Ngân hàng đầu tư (Investment Bank - IB) là một trung gian tài chính chuyên thực hiện các dịch vụ liên quan đến tài chính như bảo lãnh, tư vấn và môi giới cho khách hàng là các tổ chức.

 
Thứ Hai | 25/07/2022 09:51

Tương lai nào cho ngân hàng đầu tư?

Ngân hàng đầu tư (IB) có thể phát triển mạnh mẽ nhưng sẽ chỉ một vài IB thành công và trụ vững?

(Bài viết được thực hiện vào năm 2009.)

Trong khi sự sụp đổ của các ngân hàng đầu tư Mỹ trong năm 2008 khiến thị trường tài chính thế giới e ngại mô hình này thì ở Việt Nam, ngân hàng đầu tư lại hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, xác định hướng đi đúng cho ngân hàng đầu tư tại Việt Nam không phải là chuyện đơn giản. Cần phân biệt 2 mô hình có cùng chung tên gọi là “ngân hàng” đang tồn tại trong nền kinh tế: ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại. 

IB – ANH LÀ AI?

Theo định nghĩa của Investopedia, ngân hàng đầu tư (Investment Bank - IB) là một trung gian tài chính chuyên thực hiện các dịch vụ liên quan đến tài chính như bảo lãnh, tư vấn và môi giới cho khách hàng là các tổ chức. Như vậy, đối tượng khách hàng chính của ngân hàng đầu tư là các tổ chức, công ty và chính phủ, không phải khách hàng cá nhân. 

IB (Investment Bank) là một định chế tài chính trung gian, có chức năng tư vấn cho doanh nghiệp hoặc các quốc gia về chiến lược tài chính, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
IB (Investment Bank) là một định chế tài chính trung gian, có chức năng tư vấn cho doanh nghiệp hoặc các quốc gia về chiến lược tài chính, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Nam Sơn, người sáng lập và đồng điều hành Công ty Quản lý Quỹ Vietnam Capital Partners, có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực IB toàn cầu, từng giữ vị trí Giám đốc Điều hành Citigroup Hong Kong, cho biết: “IB là một định chế tài chính trung gian, có chức năng tư vấn cho doanh nghiệp hoặc các quốc gia về chiến lược tài chính, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) bên cạnh việc huy động vốn (cổ phiếu và nợ) từ thị trường vốn toàn cầu thông qua các nhà đầu tư quốc tế”. Ông Phạm Ngọc Quỳnh, Giám đốc Điều hành khối dịch vụ IB, Công ty Chứng khoán Thiên Việt, thì cụ thể hóa hoạt động của ngân hàng đầu tư là tư vấn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu), bảo lãnh phát hành, mua bán cổ phần, tư vấn M&A, huy động vốn trung và dài hạn dưới hình thức phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc vay nợ thương mại, quản lý tài sản. Tại Việt Nam, nhiều công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ đầu tư tên tuổi có thực hiện nghiệp vụ ngân hàng đầu tư.

Trong khi đó, theo Wikipedia, ngân hàng thương mại (Commercial Bank - CB) hình thành và phát triển hàng trăm năm cùng với sự phát triển của kinh tế hàng hóa. Thông qua hoạt động tín dụng, ngân hàng thương mại tạo lợi ích cho người gửi tiền, người vay tiền và cho cả ngân hàng thông qua chênh lệch lãi suất mà thu được lợi nhuận cho ngân hàng. Đối tượng khách hàng của ngân hàng thương mại gồm cả cá nhân lẫn tổ chức doanh nghiệp.

