Đến lượt Pháp tuyên bố chính sách hướng tới châu Á
Bộ trưởng Laurent Fabius đã nhấn mạnh đến mối quan hệ truyền thống lâu đời, bắt đầu từ thế kỷ 16 giữa Pháp với châu Á, nhất là với ba nước Đông dương Việt Nam, Lào Campuchia - hiện là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (Francophonie) và Thái Lan là quan sát viên.
Ông cho biết, chính sách đối ngoại của Pháp dành ưu tiên cho việc gắn bó giữa Pháp với châu Âu và với ASEAN - đại diện cho nỗ lực xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng. Theo ông, sau khi Liên Xô (cũ) sụp đổ, cũng như châu Âu, ASEAN đóng vai trò giữ ổn định mang tính quyết định cho khu vực và thế giới.
Trái ngược với nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997 là dấu chấm hết cho ASEAN, song tổ chức này đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt, vượt qua mọi thách thức, từng bước phát triển, giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực Đông Á đang định hình và có tiếng nói ngày càng trọng lượng hơn trên các diễn đàn quốc tế. Và về khía cạnh này, Pháp tin rằng châu Âu, cũng như ASEAN cách đây 15 năm, sẽ vượt qua được thử thách khủng hoảng nợ công hiện nay.
Bộ trưởng Laurent nêu rõ châu Á-Thái Bình Dương chắc chắn sẽ là trung tâm trong thế kỷ 21, và Pháp là một phần của không gian Đại dương-châu Á, bởi lịch sử gắn bó lâu đời với khu vực này và hiện có ít nhất 1 triệu công dân Pháp gốc Á.
Mỹ đang hướng trọng tâm chiến lược sang châu Á, Pháp cũng vậy, song sự hướng tới này của Pháp không mang tính quân sự chủ yếu như của Mỹ, mà thiên về ngoại giao, tập trung vào các lãnh thổ của mình ở châu Á-Thái Bình Dương, trên tinh thần tích cực đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực. Minh chứng cho điều này là các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo đứng đầu Nhà nước và Chính phủ Pháp tới các nước châu Á, trong đó có ASEAN và việc thắt chặt và củng cố các mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước lớn trong châu lục như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam.
Đề cập tới vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vưc, Bộ trưởng Laurent Fabius đã đánh giá cao vai trò dẫn dầu của Indonesia - nước lớn nhất và có nền kinh tế lớn nhất khi chiếm tới 40% dân số và GDP của ASEAN - trong tiến trình hội nhập khu vực và xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội vào năm 2015.
Châu Á là đối tác khu vực lớn thứ 2 của Pháp và trong số 47 các nước ưu tiên xuất khẩu của Pháp có sáu nước Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Do vậy, cụ thể hóa nội hàm quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Indonesia được ký năm 2011 cũng là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Pháp.
Nguồn Vietnam+