Điều kiện đủ cho mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam
“Đang có hơn 400 nghìn người Việt Nam ở nước ngoài làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, cho biết tại họp báo ngày 10.8.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng đã mời 100 trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham dự Chương trình “Kết nối mạng lưới đổi mới, sáng tạo Việt Nam”, từ ngày 18 - 24/8, tại 4 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Không như kỳ vọng
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên một chương trình giao lưu, kết nối để thu hút nguồn lực tri thức người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức tại Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ… đã tổ chức nhiều chương trình tương tự, nhưng hiệu quả mang lại không cao.
Không ít tri thức người Việt Nam ở nước ngoài vẫn xem xét thực tế phát triển của Việt Nam với tình trạng chậm đổi mới, bị tụt hạng về tự do kinh tế…, thậm chí đánh giá rằng nước ta khó bứt phá lên hàng các nước phát triển.
Những nhận định này không phải thiếu cơ sở, 3 nút thắt chính liên quan đến đổi mới sáng tạo nổi lên trong các báo cáo của Chính phủ cũng như nhiều nghiên cứu.
Thứ nhất, thách thức về môi trường thể chế, thiếu những mô hình liên quan đến đổi mới sáng tạo để các tri thức người Việt ở nước ngoài có thể cống hiến
Thứ hai, thách thức về nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Hiện nay, các kênh huy động đổi mới sáng tạo vẫn chủ yếu dựa vào các quỹ đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm, song quy mô các quỹ này không lớn.
Thứ ba, thách thức về nền tảng công nghệ. Chưa có đánh giá về thực trạng nền tảng công nghệ của Việt Nam so với khu vực và thế giới, để có thể giúp nước ta đi nhanh hơn trong môi trường 4.0.
“Ở Việt Nam, chưa có tư duy chấp nhận thất bại. Vì thế, trên một số diễn đàn kể cả ở Quốc hội, có người đòi hỏi 100% các đề tài nghiên cứu hay các dự án khoa học sử dụng ngân sách nhà nước phải thành công, phải được ứng dụng, còn gọi là không bỏ ngăn kéo. Đó thật sự là sự đòi hỏi duy ý chí và không phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học, bởi tỷ lệ thành công ngay cả trong nghiên cứu ứng dụng ở các nước phát triển cũng chỉ dao động xung quanh 20%” _Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ |
Chương trình kết nối lần này được người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng sẽ tạo dựng được “mạng lưới đổi mới sáng tạo”, một nền tảng quan trọng cho Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, nhìn vào nội nội dung thiết kế cho 16 hoạt động xuyên suốt chương trình, vẫn chủ yếu là “trao đổi thông tin” và “nhận diện những cơ hội có khả năng được triển khai trong thời gian tới”. Khả năng Chương trình có kết quả không như kỳ vọng là có thể dự báo được.
Cần cơ chế
Trên thực tế, Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới, sáng tạo Việt Nam đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện song song với quá trình soạn thảo “Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0”, dự kiến được báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12.2018.
Trong đó, một Trung tâm Đổi mới sáng tạo được thiết kết như một “điểm đến” của các tri thức người Việt Nam ở nước ngoài sống và làm việc. Thậm chí, mô hình này có thể là bài học kinh nghiệm tốt, được nhân rộng ra các địa phương trên cả nước.
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, cho biết, nguồn lực tài chính cho “Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0” là “chưa thể đánh giá bao nhiêu nghìn tỷ đồng”. Ông nói sẽ thu hút nguồn lực từ nhiều nguồn: Nhà nước, khu vực tư nhân trong nước và nguồn lực từ bên ngoài.
Về nguồn nhân lực, một dung ông Phương cho là “quan trọng” trong Chiến lược này, bao gồm nhiều yếu tố, không chỉ là vấn đề tiền lương, mà còn là những thể chế, thiết chế để những người làm việc trong lĩnh vực này có thể làm việc và phát triển.
Phát triển khoa học công nghệ, nhân tố quan trọng đối với sự phát triển mang tính bứt phá của quốc gia. Nhưng khoa học công nghệ sẽ không thể phát triển nếu thiếu một cơ chế thúc đẩy sáng tạo, một chính sách trọng dụng nhân tài đúng.
Việc Bộ Kế hoạch triển khai các hoạt động thu hút tri thức người Việt ở nước ngoài là cần, nhưng chưa đủ để Việt Nam trở thành nơi hội tụ các nhân tài khoa học công nghệ.
Trong bối cảnh thhị trường nhân lực thế giới đang dịch chuyển tự do, PGS Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, hơn một lần nói: “Việt Nam thiếu một chính sách trọng dụng nhân tài đủ sức hấp dẫn”.
Các quốc gia đều đưa ra chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, với chế độ đãi ngộ đặc biệt. Người từng đứng đầu Viện trưởng, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng, Việt Nam có lợi thế một một nước đi sau, cần tiếp cận chính sách trọng dụng nhân tài của thế giới, để học hỏi, rút kinh nghiệm và thực thi một chính sách ưu trội hơn.
Ông Lược, một thành viên chính thức của Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khuyến Nhà nước cần sớm có chính sách trọng dụng các nhân tài, trước hết là nhân tài trong nước. Nguồn lực tri thức người Việt ở nước ngoài sẽ không tham gia các hoạt động trong nước vì cho rằng không được trọng dụng.
“Chính sách thu hút nguồn lực cần thể hiện rõ việc tạo điều kiện tốt nhất để họ làm việc, sáng tạo và thấy những sáng tạo đó được công nhận và ứng dụng”, nội dung ông Lược cho là quan trọng nhất hiện nay.