Trở lại với câu chuyện ngân hàng đầu tư, ở Mỹ, trước đây, nhóm ngân hàng IB có tiếng như Morgan Stanley, Goldman Sachs, Merrill Lynch, Bear Stearns, Lehman Brothers không bị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ như nhóm ngân hàng CB. Hay nói khác đi, việc thành lập công ty tài chính (có nghiệp vụ IB) khá dễ dàng, không đòi hỏi vốn tối thiểu. Trong khi đó, CB, vì là tổ chức tài chính huy động vốn từ cá nhân và thể nhân khác nhau trong xã hội nên được kiểm soát rất chặt chẽ. Chính sự quản lý lỏng lẻo đối với nhóm IB đã góp phần vào quá trình sụp đổ mang tính liên hoàn của các IB Mỹ trong năm 2008. Cho đến hiện tại, các IB Mỹ đã tồn tại trong một “thân xác” mới là ngân hàng đa năng, kết hợp thực hiện cả nghiệp vụ IB lẫn CB. Giới chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng mô hình này có thể giảm thiểu rủi ro so với IB đơn lập trước kia.

CB (Commercial Bank) là tổ chức tài chính huy động vốn từ cá nhân và thể nhân khác nhau trong xã hội nên được kiểm soát rất chặt chẽ.
CB (Commercial Bank) là tổ chức tài chính huy động vốn từ cá nhân và thể nhân khác nhau trong xã hội nên được kiểm soát rất chặt chẽ.

Lịch sử IB của Mỹ cho thấy, các IB nắm giữ tỉ lệ tài sản dài hạn quá lớn, chẳng hạn cổ phiếu trong ngành bất động sản, nhưng lại không có chức năng huy động vốn ngắn hoặc trung hạn (như một cách dự trữ vốn phòng hộ) nên khi thị trường bất động sản sa sút, họ không thể trở tay kịp để trả đúng hạn các khoản nợ đã vay để đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, sự chuyển đổi mô hình từ IB đơn lập sang ngân hàng đa năng giúp tạo tính thanh khoản thường xuyên cho ngân hàng, tạo được thế cân bằng.

Sau thảm cảnh các IB Mỹ, mô hình IB đơn lập có còn hấp dẫn hay không, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam? Có thể thấy rằng, trong lúc ở Mỹ, khái niệm IB đã trở thành một nỗi đau không muốn khơi lại thì ở Việt Nam, mô hình đang tạo những xu thế tốt. So sánh hiện trạng IB tại Mỹ vừa qua và tại các quốc gia đang phát triển như ở Việt Nam, ông Dương Hải, Trưởng Đại diện Ngân hàng Đầu tư Vietnam Partners LLC, nói: “Người già chống gậy không có nghĩa là người trẻ cũng chống gậy theo!”.

Trung Quốc và một số nước khác đã khai thác triệt để thị trường vốn quốc tế hàng thập kỷ qua. Giai đoạn 2002-2005, dù thị trường cổ phiếu Trung Quốc tụt dốc mạnh, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn huy động được trên 100 tỉ USD từ các thị trường vốn quốc tế, trong khi thị trường nội địa thời điểm đó chỉ khoảng 40 tỉ USD. Từ đây, các doanh nghiệp Trung Quốc có đủ “máu” để cạnh tranh toàn cầu. Thành công đó của doanh nghiệp Trung Quốc có sự góp sức rất lớn của các IB. Thế nhưng, rất nhiều người, thậm chí cả những chuyên gia tài chính tại Việt Nam, vẫn còn thể hiện những cách nhìn nhận khác nhau về IB. 

Tại Việt Nam, mô hình IB còn mới, vì còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng huy động vốn từ thị trường quốc tế, do chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những năm trước đây, thị trường vốn nội địa có tính thanh khoản cao, doanh nghiệp không cần phải tìm đến nguồn vốn nước ngoài, nên cũng không cần đến IB. Nhưng tương lai là chuyện khác. Cùng với sự tụt dốc của thị trường chứng khoán kể từ năm 2007 và tăng trưởng tín dụng giảm, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, nguồn vốn quốc tế ngày càng trở nên quan trọng. Và IB có nhiều đất dụng võ hơn.

