Bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài: Cần nỗ lực chung
Việt Nam mở cửa và hội nhập, số lượng công dân ra nước ngoài ngày càng nhiều, tình trạng lâm vào rủi ro cũng thường xuyên hơn, đòi hỏi Nhà nước phải có những hoạt động bảo hộ công dân đa dạng và bao quát hơn”. Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, nhận xét với NCĐT trong những số báo mở đầu năm 2017.
Vấn đề trên biển phức tạp, khó xử lý
Theo ông, điều gì cần lưu ý trong năm 2017 đối với nhóm ngư dân, thủy thủ người Việt làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài?
Trước hết, về thủ thủy người Việt làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài, trong hợp đồng giữa các công ty cung cấp lao động người Việt Nam cho chủ tàu nước ngoài, ngay từ đầu phải có những điều khoản chặt chẽ, đừng để họ “mang con bỏ chợ”.
Người dân khi được thuê, nhiều khi cũng vì cuộc sống khó khăn nên chỉ quan tâm đến mức lương, không lường trước những rủi ro có thể xảy ra khi chủ tàu gian dối, có thái độ không tốt với người lao động Việt... Vì vậy, thủy thủ, ngư dân đi biển đều phải được trang bị kiến thức về luật pháp quốc tế, phải được bồi dưỡng về kinh nghiệm xử lý những vấn đề rủi ro có thể xảy ra, như gặp bão biển, cướp biển, hay bị chủ tàu bỏ rơi... Người lao động phải luôn có cẩm nang để bấu víu khi không may gặp rủi ro.
Về ngư dân vi phạm luật pháp quốc gia khác, vấn đề xảy ra từ lâu và rất nan giải. Ngư dân phạm luật nhiều khi là do ngẫu nhiên tàu đánh cá hỏng, hoặc có khi là ham luồng cá. Hiện nay, các nước xử lý vấn đề xâm phạm chủ quyền ngày càng rắn để bảo vệ nguồn tài nguyên. Một số nước đã có những biện pháp rất mạnh, hết sức nghiêm khắc, thậm chí là quá khi đốt tàu, một tài sản rất lớn của ngư dân. Thực ra, họ cũng có lý khi nói rằng đã cảnh báo nhiều lần nhưng ngư dân Việt Nam vẫn vi phạm. Bảo hộ các ngư dân này, cơ quan đại diện phải căn cứ vào luật pháp Việt Nam, nước sở tại và luật pháp quốc tế.
Xử lý vấn đề trên biển luôn phức tạp và rất khó?
Đúng vậy. Với những trường hợp ngư dân vi phạm vùng đánh cá nước khác, cơ quan ngoại giao Việt Nam nên cố gắng thuyết phục cơ quan chức năng các nước này về đời sống khó khăn của ngư dân nước ta để họ có sự nới lỏng nhất định, xử phạt có thể nghiêm khắc nhưng tránh làm tổn hại đến tài sản của ngư dân. Mặt khác, Nhà nước phải giáo dục ngư dân không vi phạm vùng đánh cá của nước khác và điều này phụ thuộc rất nhiều vào biện pháp tuyên truyền.
Một điểm đáng chú ý là việc công dân nước khác xâm phạm vùng đánh cá của nước ta. Điều này cần sự tỉnh táo. Một mặt, chúng ta cũng phải hiểu ngư dân các nước cũng vì kiếm sống mới vi phạm, nhưng mặt khác, phải phân định rõ mức độ sai phạm. Chúng ta có thể khoan dung cho sai phạm lần đầu, xử phạt ở mức hợp lý, nhưng cũng phải có biện pháp mạnh xử lý những trường hợp vi phạm nhiều lần, nhất là vì mục đích khác, xâm hại chủ quyền Việt Nam không phải chỉ để đánh cá.
Sự hiệu chỉnh cần thiết từ Nhà nước
Theo số liệu của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, số lượng vụ việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gia tăng. Ông nhận xét thế nào về điều này ?
Tôi nghĩ đây là điều đương nhiên, bởi vì trước đây nước ta chưa mở cửa, công dân Việt Nam ra nước ngoài ít, nếu đi thường theo tập thể như xuất khẩu lao động đến các nước Đông Âu. Nhưng bây giờ, hình thức ra nước ngoài đa dạng hơn, nhiều công ty tuyển dụng lao động các ngành nghề, đến các địa bàn rộng hơn, thậm chí là những địa bàn phức tạp, vùng có chiến sự, nơi có thiên tai. Tôi nghĩ, vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải hạn chế được những trường hợp công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài.
Có ý kiến cho rằng quy trình bảo hộ công dân của nước ta còn rườm rà và thời gian cho thủ tục quá lâu. Ông nhận xét thế nào về điều này?
