Siêu thị bán hàng Việt tại London nước Anh. Ảnh: TTXVN.

 
Tuệ Anh (Nguồn: Báo Quốc Tế) Thứ Năm | 25/01/2024 14:00

Cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới

Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm đến Đề án 1797 cùng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đề án 1797 của Chính phủ về “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020-2024” chỉ còn năm cuối để thực hiện. Đại diện một số cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã nêu kiến nghị, giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả hoạt động đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế trong năm nay.

Ông Hoàng Văn Quân, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào:

Hàng Việt Nam ở Lào đứng thứ 2 sau Thái Lan, được người Lào yêu thích, hơn cả hàng Trung Quốc, như thực phẩm, bánh kẹo, mì ăn liền, tăm bông, văn phòng phẩm, trà thảo dược, thuốc đông dược… Đặc biệt, văn phòng phẩm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nơi đây. Khác với nước bạn Thái Lan với nhiều thuận lợi đưa hàng sang Lào, hàng Việt Nam muốn đưa sang đất nước triệu voi còn gặp những hạn chế.

Thứ nhất, chi phí vận chuyển cao nên giá thành chưa cạnh tranh với các nước khác. Bao bì chỉ có chữ Việt gây khó khăn cho người nước ngoài. Thứ 2, Lào là thị trường trải rộng về địa lý. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, phân phối xuất khẩu hàng sang Lào chưa có sự kiên trì trong vấn đề làm thị trường.

Ông Hoàng Văn Quân, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Ông Hoàng Văn Quân, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.

Bởi vậy, cần phải kiên trì, chấp nhận phát triển dần dần, không nên làm một thời gian rồi bỏ. Khi sang Lào cần hiểu văn hóa, cách làm việc của người Lào. Tốt nhất là nên hợp tác với các doanh nghiệp Lào gốc Việt, kiều bào Việt cùng nhau làm thị trường.

Theo tôi, chất lượng hàng Việt Nam tương đương với hàng Thái Lan, thậm chí cạnh tranh hơn hàng Thái Lan về giá. Vì thế, Chính phủ Việt Nam cần có cơ chế ưu đãi đưa hàng Việt sang Lào. Các hoạt động xúc tiến thương mại cần đi vào thực chất hơn nữa, cụ thể là kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Lào.

Bên cạnh đó cần thúc đẩy giao thông 2 nước, kết nối đường sắt Lào - Việt, đẩy mạnh đầu tư đường bộ tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.

Chú ý đến “gương mặt” của sản phẩm

(Ông Thái Trần, Giám đốc Điều hành TT Meridian, Vương quốc Anh)

Hiện chúng tôi xuất khẩu 400-500 mã hàng Việt Nam sang Anh, chủ yếu nông sản, trái cây, thực phẩm khô, sản phẩm thân thiện với môi trường. Để chinh phục được thị trường Anh và các nước châu Âu cần nhiều yếu tố.

Đầu tiên là giá cả. Sản phẩm của Việt Nam có tốt, có ngon nhưng giá không cạnh tranh với các nước thì không thể thuyết phục được nhà phân phối.

Thứ 2 là chất lượng, khẩu vị, thị hiếu. Nhiều sản phẩm của Việt Nam rất ngon như đồ uống, thực phẩm, gia vị... nhưng lại không hợp khẩu vị với người nước ngoài. Do đó, các công ty cần nghiên cứu hành vi tiêu dùng, thói quen khẩu vị của từng nước để có điều chỉnh phù hợp.

Ngoài ra, cần phải chú ý yếu tố nội dung bao bì. Hình thức của bao bì Việt Nam đẹp về màu sắc, hình dạng tuy nhiên nội dung vẫn thiếu. Do đó, cần phát triển đúng, đủ, theo chuẩn quốc tế. Trọng lượng sản phẩm phải có “℮” - Ký hiệu thường xuất hiện trên bao bì mỹ phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu, có nghĩa rằng, định lượng của sản phẩm được ghi trên bao bì là chính xác. Sẽ không có bất kỳ một chênh lệch nào nếu sản phẩm chưa được mở trước khi đến tay người tiêu dùng. Chỉ cần nhìn cách ghi trọng lượng là nhà phân phối họ biết được công ty, doanh nghiệp này đã xuất khẩu nhiều hay chưa.

Ông Thái Trần, Giám đốc điều hành TT Meridian, Vương quốc Anh
Ông Thái Trần, Giám đốc Điều hành TT Meridian, Vương quốc Anh.

Các nước G7, châu Âu phát triển như ngày hôm nay nhờ khoa học kỹ thuật cao. Họ rất chú ý đến khoa học, sức khỏe, môi trường. Do đó, cần ghi rõ thông tin dinh dưỡng trong Bảng thành phần dinh dưỡng trên sản phẩm. Một số chỉ tiêu có thể bằng không nhưng vẫn cần thể hiện để minh chứng cho việc doanh nghiệp nghiên cứu rất kỹ về dinh dưỡng sản phẩm này.

