Thứ Ba | 30/06/2015 11:08

Chuyên gia người Việt ở nước ngoài: Liên kết là sức mạnh

Để việc kết nối mạng trí thức Việt toàn cầu mang lại hiệu quả cao, nên chăng thử nghiệm một hình thức đầu tư mới từ Đài Loan và Israel.

Trong khuôn khổ của dự án FIRST nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ, được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức chuỗi hội thảo từ ngày 24-26.6 tại Hạ Long với tên gọi “Xây dựng mạng lưới chuyên gia người Việt nam ở nước ngoài”.

Tại hội thảo, các diễn giả đã khẳng định sự cần thiết của mạng liên kết cộng đồng trí thức người Việt làm công tác khoa học công nghệ trên toàn cầu và thảo luận các biện pháp thực hiện định hướng có ý nghĩa này. Nhiều tham luận đã giới thiệu một số mạng liên kết trí thức hoạt động hiệu quả trong cộng đồng khoa học Việt kiều, như mạng iva.net, mạng cộng đồng công nghệ thông tin, tính toán Việt Nam ICT-VN và nhiều mạng quy mô vừa và nhỏ, cũng như các website chuyên ngành.

Trong tham luận tại hội nghị, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV), đã đúc kết một số kinh nghiệm sau nhiều năm làm công tác Việt kiều và đưa ra những ý kiến đóng góp.

Trước tiên, muốn mạng liên kết trí thức thực sự hoạt động một cách bền vững thì phải gắn với thực tiễn cuộc sống. Mọi đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ phải có mục tiêu là phục vụ đời sống. Do vậy, cần kết nối mạng trí thức Việt  với cả cộng đồng doanh nghiệp. “Hãy để nền kinh tế đặt hàng, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các nhà khoa học làm ra sản phẩm”, ông nói.

Thứ hai, trong quá trình đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn, lâu nay chúng ta chưa quan tâm tới một khía cạnh rất quan trọng là môi trường thể chế. Ở đây, thể chế gồm 2 bộ phận cấu thành là thể chế hiện (luật và các quy định pháp lý, thông tư, nghị định, nội quy... chính thức và do Chính phủ ban hành) và thể chế ẩn (thái độ và hành vi ứng xử của xã hội, thói quen, tập tục hình thành dưới ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa).

Do vậy, để cải thiện môi trường thể chế theo tinh thần kiến tạo sự phát triển như trong Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta không những cần rà soát, điều chỉnh và đề xuất mới nhiều quy định (cải cách thể chế hiện), mà còn phải tính đến sức ỳ của bộ phận thể chế ẩn để tìm cách khắc phục.

Chính vì lực cản của thể chế ẩn mà không ít nhà khoa học Việt kiều được mời về làm việc theo chính sách ưu tiên của Nhà nước bị tác động. Ví dụ, có một thực tế là nhiều xét nghiệm phục vụ công nghiệp dược phẩm, chúng ta vẫn phải mang ra làm tại nước ngoài.

Vì lẽ đó, để việc kết nối mạng trí thức Việt toàn cầu mang lại hiệu quả cao, nên chăng thử nghiệm một hình thức đầu tư mà Đài Loan và Israel đã áp dụng thành công.

Chuyen gia nguoi Viet o nuoc ngoai: Lien ket la suc manh
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh tại hội thảo - Nguồn:vietq.vn

Cụ thể, xuất phát từ nhận thức rằng môi trường thể chế trong nước chưa thuận lợi và sẽ tốn rất nhiều thời gian để cải cách, chính quyền và khu vực tư nhân Đài Loan và Israel đã chủ động kết hợp với kiều dân vốn là các nhà khoa học có kiến thức, có quan hệ tại các quốc gia phát triển nhằm thành lập công ty, phòng thí nghiệm với vốn chuyển từ trong nước ra. Một phần nhân sự sẽ được tuyển chọn gửi sang làm việc tại các cơ sở này dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học có tên tuổi và uy tín gốc Hoa và Israel hoặc nước ngoài khác. Đề tài nghiên cứu thường là những vấn đề mà nền kinh tế trong nước đặt ra.

Bằng con đường này mà hãng máy tính Acer và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao khác của Đài Loan và Israel đã trưởng thành tại Mỹ. Sau đó, các công ty này mới triển khai sản xuất trong nước vì nhân công rẻ hơn.

Nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể đặt hàng các nhà khoa học gốc Việt giúp thực hiện công việc nghiên cứu và triển khai các đề tài mà trong nước quan tâm. Thiết nghĩ với hình thức này, chúng ta tận dụng được môi trường thể chế đã hoàn thiện, hạ tầng cơ sở cho nghiên cứu khoa học công nghệ bên ngoài, vốn là điều mà trong nước chưa thể tạo lập được trong ngắn hạn.

Thứ ba, ALOV với mạng lưới cơ sở trong và ngoài nước được xây dựng từ nhiều năm nay, cùng với tư duy đổi mới chắc chắn sẽ phát huy được thế mạnh nhằm thúc đẩy các mối liên kết giữa nhà khoa học và các doanh nghiệp. ALOV sẽ nỗ lực để có vai trò xứng đáng trong việc kiến tạo nên những hình thức liên kết mới đầy sáng tạo, bền vững và hiệu quả.

Hội thảo đã mang lại cách nhìn thiết thực về tiềm năng chất xám to lớn của dân tộc, đồng thời cũng cảnh báo về sự tụt hậu nếu thiếu những quyết sách và hành động mạnh mẽ ngay từ hôm nay

Phạm Gia Minh, Phó Tổng thư ký Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài