Các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam gặp gỡ trao đổi cơ hội làm ăn. Ảnh: Thu Hà
Đưa doanh nghiệp Việt Nam đến gần hơn thị trường Pháp
Sự kiện do Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương, phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris, và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam và nhiều đối tác Pháp.
Tại buổi hội thảo, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và việc nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, thị trường Pháp hứa hẹn nhiều tiềm năng và dư địa hoạt động cho doanh nghiệp Việt Nam. Với vai trò là cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của TP.HCM, ITPC luôn chủ động phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại, Vụ Thị trường Châu Âu Châu Mỹ- Bộ Công Thương, tổ chức cho đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia kết nối với các doanh nghiệp Pháp tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp gặp gỡ, giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ của mình.
Để giúp các doanh nghiệp tìm hiểu sâu hơn thị trường Pháp, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris (CCI Paris) đã giới thiệu tình hình thị trường, nhu cầu cũng như yêu cầu của các doanh nghiệp ở nước này. Ông Bernard Quinet, Trưởng phòng hỗ trợ kết nối doanh nghiệp của CCI Paris đã hướng dẫn để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập tốt vào thị trường nước sở tại và trao đổi thương mại với các đối tác Pháp, cung cấp cho họ các con số, dữ liệu cụ thể, chia sẻ các kinh nghiệm và văn hóa kinh doanh cũng như phương pháp tiếp cận hiệu quả các đối tác Pháp. Theo ông, để kinh doanh thành công ở thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược hoặc kế hoạch dài hạn.
Ông cho rằng: "Pháp không phải là nơi chỉ đến 1-2 lần để thử xong thôi, mà cần phải có kế hoạch đầu tư lâu dài vì các doanh nghiệp Pháp rất đề cao chữ tín và sự chung thủy trong quan hệ làm ăn. Do đó doanh nghiệp Việt Nam cần có quyết tâm cao và một kế hoạch làm ăn lâu dài ở thị trường này".
Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp phong phú, đa dạng, là các mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh và được hưởng cam kết ưu đãi thuế quan trong Hiệp định EVFTA như: giày dép, dệt may, đồ gia dụng; hàng nông, lâm, thủy sản; hàng mây tre đan... Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu từ Pháp về Việt Nam đa phần là những mặt hàng có giá trị cao, hàm lượng chất xám và công nghệ lớn, trong đó, dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải luôn chiếm tỷ trọng đáng kể và kim ngạch nhập khẩu cao. Hiệp định EVFTA đã trở thành cầu nối giúp thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư song phương theo hưởng ngày càng cân bằng hơn.
Về hoạt động đầu tư, Pháp hiện đứng thứ ba trong số các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 16/114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu trong những lĩnh vực thế mạnh của Pháp như viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, y dược, công nghiệp chế tạo, công nghiệp thực phẩm, nông nghiệp chất lượng cao... là những lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển và thu hút đầu tư, hợp tác kinh tế nước ngoài của Việt Nam.
Nguồn TTXVN