Ngoài ra, trên bao bì cần ghi thông tin nếu sản phẩm có thể tái chế, toàn phần hoặc từng phần một cách rõ ràng. Hạn sử dụng cần phải ghi cụ thể, tránh... đánh đố người tiêu dùng. Ví dụ, rất nhiều sản phẩm Việt Nam ghi ngày sản xuất 1/1/2024, sau đó, hạn sử dụng ghi bằng tiếng Việt 1 năm từ ngày sản xuất, dễ bị hiểu nhầm là ngày hết hạn. Do vậy, có trường hợp siêu thị nước sở tại khi nhập hàng bị phạt khi chính quyền địa phương kiểm tra.

Vì thế, theo tôi, các Bộ, ban ngành cần cung cấp, chia sẻ cho doanh nghiệp, làm đúng chuẩn quốc tế, vừa có bao bì đẹp, vừa đầy đủ nội dung. Việt Nam có thế mạnh ở các loại trái cây như vải thiều, măng cụt... nhưng có những trái cây không thắng được Thái Lan ở chất lượng. Chẳng hạn như lô nhãn của Thái Lan sang Anh 1 tuần không bị hỏng, trong khi đó lô nhãn của Việt Nam để 3-4 ngày là hỏng.

Sầu riêng có giá trị cao nhưng cũng rủi ro cao do kỹ thuật bảo quản, ủ chín để xuất đi nước ngoài của Việt Nam còn kém hơn Thái Lan, Malaysia. Vì thế, năm 2023, sản lượng sầu riêng Việt Nam sang Anh nhiều nhưng tỉ lệ hỏng cao. Cho nên, tính thương hiệu sầu riêng Việt Nam bị ảnh hưởng.

Có thể khẳng định khó nước nào có thể có thế mạnh về mọi loại trái cây như Việt Nam nhưng chúng ta cần chọn lọc những loại có thế mạnh.

Trong năm tới, chúng tôi sẽ khai thác nhiều tới các sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như măng cụt, vải thiều, chanh leo, ổi, dừa, bưởi...

Dừa và bưởi Việt Nam không thua kém hoa quả cùng loại đang bán ở Anh về chất lượng, độ ngọt, mẫu mã. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp Việt Nam bảo đảm được mức giá tốt, 2 loại trái cây trên hoàn toàn có thể cạnh tranh trên thị trường này.

Phải thích ứng quy định mới của EU

(Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo)

Thị trường EU là một thị trường tiêu chuẩn cao. Bên cạnh đó, EU cũng có hệ thống luật pháp phức tạp. Mặc dù chỉ có một hệ thống luật thương mại cho 27 quốc gia nhưng các điều khoản chồng chéo nhau, nếu thực hiện không cẩn thận dễ bị mắc lỗi. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin và hiểu biết về thị trường EU còn hạn chế. Do vậy, khi hợp tác sâu sẽ gặp nhiều rủi ro.

Khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và EU là một thách thức trong hợp tác thương mại hai bên. Các vấn đề về chi phí vận chuyển, logistics phần nào làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Do tác động của xung đột Nga - Ukraine và khủng hoảng năng lượng, giá container vận chuyển đã tăng gấp 4-5 lần.

Thêm vào đó, hàng hóa dịch vụ của Việt Nam chưa đảm bảo chất lượng của EU. Đây là thực tế và cũng là kết quả cho việc tại sao Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do với EU và trong một năm EU nhập từ ngoài khối tới 3.000 tỉ Euro, nhưng nếu tính ở mức rất thành công đi chăng nữa, ta chỉ xuất được vào khối này lượng hàng chiếm khoảng 1,7% vì chưa thực sự bảo đảm về chất lượng và quy mô.

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo
Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo.

Doanh nghiệp Việt Nam khó có lượng hàng tồn kho và đủ nguồn cung trong sáu tháng liền để bảo đảm tính ổn định của thị trường.

Sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam đến thị trường EU là có nhưng quyết tâm chưa cao. Dù vậy, EU là thị trường đủ lớn, bền vững và có lợi nhuận. Chúng ta phải có quyết tâm, khi quyết tâm đủ lớn thì sẽ có lộ trình phù hợp.

Thế giới phát triển và có những vấn đề là xu thế như phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Nếu không thích ứng, chúng ta sẽ bị loại.

Hai năm nữa, các quy định về chống phá rừng, giảm phát thải carbon, trách nhiệm giải trình của EU sẽ ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu hàng chục tỷ USD mà nếu không chuẩn bị, chúng ta không trở tay kịp. Bởi vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu và thích ứng với các quy định mới này. Nếu làm được với EU, Việt Nam sẽ làm được với tất cả đối tác.