Ông Sơn, Vietnam Capital Partners, dự đoán, trong thời gian tới, các doanh nghiệp lớn Việt Nam chắc chắn sẽ huy động vốn nhiều hơn từ các thị trường quốc tế với 4 mục đích chính: góp phần đa dạng hóa nguồn vốn, phòng khi thị trường vốn trong nước gặp khó; thông qua đó, các đối tác quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp quản trị tốt hơn theo tiêu chuẩn toàn cầu; doanh nghiệp có cơ hội phát triển thương hiệu trong nước và quốc tế; chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh với các nước trong khu vực khi các rào cản thương mại được xóa bỏ. Trong đó, việc các rào cản thương mại được xóa bỏ là vấn đề quan trọng nhất. Các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rằng, một khi những rào cản này được xóa bỏ, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các nước trong khu vực. Một trong những chiến lược chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh khu vực là hợp tác với các đối tác quốc tế, những người có khả năng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, các sản phẩm và cả thị trường của họ. 

3 MÔ HÌNH IB

Dù đóng một vai trò quan trọng trong thị trường vốn nhưng mô hình IB tại Việt Nam hiện nay còn đơn giản. Có 3 dạng IB như sau:

Thứ nhất là mô hình IB “thuần” nội địa, chẳng hạn như Vietnam Capital Partners (VCP). Công ty này có quy mô gồm 16 người là các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, luật sư và kế toán, tập trung vào 3 chức năng chính: hợp tác với các ngân hàng đầu tư nước ngoài nhằm hỗ trợ các khách hàng quốc tế có ý quan tâm đến Việt Nam; tư vấn cho các quỹ đầu tư và tập đoàn tài chính nước ngoài quan tâm đến Việt Nam; tham vấn cho doanh nghiệp Việt Nam và các quỹ đầu tư địa phương trong việc huy động vốn, M&A hoặc liên doanh.

Thứ 2 là IB quốc tế đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam và lập liên doanh để thực hiện những nghiệp vụ ngân hàng đầu tư khác nhau, như trường hợp Vietnam Partners LLC (VPL). VPL xác định chức năng chính là huy động vốn, đầu tư bằng tiền của chính mình, quản lý tiền cho nhà đầu tư, tư vấn về chiến lược và tài chính. Với nhiều nghiệp vụ đa dạng như vậy, VPL lập ra các liên doanh khác nhau để thực hiện chúng, chẳng hạn liên kết với Ngân hàng BIDV để thành lập Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ Đầu tư BIDV - Vietnam Partners (BVIM). Đây là công ty liên doanh 50/50 đầu tiên về quản lý quỹ tại Việt Nam, do Bộ Tài chính cấp phép. VPL cũng thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hong Long, dùng tiền của họ đầu tư vào Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Tập đoàn Nam Việt (Navico).

Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ Đầu tư BIDV - Vietnam Partners (BVIM) là công ty liên doanh 50/50 đầu tiên về quản lý quỹ tại Việt Nam, do Bộ Tài chính cấp phép.
Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ Đầu tư BIDV - Vietnam Partners (BVIM) là công ty liên doanh 50/50 đầu tiên về quản lý quỹ tại Việt Nam, do Bộ Tài chính cấp phép.

Thứ 3 là phát triển nghiệp vụ IB là từ các công ty chứng khoán. SSI, chẳng hạn, có Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), tồn tại như một pháp nhân độc lập, chuyên quản lý tài sản cho các nhà đầu tư, như một hình thức IB. Và nhiều công ty chứng khoán hiện nay cũng có triển khai nghiệp vụ IB. 

3 mô hình này sẽ phát triển ra sao trong thời gian tới?

TƯƠNG LAI CỦA IB

Đối với 2 mô hình đầu tiên, tức mô hình IB “thuần” về nghiệp vụ ngân hàng đầu tư thì cả ông Hải và ông Sơn đều xác định, hình thức phù hợp nhất ở Việt Nam là mô hình IB nhỏ (boutique IB), hướng đến các hợp đồng có giá trị không quá cao. Ông T.C.T, Giám đốc Điều hành một công ty quản lý tài sản, phân tích, gần đây, với tình hình các quỹ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn và các ngân hàng địa phương phải đối mặt với việc tăng trưởng tín dụng chậm dần, nguồn vốn tại Việt Nam đang dồi dào đã trở nên khan hiếm. Nhiều IB quốc tế đã rút về nước do kinh tế toàn cầu suy giảm và chủ trương cắt giảm chi phí ở nước ngoài. Ông T. cho rằng: “Đây là cơ hội lớn để các IB nhỏ ra đời, hướng đến những hợp đồng trị giá dưới 100 triệu USD mà các IB lớn có thể không đến ý đến”.

