Thứ Ba | 25/04/2023 16:26

Vì sao Hồng Kông là "trung tâm thương mại" của các nước bị trừng phạt?

Tại Hồng Kông, việc thành lập một công ty ma có thể được thực hiện chỉ trong vài ngày và với chi phí thấp hơn một chiếc iPhone.

Hệ thống “thân thiện” với doanh nghiệp này bắt đầu dưới sự cai trị của Anh và tiếp tục dưới thời Trung Quốc, đã giúp Hồng Kông biến mình thành một trong những trung tâm thương mại thành công nhất thế giới. 

Và hệ thống này cũng đưa Hồng Kông trở thành trung tâm của một mạng lưới các công ty thương mại, đang chuyển các chất bán dẫn do Mỹ sản xuất trị giá hàng triệu USD vào Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt sau cuộc chiến Nga - Ukraine. 

Ông Bryan Mercurio, Giáo sư Luật tại Đại học Hồng Kông Trung Quốc, cho biết: “Hồng Kông là một trung tâm kinh doanh và được biết đến là dễ kinh doanh, điều đó có nghĩa là thành lập các công ty ma rất dễ dàng và rẻ tiền. Mạng lưới liên kết của các công ty sau đó có thể được sử dụng để trốn tránh các lệnh trừng phạt và khi bị phát giác hoặc bị cấm, chỉ cần thành lập một công ty khác".

Số lượng công ty tư nhân được thành lập tại Hồng Kông mỗi năm (nghìn)
Số lượng công ty tư nhân được thành lập tại Hồng Kông mỗi năm (ngàn).

Theo quy định của Hồng Kông, bất kỳ ai là người địa phương hay người nước ngoài đều có thể đăng ký thành lập công ty và trở thành giám đốc kiêm cổ đông duy nhất của công ty đó. Để mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, nhiều đại lý ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cung cấp dịch vụ trọn gói, cho phép đăng ký công ty trong thành phố, thậm chí cung cấp địa chỉ để sử dụng làm địa chỉ văn phòng đại diện. Phí dao động từ 4.80-13.000 dollar Hồng Kông (611-1.656 USD) và việc đăng ký thường có thể được hoàn thành trong vòng một tuần, nhiều đại lý chia sẻ.

 

Kết quả là, Hồng Kông có số lượng công ty vượt trội so với một số nước láng giềng lớn hơn. Ví dụ, Nhật có khoảng 1,78 triệu công ty vào năm 2021, theo một cuộc khảo sát của chính phủ, cao hơn không nhiều so với 1,38 triệu công ty của Hồng Kông vào năm đó mặc dù dân số Nhật lớn hơn 17 lần.

Ông William Marshall, người đã hành nghề tại Hồng Kông hơn 15 năm và làm việc với Công ty Luật GDLSK ở New York, đã chỉ ra những thách thức thực tế trong việc đảm bảo tuân thủ quy định tại một môi trường như vậy. 

"Khi dính đến các công ty thương mại nhỏ, việc thẩm định đối với các nhà xuất khẩu Mỹ là một thách thức, như việc các pháp nhân vừa thành lập ở Hồng Kông đặt mua một lượng hàng lớn được xem là một “red flag” (tín hiệu cảnh báo về nguy hiểm tiềm tàng hoặc một tình huống xấu có thể xảy ra), có thể làm phát sinh nghĩa vụ thẩm tra cao hơn đối với phía Mỹ”, ông Marshall cho biết. 

Ông nói thêm, bản thân Hồng Kông không có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu toàn diện như cách mà Mỹ áp dụng đối với người dùng cuối là quân đội Trung Quốc hoặc Nga, mặc dù họ có các biện pháp kiểm soát sử dụng cuối đối với các mặt hàng dùng trong vũ khí hóa học, hạt nhân hoặc sinh học.

"Do đó, có khả năng các công ty Hồng Kông nhập khẩu những con chip không bị kiểm soát bởi các yêu cầu về giấy phép để xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc thậm chí là Nga và tái xuất những con chip đó", ông nói.

Hồng Kông là thành viên của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) từ năm 1986 và là thành viên sáng lập của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 1995. Chính quyền địa phương chỉ áp thuế đối với 4 nhóm hàng nhập khẩu dầu hydrocarbon, rượu mạnh có nồng độ cồn trên 30%, rượu metylic và thuốc lá tổng cộng chỉ chiếm 0,5% tổng lượng hàng nhập khẩu.

Không có kiểm soát vốn, có nghĩa là tiền có thể được đưa vào và rút ra gần như hoàn toàn tự do. Và với việc đồng nội tệ được neo vào USD, các nhà đầu tư dựa vào đồng USD không phải lo lắng về rủi ro trọng yếu trong tỉ giá hối đoái.

Theo một nghiên cứu chung của PwC và Nhóm Ngân hàng Thế giới, Hồng Kông đứng thứ 2 trong số 191 nền kinh tế chỉ sau Bahrain về mức độ dễ nộp thuế. Thuế suất doanh nghiệp được giới hạn ở mức 16,5% và thuế thu nhập cá nhân ở mức 17%. Không có thuế đối với lãi vốn, cổ tức của cổ đông hoặc thu nhập có nguồn gốc nước ngoài. 

Sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ của Bắc Kinh đối với thành phố đã làm dấy lên lo ngại rằng thành phố này sẽ mất vị thế là trung tâm thương mại và tài chính của châu Á.
Sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ của Bắc Kinh đối với thành phố đã làm dấy lên lo ngại rằng nơi này sẽ mất vị thế là trung tâm thương mại và tài chính của châu Á.

Trung Quốc phần lớn bảo tồn hệ thống thân thiện với doanh nghiệp của Hồng Kông vì làm như vậy từ lâu đã rất hữu ích.

Chẳng hạn như trong Chiến tranh Triều Tiên, khi đất nước chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc, một số doanh nghiệp có thiện cảm với Bắc Kinh đã bắc cầu cho các mối quan hệ thương mại với thế giới phương Tây. Các tập đoàn có trụ sở tại Hồng Kông như China Resources Group, China Merchants Group và Bank of China Hong Kong đã đóng vai trò là cửa sổ nhìn ra thế giới bên ngoài và là con đường mang về các loại tiền tệ mạnh. 

Trong những năm gần đây, việc Bắc Kinh ngày càng kiểm soát chặt chẽ Hồng Kông đã làm dấy lên lo ngại rằng nơi này sẽ mất vị thế trung tâm thương mại và tài chính của châu Á. Hồng Kông đã bị Singapore vượt mặt vào năm ngoái để trở thành trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, theo Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu. 

Tuy nhiên, Hồng Kông vẫn là một trung tâm kinh doanh quan trọng phần lớn nhờ vào hệ thống các quy tắc và quy định thân thiện với doanh nghiệp. Thách thức đối với Hồng Kông trong tương lai là duy trì hoạt động kinh doanh dễ dàng mà không ảnh hưởng đến danh tiếng là một đối tác thương mại có trách nhiệm. 

Có thể bạn quan tâm: 

Trung Quốc đã đặt mục tiêu CPI khoảng 3% trong năm nay