Nguồn ảnh: QH
Chủ tịch ALOV Nguyễn Phú Bình: "COVID-19: Lắng nghe và bình tĩnh"
Thế giới đang trong đại dịch COVID-19 đặt con người trước những thách thức lớn chưa từng có về đời sống công cộng, về gắn bó cộng đồng. Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, chia sẻ, người Việt Nam ở cả trong và nước ngoài cần đoàn kết, hỗ trợ nhau vượt qua đại dịch.
Dịch COVID-19 đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, ông nhận xét thế nào về cách thức người Việt tham gia phòng chống dịch bệnh?
Đã hơn 2 tháng qua, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán của Trung Quốc, chúng tôi nhận được nhiều thông tin từ các hội và tổ chức người Việt ở nước ngoài. Đến nay, chúng ta có thể tạm yên lòng về con số người Việt nhiễm và tử vong bởi dịch ở mức thấp, cho thấy hướng đi đúng của các hội và tổ chức người Việt ở nước ngoài trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong cộng đồng. Các hội đoàn người Việt đã tích cực phối hợp với cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và chính quyền sở tại để cập nhật thông tin, đặc biệt là truyền thông các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời đề nghị các bên quan tâm, hỗ trợ người Việt ở các khu vực có dịch và các tình huống phát sinh liên quan dịch bệnh.
Người Việt ở nước ngoài rất quan tâm tới thông tin tình hình dịch bệnh. |
Hiện nay, tại những ổ dịch lớn ở châu Âu, các vị lãnh đạo trong các hội và tổ chức người Việt vẫn bình tĩnh và tỉnh táo, hướng dẫn bà con tuân thủ các quy định nước sở tại, chấp nhận hạn chế đi lại, khuyến cáo bà con không tin vào các tin đồn không chính xác trên mạng xã hội và giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.
Tại Đức, một điểm nóng đại dịchở châu Âu, các hội đoàn người Việt đã liên tục cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và những lưu ý đối với cộng đồng trong việc phòng ngừa như không đến các vùng dịch, hạn chế đến các địa điểm công cộng và nơi đông người, thường xuyên theo dõi, tuân thủ hướng dẫn và khuyến cáo của cơ quan chức năng Đức để phòng tránh dịch bệnh. Các hội và tổ chức người Việt cũng lưu ý bà con cần thông báo ngay với bác sĩ gia đình hoặc đường dây nóng của Đức để được tư vấn kịp thời, cũng như khám và điều trị tại các cơ sở y tế được chỉ định trong trường hợp có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 như sốt, ho, đau họng, khó thở… hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc người đến từ vùng dịch.
Hay tại Hàn Quốc, bà con đã chủ động và có tinh thần phòng bệnh rất cao, đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết. Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng triển khai các biện pháp để thông tin nhanh và chính xác những vấn đề dịch bệnh tới cộng đồng. Hội cũng cập nhật và dịch các tin chính từ tiếng Hàn sang tiếng Việt để cộng đồng có tin tức chính thống, kịp thời chia sẻ trên những trang thông tin của Hội, các tổ chức Hội, nhóm người Việt tại các thành phố trên toàn Hàn Quốc. Hiện nay, Hội tiếp tục vận động quyên góp nhằm ủng hộ bà con người Việt, đặc biệt ở vùng trọng tâm của dịch bệnh.
Như ông nói, bình tĩnh cũng là nền tảng để kiều bào tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng?
Đúng vậy. Sự bình tĩnh, đoàn kết thể hiện qua những hoạt động hỗ trợ cộng đồng đang tiếp tục diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Tại Cộng hòa Séc, trong bối cảnh Chính phủ Séc gặp khó khăn trong việc cung cấp khẩu trang cho người dân, cộng đồng người Việt tại Séc đã phát động phong trào may khẩu trang để phát miễn phí cho người cao tuổi, bác sĩ, cảnh sát. Nhiều cửa hàng tạp hóa của người Việt cũng mở cửa, cung cấp đồ uống và đồ ăn nhẹ miễn phí cho lực lượng tuyến đầu của cuộc chiến chống COVID-19 như bác sĩ, cảnh sát, lính cứu hỏa. Những việc làm cụ thể này cho thấy người Việt thực sự xem Cộng hòa Séc là quê hương thứ 2 của mình.
Trong bối cảnh đó, một lượng lớn người Việt ở nước ngoài mong muốn trở về nước với cảm nhận Việt Nam là điểm an toàn để tránh dịch. Ông bình luận thế nào về điều này?
Cảm nhận đó là thực tế khi Chính phủ Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tương đối hiệu quả. Đến nay, các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam phần lớn là người Việt từ nước ngoài về. Chính phủ Việt Nam một mặt nỗ lực triển khai công tác dập dịch, mặt khác giang tay đón người Việt Nam ở nước ngoài có nguyện vọng về nước. Đang có hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng ta có thể hình dung nếu số lượng người Việt về nước quá lớn, với điều kiện y tế và khả năng của hệ thống phòng dịch trong nước có những hạn chế nhất định, sẽ không thể đáp ứng được, thậm chí còn khiến tình trạng lây lan bệnh dịch nghiêm trọng hơn.
Trên thực tế, chỉ trừ những quốc gia dịch quá nóng, hay chính phủ sở tại thực hiện thiếu hiệu quả các biện pháp chống dịch thì mới đáng lo ngại. Còn ở các nước khác, ở từng mức độ khác nhau, chính phủ đều có tránh nhiệm với công dân của mình và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại quốc gia của mình. Đặc biệt, với các kiều bào đã trở thành công dân, định cư lâu dài, hoàn toàn có thể yên tâm ở lại.
Cũng như người dân trong nước, cuộc sống của người Việt ở nước ngoài bị đảo lộn, nhưng rất nhiều người Việt chọn phương án ở lại nước sở tại. Tôi cho đó là lựa chọn lý trí và quả cảm. Trong tình hình hiện nay, chọn phương án nào cũng có rủi ro, không có phương án nào tuyệt đối an toàn, nên việc ở lại sẽ bớt rủi ro hơn.
Bộ Ngoại giao trong thông báo mới đây đã khuyến cáo công dân tạm thời không di chuyển và không về Việt Nam trong tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp.Ông nhận xét thế nào về quy định này?
Lời khuyến cáo này là cần thiết, trước hết vì chính người dân, sau đó là góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh từ nước ngoài vào Việt Nam. Bởi vì, để về được đến Việt Nam, bà con ta sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro do các nước đều hạn chế đi lại, cắt giảm các chuyến bay. Điều đó làm mất nhiều thời gian, tổn hại sức khỏe và dễ bị lây nhiễm ở các điểm quá cảnh hoặc trên máy bay, chưa nói đến việc bị cách ly hoặc phải điều trị nếu bị nhiễm bệnh.
Vì vậy, qua các kênh truyền thông của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi luôn lưu ý bà con về lời khuyến cáo trên của Bộ Ngoại giao, đồng thời nhắc bà con giữ liên hệ thường xuyên với các Hội và tổ chức trong cộng đồng, liên hệ với các số điện thoại bảo hộ công dân tại các cơ quan đại diện Việt Nam để nhận được thông tin chuẩn xác và sự hỗ trợ cần thiết.
Hiện nay, dịch bệnh tiếp tục lan rộng ở nhiều khu vực trên thế giới, trở thành mối lo ngại lớn trong cộng đồng. Việc lắng nghe, chọn lọc thông tin xác thực nhất để gạt đi những hoang mang là nhân tố quan trọng giúp giảm tỉ lệ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.