Trong khi đó, mô hình thứ 3 là chuyển đổi công ty chứng khoán thành IB hay công ty chứng khoán “đẻ” thêm nghiệp vụ IB riêng biệt. Giống như các thị trường khác, Việt Nam sẽ phải trải qua một giai đoạn “củng cố và tái lập”, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán. Một lãnh đạo đầu ngành chứng khoán từng tuyên bố, trong 5 năm tới, sẽ chỉ có 5 công ty chứng khoán được xem là thành công nhất tại Việt Nam. Hiện tại, hầu hết các công ty chứng khoán đều tập trung vào hoạt động bán lẻ với rất nhiều đối thủ cạnh tranh, cộng với sự bấp bênh về lợi nhuận trong mảng tự doanh. Vì thế, sắp tới, các công ty chứng khoán sẽ phải dốc sức tìm kiếm những nguồn lợi nhuận mới. Và một cách để tăng thêm nguồn tiền cho công ty là từ các nhà đầu tư tài chính và chiến lược, đây chính là hoạt động IB.

Ông Sơn, VCP, dự đoán: “Tôi tin rằng IB sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, nhưng sẽ chỉ có một vài IB thành công. Muốn được như thế, IB phải có uy tín với cả doanh nghiệp muốn huy động vốn lẫn nhà đầu tư, phải có khả năng đánh giá thương vụ chuẩn xác”.

Năng lực cung cấp dịch vụ IB phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ tư vấn (banker) và mạng lưới quan hệ với các nhà đầu tư. Nhưng banker luôn là bài toán khó của các IB quốc tế, càng khó giải đối với các IB Việt Nam, khi mặt bằng chất lượng banker còn nhiều hạn chế.

 

Ông Quỳnh, Công ty Chứng khoán Thiên Việt, phân tích, IB là dịch vụ mua bán vốn nên banker phải hiểu rõ về doanh nghiệp, ngành kinh doanh của thân chủ và cả đối tác, để thiết kế những giải pháp tốt nhất. Họ cũng phải có khả năng trình bày, đàm phán về những vấn đề đa dạng, không chỉ về kinh tế, tài chính mà cả pháp lý, không chỉ trong hiện tại mà liên quan rất nhiều đến tương lai và phải có hiểu biết sâu sắc về tình hình thị trường vốn. Ông nói: “Thử hình dung những người có năng lực như vậy hiếm đến mức nào. Thị trường lao động thế giới đánh giá banker thuộc nhóm lao động hiếm và đắt nhất”.

Bên cạnh đó, còn có một thách thức khác nảy sinh từ khía cạnh mối quan hệ giữa nhu cầu thị trường và năng lực của banker. Thị trường vốn Việt Nam còn non trẻ, đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa sẵn sàng trả phí hoặc trả phí chưa thỏa đáng cho dịch vụ IB. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lớn của Nhà nước có nhu cầu sử dụng dịch vụ IB thì đa phần đã loại bỏ banker Việt Nam ngay từ khâu chọn thầu.

Ông Quỳnh lý giải: “Đương nhiên doanh nghiệp có lý, vì banker Việt Nam chưa đủ năng lực để gánh vác nhiệm vụ mà họ giao. Một số dịch vụ đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) hoặc niêm yết cổ phiếu cho các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, trong thời gian qua thực chất chỉ là thực hiện các thủ tục hành chính và pháp lý với mức phí rất nhỏ, chứ không phải là dịch vụ IPO theo đúng đặc trưng trên thị trường vốn”.

