Cộng đồng Việt kiều đứng dậy sau bão Katrina như thế nào?
Cách đây 10 năm, cơn bão Katrina đã đổ ập vào vùng duyên hải phía Nam nước Mỹ., cướp đi hơn 1.800 nhân mạng và gây thiệt hại gần 110 tỷ USD. Cho tới nay, đây vẫn là thảm họa thiên nhiên gây tàn phá nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ. Khi tìm hiểu về hậu quả của cơn bão, giới khoa học Mỹ đã phát hiện một điều thú vị: sức sống mạnh mẽ của cộng đồng người Việt tại thành phố New Orleans, vốn là nơi bị bão tàn phá nặng nhất.
Theo giáo sư sức khỏe cộng đồng Mark J. VanLandingham của trường Đại học Tulane, cộng đồng người Việt có tốc độ phục hồi nhanh nhất so với bất kỳ nhóm sắc tộc nào khác tại New Orleans. Các số liệu nghiên cứu của ông Mark đã cho thấy người Việt có tỷ lệ quay lại lập nghiệp ở New Orleans cao nhất, cũng như có tỷ lệ bị chấn thương tâm lý ít nhất.
Hình ảnh một con phố tại khu Village L'Est của người Việt- Ảnh: New York Times |
Có một giả thuyết được nhiều người, trong đó có tác giả cuốn "Chiến ca mẹ hổ" là giáo sư Amy Chua, ủng hộ: các nhóm di dân từ châu Á giành được thành công trên đất Mỹ là nhờ một số đặc điểm văn hóa nổi trội hơn các nhóm khác. Tuy nhiên, với những nhà xã hội học chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của các thảm họa thiên nhiên, lý thuyết này không có mấy tác dụng: Các trận bão như Katrina thường tàn phá các khu dân cư dành cho người nghèo hoặc người nhập cư nhiều hơn hẳn các khu vực khác.
Tương tự như các nhóm người nhập cư khác, cộng đồng người Việt tại New Orleans sống khá gần gũi và gắn bó với nhau. Những thành viên trong cộng đồng thường xuyên nhận được những thông tin quý giá về cơ hội việc làm và mối làm ăn, cũng như các cảnh báo về rủi ro từ bên ngoài. Các cuộc nghiên cứu về dân nhập cư tại Mỹ đã cho thấy những người nhập cư khấm khá luôn sẵn sàng chia sẻ lại với các đồng bào theo tinh thần "lá lành đùm lá rách". Ngoài ra, rất nhiều người Việt tại New Orleans cũng là người Công giáo, và sẵn sàng giúp những người trong cùng giáo xứ. Khi bão xảy ra, cũng là lúc những mạng lưới xã hội này phát huy tác dụng triệt để.
Không như nhiều người Mỹ khác, người Việt cũng chịu khó tiết kiệm để mua nhà thay vì đi thuê. Vì vậy, người Việt có mối quan hệ gắn bó sâu sắc hơn với nơi họ sinh sống: Trong vòng chưa tới một năm sau bão Katrina, có tới hơn 90% người Việt đã quay trở lại ngôi nhà cũ của mình. Trong khi đó, trên toàn thành phố New Orleans sau 2 năm xảy ra bão thì con số này cũng mới chỉ hơn 60%.
Một nhà thờ Công giáo của người Việt tại New Orleans. Trong đợt bão Katrina, nhà thờ này đã trở thành nơi trú ngụ của gần 300 người, - Ảnh: New York Times |
Và cuối cùng, nhóm nghiên cứu của ông Mark đã phát hiện ra một ưu điểm đặc biệt của cộng đồng người Việt tại New Orleans: hình ảnh và uy tín. Chính yếu tố này đã giúp cho người Việt dễ dàng nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ sau cơn bão. Một thành viên điều hành của một quỹ từ thiện lớn nhận xét: "Tôi rất vui được đón nhận những người Việt đến đây: họ muốn được cải thiện cuộc sống của mình, và muốn được hòa nhập vào xã hội, chứ không phải để nhận trợ cấp."
Tuấn Minh
Nguồn New York Times