Tôi nghĩ thủ tục chưa phải là vấn đề lớn, bởi vì tất cả công dân Việt Nam ra nước ngoài đều có quyền được Nhà nước bảo hộ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thực hiện quyền đó cho công dân Việt Nam. Lớn hơn là vấn đề tài chính, sau khi các cơ quan đại diện hoàn thành việc bảo hộ công dân. Theo quy định, Nhà nước chỉ bảo hộ các công dân gặp nạn, không bảo hộ tất cả mọi trường hợp, vì ngân sách có hạn. Ví dụ, ngư dân vi phạm lãnh hải nước khác để đánh cá và bị cơ quan của nước sở tại bắt giữ. Khi đó, cán bộ cơ quan đại diện sẽ can thiệp để cơ quan chức năng của nước sở tại làm đúng quy trình pháp luật, không được xúc phạm đến thân thể, danh dự... của ngư dân. Sau cùng, cán bộ cơ quan đại diện sẽ làm thủ tục, mua vé máy bay cho người được bảo hộ về nước và gia đình công dân được bảo hộ phải hoàn trả Nhà nước các chi phí này. Thế nhưng, rất khó để thu lại phần kinh phí mà cơ quan đại diện đã ứng ra.
Một điểm nữa, bảo hộ công dân là vô điều kiện, bất cứ lúc nào và ở đâu nhưng phải căn cứ vào pháp luật nước sở tại, pháp luật Việt Nam và Công ước về lãnh sự. Thực tế, chỉ một mình cơ quan đại diện không đủ điều kiện, kinh nghiệm để xử lý tất cả các vấn đề, nhất là những trường hợp có nguy hiểm đến an toàn tính mạng công dân, Bộ Ngoại giao và Cục Lãnh sự phải lập tức có hướng dẫn để các cơ quan đại diện xử lý.
Số lượt người Việt Nam du lịch nước ngoài hằng năm lên tới 5 triệu người. Ảnh: hotel-r.net |
Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, nhưng các quy định chính sách về bảo hộ công dân ở nước ngoài dường như không thay đổi. Ông bình luận thế nào về điều này?
Những quy định chính sách lạc hậu thì phải sửa, nhưng phải trên cơ sở luật pháp, khả năng tài chính của đất nước cho phép trường hợp nào chi trả hoàn toàn, trường hợp nào chi trả từng phần và trường hợp nào đương sự phải chịu phí tổn.
Theo sự phát triển của đất nước, tôi thấy việc xử lý các vụ việc bảo hộ công dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, số vụ việc phải bảo hộ ngày càng nhiều nên khả năng chi trả cho thỏa đáng, phù hợp với yêu cầu của công dân là rất khó. Đơn cử, kinh phí cho cán bộ xử lý vụ việc mấy thuyền viên Việt Nam bị cướp biển bắt đã rất lớn. Đó là chưa nói đến chuyện bảo hộ và di chuyển công dân về nước do chiến tranh như Iraq trước đây hay Libi những năm gần đây, đều cần khoản tiền lớn để chi trả cho công việc này. Cơ quan đại diện không thể ngồi một chỗ liên hệ bằng điện thoại để nhận thông tin và xử lý vấn đề từ xa.
So với Việt Nam, các nước tiên tiến đang bảo hộ công dân ở nước ngoài như thế nào?
Bảo hộ công dân ở các nước phát triển tốt hơn nước ta bởi 2 yếu tố: tiềm lực tài chính và ý thức của công dân. Ở các nước phát triển, luật pháp đầy đủ, nên sự cố đối với công dân ở nước ngoài đa số là những trường hợp bất khả kháng, ít khi xảy ra trường hợp công dân vi phạm luật pháp nước khác. Bảo hộ ở các nước phát triển thường là vụ việc liên quan đến thiên tai, chiến tranh hoặc bị bắt cóc.
Nước ta có thể thiếu nguồn lực, nhưng tới đây ý thức bảo hộ công dân phải được tăng cường, không chỉ với cán bộ ngoại giao, mà còn với công dân Việt Nam ở nước ngoài. Khi có vấn đề xảy ra, công dân Việt Nam cần liên hệ ngay với các Hội người Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam ở vùng đó, quốc gia đó và các mối quan hệ với chính quyền sở tại để xử lý vụ việc một cách tốt nhất.
Về mặt Nhà nước, theo ông cần có điều chỉnh nào để bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài tốt hơn?
Bảo hộ công dân, có những vấn đề liên quan đến trong nước nhiều hơn là ngoại giao, các cơ quan đại diện chỉ xử lý vụ việc khi xảy ra. Ngoại giao, mấy năm gần đây đã có những điểm rất tốt, trao đổi với các chính phủ để xây dựng mối quan hệ hợp tác với các nước, nhất là những nước trong ASEAN, nhất là những nước có thể xảy ra vụ việc đáng tiếc. Thực tế cho thấy, khi có quan hệ cấp cao mở rộng, các nước đã có thái độ khoan dung, hiểu biết hơn, không có hành động cực đoan, khác trước đây nhiều trường hợp nước ta đã phải can thiệp chính thức, lên tiếng mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp không phải là chính.
Điểm mấu chốt là phải giúp công dân Việt Nam hiểu luật pháp quốc tế, bởi ngay cả khi Chính phủ muốn bảo hộ công dân, bảo vệ chủ quyền thì cũng phải tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh những điều cấm của các nước khác
Hải Vân