Chủ tịch ALOV Nguyễn Phú Bình và kiến trúc sư Nguyễn Nga. Ảnh: Vân Nguyễn
ALOV ủng hộ Dự án Bảo tồn, Cải tạo và Phát triển Cầu Long Biên
Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV), ông Nguyễn Phú Bình, hôm 14.12, một lần nữa khẳng định ủng hộ Dự án “Bảo tồn, Cải tạo & Phát triển Cầu Long Biên” của Kiến trúc sư quy hoạch đô thị Paris, Cộng hòa Pháp.
Chủ tịch Nguyễn Phú Bình đánh giá cao sự nỗ lực và bền bỉ của kiến trúc sư Nguyễn Nga cùng các cộng sự, với mong muốn Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên” sớm được triển khai.
Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài đã luôn đồng hành, hỗ trợ và trân trọng sự đóng góp trí tuệ và kinh nghiệm của kiến trúc sư Nguyễn Nga và các cộng sự của bà suốt hơn 10 năm qua, với quá trình xây dựng dự án, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho dự án này.
Kiến trúc sư Nguyễn Nga cho biết, Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên” và khu vực liên quan, gồm 5 hạng mục. Bà tin rằng, sự kết hợp giữa các hạng mục sẽ là một phương án hợp lý, với triển vọng trở thành dự án kinh tế và văn hóa hiệu quả cho Hà Nội và đất nước.
Theo bà Nga, cách đây hơn 100 năm, người Pháp đã cùng người Việt Nam xây cầu Long Biên, cây cầu thuộc loại phức tạp nhất thế giới thời bấy giờ chỉ trong 3 năm 9 tháng. Năm 2004, Công ty Eiffage đã xây xong cầu Viaduc de Millau, cây cầu vượt mọi kỷ lục thế giới.
Cầu Long Biên dài 2.460m, chỗ cao nhất 343m, thời gian thực hiện 38 tháng với hình thức đối tác công - tư (PPP), đầu tư 524 triệu USD và được thu phí khai thác 75 năm. Công trình này đã không có một tai nạn nào dù nhỏ xảy ra. Vì vậy, việc giao cho Eiffage cải tạo cầu Long Biên là vô cùng an toàn và hợp lý.
“Chúng tôi đang trình dự án lên Chính phủ để xin được làm theo phương thức PPP”, bà Nga cho biết. Bà cũng nói đã có đối tác tiềm năng và có thể đầu tư 100% vào các hạng mục của dự án.
Thế nhưng, do Việt Nam có quan hệ chiến lược với Pháp, nên chúng tôi mong muốn Pháp tài trợ không hoàn lại phần thiết kế, kỹ thuật và đúc các dầm thép cho cầu thông qua Tập đoàn Eiffage để bảo đảm tiêu chí kỹ thuật, bà Nga cho biết.
Kiến trúc sư Nguyễn Nga và các cộng sự qua buổi thuyết trình mong được chính quyền Hà Nội và Thủ tướng duyệt chủ trương và cho phép triển khai dự án, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội và xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng danh là Thành phố vì hòa bình như UNESCO đã công nhận.