Ảnh: Vân Nguyễn

 
Vân Nguyễn Thứ Sáu | 04/01/2019 11:13

ALOV – IYF nâng quan hệ lên mức chính thức

Theo kế hoạch, ALOV – IYF sẽ thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện cho thanh thiếu niên Việt Nam

Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) và Hội Liên hiệp Thanh niên Quốc tế (IYF) hôm 3.1.2019 đã nâng quan hệ giữa hai tổ chức lên chính thức.

Trong quá trình phát triển của mỗi một quốc gia, ngoài những thành tựu đạt được đều có những mặt trái, tác động tiêu cực lên xã hội. IYF(International Youth Fellowship), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Hàn Quốc chuyên về giáo dục kỹ năng mềm cho giới trẻ, mong muốn cùng ALOV thúc đẩy các hoạt động nhằm chuyển hóa, thay đổi tình trạng này bằng chính những kinh nghiệm của IYF.

Trên thực tế, phía IYF từ hai năm qua đã nhận được nhiều hợp tác tư vấn của Lãnh đạo ALOV. Chủ tịch ALOV, ông Nguyễn Phú Bình, cho biết: “Chúng tôi ủng hộ những hoạt động của IYF vì những lợi ích thiết thực cho thanh thiếu niên và xã hội Việt Nam”.

Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi cuối năm 2018, Chủ tịch ALOV đã báo cáo kế hoạch hợp tác giữa ALOV và IYF, trong đó có đề cập đến việc nâng tầm quan hệ với IYF lên mức chính thức.

Thủ tướng đã đánh giá cao sự nhiệt tình của ALOV trong công tác kiều bào, cũng như mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức trong khu vực và thế giới, trong đó có quan hệ hợp tác với IYF, nhằm thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

ALOV – IYF nang quan he len muc chinh thuc
 

ALOV ủng hộ những hoạt động của IYF vì những lợi ích thiết thực cho thanh thiếu niên và xã hội Việt Nam. Ảnh: Vân Nguyễn

Với 185 chi nhánh trên 120 quốc gia trên toàn thế giới,  IYF những năm qua đã thực hiện nhiều hoạt động, tổ chức các chương trình, khóa học về giáo dục thanh niên tại các cộng đồng người Việt Nam trên thế giới, như Cộng hòa Séc, Liên bang Đức, Liên bang Nga... 

Theo quan sát của Giáo sư Nam Jin Hyang, Giám đốc IYF tại Hà Nội: “Quan hệ giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa cách nhau hơn đang là một vấn đề trong cộng đồng người Việt trên thế giới, tình trạng này tương tự ở Hàn Quốc”.

Tại các cộng đồng người Việt, cuộc sống của người dân đầy đủ hơn về vật chất và an toàn hơn. Tuy nhiên, có nhiều gia đình bố mẹ không nói được tiếng Anh, trong khi con cái của họ có thể nói rất giỏi tiếng Anh và ngôn ngữ sở tại.

“Nét văn hóa truyền thống trong đời sống ngày càng mờ nhạt do giới trẻ không hào hứng với văn hóa truyền thống”, Giáo sư Nam nhận xét. Ông dẫn chứng việc nhiều  bố mẹ thích nước mắm Việt truyền thống, nhưng con cái lại không thích và không sử dụng gia vị này và điều này khiến các vị phụ huynh lo lắng.

“Tình cảm và sự ấm áp trong gia đình, một điểm mạnh của văn hóa Việt Nam, nhưng điều này đang mất dần trên thế giới”, Giáo sư Nam nói. Theo ông, việc ký Bản ghi nhớ với ALOV đã mở rộng hơn các hoạt động của IYF tại Việt Nam.

Trên thực tế, IYF có nhiều thành tựu trong các hoạt động xã hội và giáo dục thanh thiếu niên, tổ chức các chương trình “Đào tạo tinh thần” tại Việt Nam, kể từ 2016 đến hết năm 2018, IYF đã hỗ trợ 20 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 3 trường phổ thông và 2 cơ sở cai nghiện ma túy, với tổng số người được thụ hưởng lên tới 10.351 người.

Giám đốc IYF tại Hà Nội cho rằng, những hoạt động của IYF tại Việt Nam là chưa nhiều. Do đó, ngay sau lễ ký, IYF sẽ có những kế hoạch cụ thể và dài hạn hơn cho thời gian tới, thông qua sự giúp đỡ của ALOV, đặc biệt là Chủ tịch Nguyễn Phú Bình, để hỗ trợ thanh, thiếu niên Việt Nam phát triển theo phương pháp “đào tạo tinh thần”, một phương pháp tiếp cận mới.