Các doanh nghiệp mía đường trong nước đã có sự chuẩn bị để đón nhận cơ hội từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thế giới. Ảnh: Quý Hòa

 
Hà Cúc Thứ Năm | 28/09/2023 10:00

“Vua sữa đậu nành” thắng nhờ đường

Đường Quảng Ngãi đang chứng kiến sự biến động ngược chiều trong 2 mảng kinh doanh chủ lực.

Giá đường liên tục phá đỉnh, mang đến nhiều tin vui cho Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS). Trước hết, doanh nghiệp sở hữu diện tích mía lớn nhất cả nước này được hưởng lợi khi giá cổ phiếu tăng 60% sau 10 tháng. Tiếp theo đó, lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 7.200 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.500 tỉ đồng, tăng lần lượt 26% và 74% so với cùng kỳ; thực hiện được 87% chỉ tiêu doanh thu và vượt 25% kế hoạch lợi nhuận năm.

Phá đỉnh cùng đường

 

QNS hiện sở hữu nhiều thương hiệu như đường Quảng Ngãi, nước khoáng Thạch Bích, bia Dung Quất, bánh kẹo Biscafun, Vinasoy và Fami... Theo lãnh đạo Công ty, sản lượng tiêu thụ sản phẩm sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo giảm nhẹ. Trong khi đó, do thuận lợi từ giá đường tăng, 8 tháng đầu năm, mảng đường là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính cho QNS với doanh thu thuần 2.900 tỉ đồng, lãi trước thuế 670 tỉ đồng, tăng tương ứng 118% và 335% so với cùng kỳ. 

Các doanh nghiệp mía đường trong nước đã có sự chuẩn bị để đón nhận cơ hội từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thế giới. QNS hiện có Nhà máy đường An Khê, công suất ép mía 18.000 tấn/ngày, dây chuyền sản xuất đường tinh luyện có công suất 1.000 tấn đường/ngày; có diện tích mía đường lớn thứ 2 và chiếm 13% thị phần đường cả nước. Đặc biệt, giá thành sản xuất đường của Công ty thấp hơn so với trung bình của cả nước 15%.

Đáng chú ý, QNS đã phát triển và hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín nên tận dụng được các phụ phẩm, tăng thêm doanh thu từ phụ phẩm. Công ty cũng đang phát triển theo hướng năng lượng tái tạo, tận dụng bã mía sau quá trình sản xuất đường... để sản xuất điện. Ngoài ra, các biện pháp phòng vệ thương mại của Nhà nước đối với sản phẩm đường và việc kiểm soát tốt đường nhập lậu giúp cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đường của Công ty.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của QNS có thể bị ảnh hưởng khi giá đường hạ nhiệt do nguồn cung từ vụ ép mía nội địa. Đồng thời, tiêu thụ đường nội địa có thể giảm nếu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường (trừ sữa và đồ uống dinh dưỡng) được áp dụng. Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam thậm chí đánh giá QNS sẽ phải giảm giá bán sản phẩm đường khi đẩy mạnh chiếm lĩnh thị phần nội địa thông qua việc đưa các sản phẩm vào kênh bán lẻ hiện đại.

Nhìn xa cho sữa đậu nành

Với số lượng nhà máy lớn, QNS dẫn đầu thị trường sữa đậu nành đóng hộp với công suất 390 triệu lít/năm, chiếm khoảng 87% thị phần sữa đậu nành có thương hiệu. Năm 2022, sữa đậu nành là sản phẩm chiếm tỉ trọng cao nhất với 52% tổng doanh thu, đem về 4.305 tỉ đồng doanh thu và gần 1.752 tỉ đồng lãi gộp cho QNS.

 

Tuy nhiên, năm nay mảng sữa đậu nành hoạt động kém khả quan đã kéo kết quả kinh doanh của QNS đi xuống, ghi nhận doanh thu thuần 8 tháng đạt 2.800 tỉ đồng (giảm 8%) và lãi trước thuế 550 tỉ đồng (tăng 3%). Nguyên nhân là do tiêu thụ sữa đậu nành giảm 11% so với cùng kỳ về mức 162 triệu lít trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. SSI Research nhận định, mảng sữa đậu nành ghi nhận kết quả kém khả quan hơn cùng với chi phí bán hàng tăng cao có thể kéo lùi mức tăng trưởng lợi nhuận quý III/2023 so với quý trước đó. Đối với mảng sữa đậu nành, sản lượng tiêu thụ được dự báo sẽ đi ngang trong năm 2024 so với năm 2023 do nhu cầu trong nước yếu.

Sở hữu thương hiệu Vinasoy và dải sản phẩm rộng Fami, QNS có nhiều tham vọng cho mảng dinh dưỡng từ thực vật. Dù thị trường đang gặp khó khăn về sức cầu nhưng tiềm năng dài hạn vẫn mang lại kỳ vọng về tăng trưởng. Theo báo cáo ngành sữa của CoBank và Nielsen, nhu cầu sữa đậu nành tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng 10,5% giai đoạn 2020-2024.

Đặc biệt, xu hướng dinh dưỡng thực vật đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Kantar Singapore dự báo quy mô thị trường này sẽ tăng gấp 5 lần và đạt tới 162 tỉ USD vào năm 2030. Trong đó, 40% sự tăng trưởng đến từ thị trường châu Á Thái Bình Dương (APAC) và Việt Nam là một trong số các quốc gia dẫn đầu cho xu hướng này.

Bên cạnh đó, Công ty muốn mở rộng thương hiệu sữa đậu nành Fami sang thị trường nước ngoài như Nhật, Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc. Mặt khác, ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc Điều hành Vinasoy, cho biết Công ty đang mở rộng hệ sinh thái các sản phẩm dinh dưỡng thực vật, “thịt” thực vật... Vì vậy, Fami - nhãn hàng sữa đậu nành chủ lực của Vinasoy - cũng vừa công bố nhận diện thương hiệu mới “Thêm đạm thực vật, thêm cân bằng cuộc sống”.

Do chiếm thị phần lớn, các mảng liên quan đậu nành, thực vật của QNS gặp thách thức về duy trì tốc độ tăng trưởng. Vì thế, Công ty cần chiến lược bán hàng và marketing hiệu quả hơn để đẩy mạnh tăng trưởng trong các mảng mới. Đó là lý do vài năm gần đây, ngân sách quảng cáo của QNS tăng khá cao, nhất là cho các sản phẩm sữa đậu nành. Tổng chi phí cho quảng cáo, truyền thông, sản phẩm khuyến mãi, dùng thử của QNS trong quý I/2023 đã trên 50 tỉ đồng. Dù vậy, cũng cần nhắc tới bài toán khó mà QNS từng gặp phải với sữa đậu nành là phụ thuộc vào khả năng thu hút người dùng. Điều này lại tùy thuộc vào khả năng đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm.

Công ty Chứng khoán KIS dự phóng doanh thu của QNS sẽ tăng lên 10.069 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.680 tỉ đồng trong năm 2023, tăng lần lượt 22% và 31% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu sữa đậu nành sẽ giảm 6%, ngược lại doanh thu đường tăng mạnh 85%. Sang năm 2024, KIS dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế sẽ đi ngang, lần lượt đạt trên 10.000 tỉ đồng và 1.635 tỉ đồng