Thứ Ba | 03/06/2014 19:45

Báo Nga khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa

Tác giả bài viết đưa ra một số chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Báo Nga Gazeta.ru khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa lần đầu tiên được nhắc đến vào thế kỷ thứ 17 trong một cuốn bản đồ của Việt Nam và từ đó người Việt đã có nhiều hành động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này.


Bài viết đăng tải trên Gazeta.ru. Ảnh chụp màn hình.
Bài viết đăng tải trên Gazeta.ru. Ảnh chụp màn hình.

Các thông tin về quần đảo Hoàng Sa được đăng tải trong bài viết có tựa đề "Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận" trên báo Nga Gazeta.ruhôm 1/6. Tác giả bài viết đưa ra một số chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đồng thời khái quát về tranh chấp xung quanh quần đảo này. Gazeta.ru là một trong những trang báo điện tử tư nhân lớn ở Nga, với gần 3 triệu lượt truy cập mỗi ngày, theo Alexa.

Tác giả cho biết quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được nhắc đến lần đầu vào thế kỷ 17 trong một tập bản đồ của Việt Nam. Khi đó, Hoàng Sa được gọi với cái tên có nghĩa là "Cát vàng". Năm 1721, Việt Nam thiết lập cơ quan hành chính Hoàng Sa để tiến hành khai thác. Trong khi đó, các biên niên sử và tài liệu của Trung Quốc trong cùng thời kỳ, gồm cả Đại sử ký của triều Thanh, đều không nhắc đến cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Vào đầu thế kỷ 19, Gia Long, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, đã tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một lượng lớn các loạibản đồ vớiHoàng Sa được thể hiện là lãnh thổ của Việt Nam, được xuất bản trong thời gian này.

Hoàng Sa còn được các thủy thủ người Pháp và Hà Lan tới Việt Nam nhắc đến. Việt Nam thậm chí còn xây dựng một hạm đội nhỏ để kiểm soát hoạt động đánh cá của tàu ngoại quốc ở gần Hoàng Sa, bài báo khẳng định.

Đến cuối thế kỷ 19, người dân Trung Quốc trên đảo Hải Nam trục vớt và chiếm đoạt hàng hóa trên hai con tàu của Anh gặp nạn ở Hoàng Sa, khiến chính phủ Anh tức giận. Khi đó, Trung Quốc đã trả lời rằng Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Quốc nên họ không chịu trách nhiệm về bất cứ chuyện gì xảy ra ở đây.

Tác giả bài viết cho biết, mãi tới năm 1933, Trung Quốc mới xuất bản cuốn "Bản đồ hành chính mới của Trung Quốc", gọi quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa lần lượt là "Nam Sa" và "Tây Sa", thuộc quản lý hành chính của tỉnh Quảng Đông.

Lợi dụng tình hình rối ren khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh, Trung Quốc năm 1946 đem quân chiếm một số đảo. Một năm sau đó, Tưởng Giới Thạch ban một quyết định coi Trường Sa và Hoàng Sa là một phần lãnh thổ Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và Pháp.

Năm 1956, Trung Quốc lại đưa quân chiếm đóng một phần quần đảo Hoàng Sa.Năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực.Kể từ thời điểm này, Trung Quốc bắt đầu có những hành động ngang ngược nhằm khẳng định chủ quyền phi lý với Hoàng Sa.

Bài viết nhận định tình hình trên Biển Đông một lần nữa căng thẳng trở lại từ khi Trung Quốc hồi đầu tháng 5 đưa giàn khoan dầu vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đồng thời điều nhiều tàu hải cảnh, tàu quân sự, máy bay ra bảo vệ.

Hành động này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Mỹ lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đang khiến tình hình bất ổn và ủng hộ Việt Nam có hành động pháp lý với Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn không có phản ứng nào mang tính xây dựng tới cộng đồng quốc tế, tác giả bài báo viết.

Bài báo còn dẫn lời ông Nikolai Kolesnik, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Nga từng chiến đấu ở Việt Nam, cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho những căng thẳng hiện nay. "Không sớm thì muộn Việt Nam sẽ có được lẽ phải lịch sử đối với quần đảo Hoàng Sa. Mọi ý định giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp sức mạnh đều dẫn đến ngõ cụt, kết thúc dưới vực thẳm", ông Kolesnik nhận định.

Nguồn Vn Express


Sự kiện