc.
•  Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài những năm qua đã cùng các tổ chức trong nước như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội đoàn người Việt trên thế giới, vận động kiều bào tận dụng tối đa nguồn lực và sự hỗ trợ từ trong nước, để thúc đẩy công tác giảng dạy tiếng Việt trong các cộng đồng người Việt.

Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài