Ảnh: Quý Hòa

 
Hoàng Anh Thứ Sáu | 20/12/2019 10:00

ALOV bàn giải pháp kết nối kiều bào

Nhiều hoạt động đa dạng trong năm 2020 để huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc...

Thành công của Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ năm 2019-2024 mở ra thời kỳ hoạt động mới của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) và các tổ chức thành viên, góp phần tích cực vào khối đại đoàn kết dân tộc và xây dựng đất nước. Đất nước hội nhập ngày một sâu rộng, trong tình hình mới có nhiều thuận lợi lẫn thách thức đan xen, cho nên ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Hội tiếp tục được đổi mới cả về tư duy, phương pháp và cách thức thực hiện trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ trương lớn về đại đoàn kết dân tộc của Đảng.

 

Theo Chủ tịch ALOV Nguyễn Phú Bình, công tác hội tiếp tục được chú trọng trong năm 2020 và suốt nhiệm kỳ này. ALOV sẽ tiếp tục tập hợp những cá nhân, tổ chức tâm huyết với cương lĩnh hoạt động của Hội và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, tăng cường số lượng hội viên là kiều bào đã về nước định cư hoặc đầu tư kinh doanh cũng như hội viên danh dự là kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài. Mặt khác, Hội cũng tăng cường sức mạnh của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Thư ký, chọn cá nhân có đủ năng lực, tinh thần trách nhiệm để điều hành với hiệu quả cao nhất hoạt động của Hội.

Phó Giáo sư Nguyễn Lân Trung, Tổng Thư ký ALOV, cho biết, trong năm 2020, Hội sẽ tập trung vào các hoạt động hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang cùng bản sắc văn hóa dân tộc, tạo mẫu số chung và nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

 

Thứ nhất là Đề án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”. Hội và Ban dự án sẽ tiếp tục triển khai vận động tài trợ cho đề án này. Hội cũng xem xét kế hoạch vận động kiều bào quyên góp đặt tượng Vua Hùng trên đảo Trường Sa và biên giới phía Bắc vào năm 2020; xây dựng Đền Vua Hùng tại 2 địa điểm này vào năm 2021-2022. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục tổ chức các hoạt động ở trong nước nhân Ngày Giỗ Tổ, đồng thời tổ chức Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ, dự kiến là Hàn Quốc, Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Hungary, Rumani, Đài Loan...

Thứ 2 là Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cầu Long Biên” của kiến trúc sư Nguyễn Nga, Việt kiều Pháp. Đây là đề án ALOV và kiều bào rất tâm huyết từ nhiều năm nay.

Thứ 3 là Đề án “Dạy và học tiếng Việt trực tuyến” và triển khai chương trình “Em học tiếng Việt” trực tuyến, với 5 phiên bản ngôn ngữ sở tại khác nhau trong quý I/2020. Dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ 2, thứ 3 người Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành vấn đề lớn của đất nước.

Thứ 4 là Đề án “Quỹ Kiều hối xây dựng quê hương”, nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao mức thu nhập cho các chủ thể nhận kiều hối.
Thứ 5 là tổ chức “Trại hè Doanh nghiệp trẻ Việt kiều”. Sự kiện này quy tụ những người Việt trẻ đã lập nghiệp và thành công ở trong nước và thế giới, nhằm phát triển mạng lưới hội nhập toàn cầu, kết nối và tạo cơ hội giao thương, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước.

Thứ 6 là Hội tổ chức một số đoàn công tác nhằm khảo sát tình hình kiều bào ở một số quốc gia; Đoàn đưa thân nhân kiều bào sang Thái Lan dự kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đoàn đi Osaka dự Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu năm 2020.

Ngoài ra, Hội cũng có kế hoạch triển khai các hoạt động phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước có liên quan đến công tác về người Việt Nam ở nước ngoài; lên kế hoạch tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, dự kiến vào quý III/2020.

Để đảm bảo khối lượng lớn công việc đề ra được hoàn thành và mang lại hiệu quả cao, ALOV đã cải tổ về tổ chức và phương thức hoạt động. Hội đã tăng cường nhân sự cho Trung tâm Dịch vụ, tư vấn trí thức, doanh nhân là người Việt Nam ở nước ngoài (COSOVIE) và Trung tâm Tư vấn đầu tư, đào tạo và dịch vụ quốc tế (ICTS). Đây là 2 đơn vị đầu mối của Hội, giúp doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm đối tác trong nước và giúp doanh nghiệp trong nước tìm thị trường xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Chủ tịch ALOV, việc xây dựng “Quỹ Kiều hối xây dựng quê hương” là không dễ dàng nhưng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của kiều bào, muốn góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Với mục tiêu hỗ trợ kiều bào, Hội đang nghiên cứu về đường hướng phát triển Quỹ Kiều hối xây dựng quê hương, hy vọng Chính phủ sẽ hỗ trợ một phần trong công tác nghiên cứu, xây dựng và triển khai quỹ này.

Theo kế hoạch, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang và bản sắc văn hóa dân tộc, thông qua việc tổ chức “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2020 tại một số địa bàn mới trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc rất ủng hộ sáng kiến lấy Ngày Giỗ tổ Hùng Vương là ngày lễ chung của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Song để “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” lan tỏa mạnh mẽ, ông Lê Hoàng Anh, Ban Thường vụ ALOV, cho rằng, năm nay, Hội nên tổ chức tại Cộng hòa Séc và Cộng hòa Liên bang Đức, 2 quốc gia có số lượng lớn kiều bào sinh sống.

►Chuyến bay 100

►Các nước chính thức ký thỏa thuận CPTPP