Cuộc họp 3 bên giữa Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV), Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) và Công ty Advanced Business Events (ABE), Cộng hòa Pháp, vừa diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: TL.
ALOV “chắp thêm cánh” cho nhà đầu tư Pháp
Cuộc họp 3 bên giữa Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV), Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) và Công ty Advanced Business Events (ABE), Cộng hòa Pháp, vừa diễn ra tại Hà Nội đã thống nhất các bước trong kế hoạch tổ chức một triển lãm hàng không, dự kiến vào tháng 5/2025. Trong kế hoạch của ABE, Triển lãm hàng không tại Việt Nam 2025 nhắm đến 3 giá trị: đầu tư, kỹ thuật mới và nhân lực. Đây là một trong những ưu tiên của ABE hiện nay nhưng cũng là thử thách đối với tập đoàn này khi xác định Việt Nam trong kế hoạch phát triển các “trung tâm hàng không mới”, một phần của chiến lược phát triển.
Các đại diện của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV), Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) và Công ty Advanced Business Events (ABE), Cộng hòa Pháp. Ảnh: TL. |
Tin tốt là thông qua kết nối của ALOV, lãnh đạo ABE đã có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số hiệp hội ngành hàng. Nhiều khả năng quan hệ hợp tác giữa các tập đoàn hàng không toàn cầu với doanh nghiệp trong nước sẽ được cải thiện sau chuyến thăm đến Pháp và Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Đại diện các bên đánh giá rằng thời điểm này ngành công nghiệp hàng không Việt Nam có tiềm năng và nhu cầu phát triển hơn so với 10 năm trước. Khi đó, trong nước chỉ một vài doanh nghiệp có khả năng làm những linh kiện nhỏ và đơn chiếc cho các nhà sản xuất máy bay. Thời điểm đó cũng là lần đầu tiên ông Stephane Castet đến Việt Nam cùng 20 doanh nghiệp, đặt nền móng cho lần trở lại Việt Nam lần thứ 2 vào năm 2023 cùng đoàn 43 doanh nghiệp. Hai chuyến công tác này khá thành công, nhưng chưa đạt kỳ vọng do “thiếu sự hỗ trợ từ phía Chính phủ”.
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, nhưng các ngành công nghiệp hàng không vẫn là điểm yếu của nền kinh tế. Tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch VAA, cảnh báo 2 nút thắt lớn nhất là cơ sở vật chất kỹ thuật hạn chế và thị trường sản phẩm chưa phát triển, đang cản trở ngành công nghiệp hàng không phát triển.
Doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng hàng không muộn hơn một số nước, như Ấn Độ hay Malaysia. Dữ liệu của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam có một số điểm kém hơn trong vận hành, gia công linh kiện hoàn toàn bằng máy so với các đối thủ cạnh tranh. Đến nay, ngoại trừ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực IT có cơ hội trở thành nhà cung ứng cấp 2 trong một số module của Airbus ở thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ là nhà cung ứng cấp 3 cho Airbus hay Boeing, thường cung cấp các linh kiện đơn lẻ hay các cụm linh kiện đơn giản, không đòi hỏi phức tạp ở máy bay.
Bây giờ, Việt Nam đang là điểm sáng thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng công nghiệp hàng không là một lĩnh vực còn mới. Mặc dù Chính phủ chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp trọng điểm và công nghệ cao, nhưng đến nay Tập đoàn Airbus mới có 2 đối tác tại Việt Nam là Công ty Meggitt và Công ty Nikkiso có thể cung cấp các thiết bị cơ điện, cấu trúc composite, linh kiện cho máy bay của hãng.
Một thực tế được Hội Khoa học và công nghệ Hàng không Việt Nam (VASST) chỉ ra trong một hội thảo cuối tháng 8/2024 là các công ty hàng không trong nước mua 222 chiếc tàu bay quốc tịch Việt Nam (tính đến ngày 15/3/2024) nhưng gần như không phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như bảo dưỡng, sửa chữa, nghiên cứu, sản xuất chế tạo phụ tùng, máy móc hỗ trợ. Hiện nay, ngoài Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Kỹ thuật Máy bay (VAECO), duy nhất Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không (AESC) là doanh nghiệp tư nhân, chuyên về bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay. Sản phẩm công nghiệp hàng không mặt đất cũng rất hạn chế, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Kỹ thuật Quản lý bay (ATTECH) chỉ cung cấp sản phẩm điện tử dẫn đường.
Việc nhận diện và sửa đổi các hạn chế trong quá khứ sẽ mang lại kết quả tốt đẹp hơn cho hợp tác của ABE với các công ty trong nước. Triển lãm hàng không được tổ chức tại Việt Nam sẽ thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn hàng không trên thế giới, từng bước tạo vị thế cho những ngành công nghiệp, cơ khí, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung toàn cầu.
Mặc dù vậy, tổ chức một triển lãm hàng không cần nhiều thời gian và nguồn lực. Bây giờ, điều ABE thiếu nhất là sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp trong nước. Tập đoàn này đang nỗ lực thêm một lần nữa, với hy vọng ALOV tiếp tục hỗ trợ ABE kết nối với các tổ chức, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong nước.