Ảnh: Phan Nam
“Cầu Long Biên - Cây cầu huyền thoại”: Ghi lại một phần ký ức Hà Nội
Nhân dịp 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với Công ty Cổ phần Bảo tàng Cầu Long Biên, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV), ra mắt cuốn sách “Cầu Long Biên - Cây cầu huyền thoại”.
Sách “Cầu Long Biên - Cây cầu huyền thoại” do Nhà Xuất bản Mỹ thuật ấn hành, tập hợp 10 bài viết, như Cầu Long Biên, cây cầu nối Việt Nam với Pháp của tác giả Nguyễn Dy Niên, Cầu Long Biên và vai trò của Paul Doumer của Phan Trang, Dự án cải tạo cầu Long Biên của Nguyễn Nga.
Cầu Long Biên, tên cũ là cầu Paul Doumer, được công ty Daydé & Pillé xây dựng từ năm 1898 đến 1902, đi vào sử dụng năm 1903. Đầu năm 1897, sau khi nhậm chức Toàn quyền Đông Dương, ông Paul Doumer nhận ra việc cần thiết xây dựng một cây cầu lớn qua sông Hồng.
Vị Toàn quyền Đông Dương này từng bị cho là "điên rồ" khi nêu ý tưởng xây cầu thép bắc qua Sông Hồng. Trên thực tế, Sông Hồng là con sông lớn, gây lũ lụt mỗi năm. Tuy nhiên, ông Paul Doumer vẫn cho rằng thành phố cần cây cầu này để duy trì vị thế và các hoạt động thương mại.
Trong bài viết "Dải đăng ten giăng giữa trời", nhà sử học Dương Trung Quốc viết: "Chiếc cầu thép dài 1.682 m gồm 19 nhịp với các trụ có độ sâu trung bình 30 m cắm sâu vào lòng đất ở trên bờ hay dưới lòng sông cộng thêm 900 m cầu dẫn ở bờ Nam nối vào ga Hàng Cỏ với dự toán 5,9 triệu franc đã được thi công trong gần bốn năm với thực chi là 6,2 triệu franc, được coi là kỷ lục''.
Kỷ lục đó có được nhờ lực lượng nhân công tài năng. Theo Toàn quyền Đông Dương, thế hệ công nhân kỹ thuật Việt đầu tiên xây cầu có vóc người nhỏ bé nhưng cần cù và tiếp thu nhanh. Họ có thể ở trong quả chuông áp lực được thả xuống sông để đào sâu 30 m dưới đáy, lắp ráp và tán đinh kết nối các tấm thép lớn trên cao.
Cầu Long Biên đi qua ba thế kỷ, là "nhân chứng'' của hai cuộc chiến tranh, biểu tượng nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai. Những yếu tố này đã thôi thúc kiến trúc sư Nguyễn Nga dành 17 năm cho việc nghiên cứu về bảo tồn, phát triển cây cầu.
Bà Nguyễn Nga, Việt kiều Pháp, từng tốt nghiệp thạc sĩ Quy hoạch đô thị ở Viện Quy hoạch Đô thị Paris (Pháp), cử nhân Viện Quản trị Kinh doanh châu Âu năm 1986.
Tại Việt Nam, bà Nguyễn Nga đã thực hiện một số hoạt động tiên phong nhằm quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, như thành lập Ngôi nhà Nghệ thuật Hà Nội, triển lãm thư pháp Vũ hội chữ, biểu diễn Hội họa trên những cánh diều sáo Bắc Bộ.