Số lượng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam hiện rất đông. Ảnh: TTXVN

 
Đức Hoàng Thứ Hai | 26/09/2022 10:18

Đại sứ Nguyễn Phú Bình: Rất cần có những chương trình hành động của cả trong và ngoài nước cho tiếng Việt

Cần tập hợp được lực lượng cho một sự nghiệp chung để tiếng Việt mãi là linh hồn của người Việt Nam ở nước ngoài.

Mới đậy, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 8/9 hằng năm làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt với người Việt Nam ở nước ngoài. Nhân lễ phát động cho việc này được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức đúng ngày 8/9/2022, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, đã có những tâm sự về tiếng Việt không chỉ với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông nghĩ gì về vấn đề giữ gìn và bảo tồn tiếng Việt với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài?

Tôi rất xúc động khi Chính phủ quyết định lấy ngày 8/9 hằng năm làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt với người Việt Nam ở nước ngoài. Thực ra, so với đồng bào ta ở trong nước hằng ngày dùng tiếng Việt như là điều bình thường và lẽ tự nhiên, thì đồng bào ta ở nước ngoài sẽ cảm nhận sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt hơn!

Cá nhân tôi, khi tiếp xúc với bà con Việt kiều từ nhiều năm trước đây, nhận thấy tâm tư của họ là rất lo cho các thế hệ sinh ra ở nước ngoài sẽ khó giữ gìn được tiếng Việt. Mà không giữ gìn được tiếng Việt thì những thế hệ này không còn là người Việt nữa. Chính vì thế, rất cần có những chương trình hành động của cả trong và ngoài nước cho tiếng Việt.

Rất nhiều lãnh đạo của đất nước đã từng nói là “tiếng Việt còn thì văn hóa Việt Nam còn và văn hóa còn thì dân tộc Việt Nam còn”. Đây cũng là sự tổng kết lại những điều mà nhiều bậc danh nhân, chí sĩ của dân tộc ta đã từng đề cập đến.

Chính vì thế, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đã có một chương trình do Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa thực hiện với tiêu đề là lời ca của nhạc sĩ Phạm Duy: “Tôi yêu tiếng nước tôi” để dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài qua các bài hát Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn có nhiều chương trình khác nữa như dạy tiếng Việt qua internet tại địa chỉ emhoctiengviet.vn, dạy tiếng Việt qua chuyện cổ tích...

Tất cả những điều đó nói lên là mỗi người Việt Nam ở những góc độ khác nhau, cương vị khác nhau đều có thể tham gia vào sự nghiệp này. Và tôi cũng rất mừng vì giới báo chí, truyền thông rất quan tâm và đưa tin về sự kiện phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát động. Như thế, vấn đề này đã trở thành một sự kiện xã hội quan trọng của đất nước chứ không chỉ với riêng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

 

Vậy chúng ta cần phải làm gì để vấn đề này trở nên hiệu quả hơn, nhất là Chính phủ đã có chủ trương rõ ràng?

Trước đây chúng ta đã có nhiều chương trình nhưng còn lẻ tẻ như xuất bản sách giáo khoa tiếng Việt cho Việt kiều. Nhưng bây giờ, chúng ta không loại trừ những phương pháp truyền thống. Tổ chức được trường lớp là rất quan trọng và rất nên làm nhưng cần tận dụng các phương tiện hiện đại như mạng xã hội cùng các ứng dụng thông minh... Và như tôi thấy, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện kênh dạy tiếng Việt trực tuyến cho kiều bào. Tất nhiên là không nên chỉ có một chương trình mà càng nhiều càng tốt để người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là giới trẻ có thể lựa chọn phù hợp.

Nhân đây, tôi muốn đề cập lại về chương trình “Tôi yêu tiếng nước tôi” đã được tổ chức cho cộng đồng người Việt Nam ở một số nước, đây là một chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc Việt Nam thông qua lời ca, tiếng hát. Chương trình này cần đẩy mạnh hơn nữa tại nhiều nước để cộng đồng người Việt Nam ở đó thêm yêu tiếng Việt và quê hương Việt Nam. Qua đó, chúng ta nuôi dưỡng được tâm hồn Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Tất cả những điều đó, từ các góc độ khác nhau chúng ta cần tập hợp được lực lượng cho một sự nghiệp chung để tiếng Việt mãi là linh hồn của người Việt Nam ở nước ngoài. Và một khi đã có sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ thì đây là việc càng cần phải làm tích cực, hiệu quả hơn.

Qua thực tế của những năm gần đây, tiếng Việt cũng trở thành mối quan tâm của rất nhiều bè bạn quốc tế. Vậy ông nghĩ gì về thực tế này?

Theo tôi, Việt Nam là một quốc gia có gần 100 triệu dân thì không hề là một cộng đồng nhỏ. Vì thế, đối với những người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, tiếng Việt cũng rất đáng để họ quan tâm. Khi họ đến Việt Nam làm kinh tế, những nhu cầu về văn hóa cũng gia tăng. Người nước ngoài đến Việt Nam lâu năm không thể nào chỉ dùng ngôn ngữ của họ cho dù người Việt Nam cũng phải đầu tư cho ngoại ngữ. Người nước ngoài khi đã đến Việt Nam thì tất yếu nhiều người có nhu cầu được tiếp xúc với văn hóa bản địa. Nói được tiếng Việt với họ, đó là sự gần gũi trong mọi công việc thường ngày. Và ở những nước có đông người Việt sinh sống, nhu cầu với họ là tiếng Việt cũng phải trở thành một ngoại ngữ được ưu tiên.

Cũng cần nói thêm, tại một số quốc gia đầu tư lớn ở Việt Nam mà điển hình là Hàn Quốc, chính sách đặt ra là công dân của họ sang đây sớm muộn phải biết tiếng Việt. Làm được việc này, trước hết là để hiệu quả cho chính công việc của họ. Bởi vì ai cũng biết rằng các nhà đầu tư nếu không biết tiếng Việt thì nhiều khi sẽ không thuận lợi cho công việc. Nguyên nhân vì những người làm việc trực tiếp với họ không phải ai cũng biết ngoại ngữ, nhất là đối tượng công nhân. Vì thế, các kỹ sư của họ rất cần biết tiếng Việt để dễ làm việc hơn với công nhân. Theo tôi, đây là điều rất tốt và đáng hoan nghênh với các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là nhu cầu thiết thực của chính họ nhưng cũng gián tiếp giúp cho tiếng Việt được phổ biến rộng rãi hơn.

Số lượng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam hiện  rất đông. Và con em họ cũng đang học tập tại các trường quốc tế ở Việt Nam và tiếng Việt là một phần không thể thiếu của các cơ sở đào tạo này. Cá nhân tôi cũng đã có dịp đến thăm các trường quốc tế này và rất mừng vì học sinh ở đây rất yêu thích tiếng Việt. Vì thế, ngoài các chương trình tiếng Việt hướng tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, rất nên có cả những chương trình tiếng Việt dành cho người nước ngoài.