Ảnh: dangcongsan.vn

 
Tuệ Anh Thứ Hai | 31/10/2022 16:56

Đoàn công tác do Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ngô Hướng Nam thăm và làm việc tại Hàn

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài dự kiến tổ chức tọa đàm về chính sách, pháp luật với cộng đồng tại khu vực Đông Bắc Á.

Chăm lo công tác cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc
Từ ngày 23-26/10, đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài do Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ngô Hướng Nam dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đã gặp gỡ và trao đổi với đại diện Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc và Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc. Tham dự buổi gặp mặt có ông Nguyễn Việt Anh, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và cán bộ phụ trách công tác cộng đồng của Đại sứ quán.

Trao đổi với đại diện các hội đoàn người Việt Nam tại Hàn Quốc, Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ngô Hướng Nam cho biết, vừa qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã tổ chức tọa đàm về chính sách, pháp luật với cộng đồng người Việt ở châu Âu, với sự tham dự của các cơ quan chức năng liên quan.
Thời gian tới, Ủy ban dự kiến tổ chức tọa đàm về chính sách, pháp luật với cộng đồng tại khu vực Đông Bắc Á, trong đó có Hàn Quốc.

Ông Ngô Hướng Nam cũng thông tin tới các hội đoàn về việc Luật Quốc tịch đang được rà soát, trong đó có vấn đề trở lại quốc tịch, đồng thời vẫn giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ sinh ra ở nước ngoài có bố/mẹ là người Việt.

Về dự thảo Luật Đất đai và Luật Nhà ở (sửa đổi), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã kiến nghị sửa đổi theo hướng cho phép người Việt Nam ở nước ngoài có quyền thừa kế và quyền nhận chuyển nhượng đất ngoài dự án phát triển nhà ở.

Ủy ban cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Các dự thảo luật đang trong quá trình lấy ý kiến của người dân, đề nghị bà con quan tâm đóng góp ý kiến.

Cuộc thi Hack4Growth đã trở lại với chủ đề Innoverse
Được triển khai lần đầu từ năm 2019, Hack4Growth đã trải qua 2 mùa thi, kêu gọi được sự chung tay của nhiều đối tác trong và ngoài nước, thu hút hơn 500 thí sinh người Việt và gốc Việt.

 

Đây là cuộc thi do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức dưới sự bảo trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) nhằm góp phần thúc đẩy văn hóa đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng tầm trí tuệ Việt Nam, bắt kịp xu hướng công nghệ trên thế giới.

Năm 2022, cuộc thi với chủ đề Innoverse được định nghĩa như một metaverse (vũ trụ ảo) không biên giới và vô hạn, tạo sức mạnh đột phá cho đổi mới sáng tạo trên nhiều khu vực, trong đa dạng các lĩnh vực và các bên liên quan.

Theo đó, cuộc thi dành cho cá nhân, tổ chức trong cộng đồng đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu, hướng đến kết nối các địa phương và cộng đồng khởi nghiệp - sáng tạo trong và ngoài nước; kết nối các tỉnh với nhà cung cấp giải pháp, đặc biệt trên nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo V-Space, độc quyền của AVSE Global.
Dự án tham gia sẽ có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn. Giải thưởng có tổng giá trị 22.000 USD.

Đêm hòa nhạc nhằm giúp đỡ nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam tại Fukuoka
Chương trình do Hội người Việt Nam tại Fukuoka (AVF) cùng tổ chức Hội nghị Liên lạc Hữu nghị và Hòa bình Nhật - Việt tại Fukuoka tổ chức, được bảo trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Nhật.

Chương gồm 2 phần: Ban tổ chức Báo cáo về tình trạng hiện tại của những nạn nhân chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam và hòa nhạc do đoàn ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, đến từ TP.HCM biểu diễn.

Chương trình hòa nhạc tại Fukuoka vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được xem như là điểm hẹn của những nghĩa cử cao đẹp vì đạo nghĩa, để toàn thể nhân dân Việt Nam cùng chung tay xoa dịu nỗi đau với những số phận bất hạnh. Tất cả số tiền thu được từ buổi hòa nhạc năm 2022 được dùng để xây dựng “Ngôi nhà yêu thương” dành cho những nạn nhân chất độc màu da cam tại tỉnh Hà Giang.

Nữ tiến sĩ Việt kiều Pháp dành tâm huyết phát triển vùng trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ảnh: brt.vn
Ảnh: brt.vn

Từ 5 năm nay, Tiến sĩ Lê Toàn Thủy (Pháp) tiến hành cùng lúc 3 dự án: dự án GeoRice của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), dự án GEMMES Vietnam do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ và dự án VietSCO được Trung tâm Vũ trụ Pháp (CNES) phối hợp với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) triển khai. Cả 3 dự án đều nhằm mục đích theo dõi và quan sát bằng vệ tinh tình trạng lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, giúp các nhà quản lý và nông dân chủ động trong dự báo và phát triển trồng lúa một cách hiệu quả.

Dự án đầu tiên giúp triển khai bản đồ lúa với các dữ liệu thu thập hằng tuần từ vệ tinh để biết tình trạng tăng trưởng của cây lúa ở từng khu vực. Dự án thứ 2 là xem xét mức độ ảnh hưởng của xâm nhập mặn hay hạn hán, lũ lụt đối với các vùng đất trồng và năng suất lúa.

Dự án thứ 3 tham vọng hơn, đó là dựa trên cơ sở dữ liệu để xây dựng kịch bản mô phỏng tương lai về biến đổi khí hậu và tác động của con người, từ đó dự đoán ảnh hưởng đối với đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030, tầm nhìn 2050.

Để đi từ ý tưởng đến hiện thực, Tiến sĩ Thủy phải mất 10 năm. Năm 2013 bà cho ra đời dự án sơ khởi Planet Action với các mô phỏng chủ yếu trong phòng thí nghiệm. Đến năm 2016, sau khi Pháp phóng vệ tinh radar theo dõi, dự án đầu tiên GeoRice được tiến hành trên thực địa và từ 2 năm trở lại đây, dự án tập trung vào nghiên cứu tình trạng lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nhờ những nghiên cứu này, chất lượng vùng trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long được giám sát chặt chẽ, từ những biến đổi thổ nhưỡng do xâm nhập mặn, sụt lún đất đai, đến dự báo hạn hán, lũ lụt... Các thông tin thu thập được góp phần giúp người dân và nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách của các địa phương trong vùng có giải pháp thích ứng phù hợp, bảo đảm việc canh tác lúa hiệu quả theo hướng bền vững
(Tổng hợp)