Thị trường chưa có nhu cầu cao về dịch vụ IB, nhưng các IB vẫn không thể trả lương thấp cho những banker có năng lực. Mặt khác, để xây dựng mối quan hệ với nhà đầu tư, các IB phải đầu tư chi phí không nhỏ. Giống như sự hình thành một doanh nghiệp mới trong bất kỳ thị trường mới nào, đó chính là “con gà và quả trứng” mà các nhà kinh doanh IB phải đối mặt.

Không chỉ có những thách thức nói trên, mô hình kinh doanh IB còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro.

GIẢI PHÁP NGÂN HÀNG ĐA NĂNG

Lợi nhuận của IB thông thường đến từ 3 hoạt động. Một là từ huy động vốn và M&A, IB được hưởng một khoản phí trên số tiền huy động được cho khách hàng. Hai là từ môi giới, IB được nhận một khoản phí để mua và bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Ba là từ đầu tư, IB có thể được hoặc mất những khoản tiền dựa trên giá trị khoản đầu tư. Hầu hết lợi nhuận của các IB nhỏ chỉ đến từ các hoạt động thuộc nhóm 1, nhưng các IB lớn đều tạo lợi nhuận trên cả 3 hoạt động. Theo đánh giá của các chuyên gia IB, phần lớn rủi ro thường đến từ hoạt động thứ 3 (hoạt động đầu tư), vì nó phụ thuộc rất nhiều vào biến động thị trường.

Phần lớn rủi ro của IB thường đến từ hoạt động thứ 3 (hoạt động đầu tư), vì nó phụ thuộc rất nhiều vào biến động thị trường.
Phần lớn rủi ro của IB thường đến từ hoạt động thứ 3 (hoạt động đầu tư), vì nó phụ thuộc rất nhiều vào biến động thị trường.

Giả sử có một ngân hàng đầu tư A, có cùng mô hình với Lehman Brothers (ngân hàng đầu tư đã tự xóa sổ trên bản đồ tài chính nước Mỹ năm 2008). Nếu tổng vốn của A là 34 (trong đó, vốn chủ sở hữu là 1, vốn vay từ ngân hàng, phát hành trái phiếu là 33) thì tài sản tương ứng là 34. Giả sử khi giá cổ phiếu của A giảm 50% (do tác động bất lợi của thị trường) thì phần tài sản chỉ còn 17, trong khi vốn vay quá lớn (33) đến hạn phải trả thì IB có thể mắc phải 2 rủi ro lớn.

Rủi ro đầu tiên là IB này không tạo được lợi nhuận kế toán. Nhưng rủi ro lớn hơn nhiều là A không có tiền mặt (hoặc vàng, kim cương, trái phiếu chính phủ có thể mua bán ngay lập tức để tạo ra tiền mặt) và cũng không thể huy động tiền mặt ngắn hạn (do không phải là ngân hàng thương mại), dẫn đến A có thể sụp đổ ngay lập tức. Đó chính là tình cảnh của nhiều IB Mỹ trong cơn bão tài chính năm 2008.

Và bài học rút ra ở đây cho mô hình IB cũng là bài học cơ bản nhất, là “vay quá nhiều thì một là thắng trước, hai là thua trước”. Đây cũng chính là lý do nhiều IB quốc tế hiện nay hướng đến mô hình ngân hàng đa năng (CB kết hợp IB).

Một vấn đề khác cũng khá quan trọng đối với IB là câu hỏi: “Khi nào tôi có thể rút khỏi các khoản đầu tư với mức lợi nhuận mong đợi?”. Một chuyên gia IB tại TP.HCM cho biết: “Với các IB, ngoài câu hỏi nên đầu tư ở đâu, đầu tư như thế nào thì quan trọng là làm thế nào để kết thúc các khoản đầu tư. Đầu tư có lãi sổ sách mà không bán được cho ai thì cũng coi như thất bại, cho nên, các IB phải tự tìm lời giải tốt nhất cho lối thoát sau này. Và nếu một khoản đầu tư không được cân nhắc kỹ lưỡng thì lối thoát ấy có thể sẽ mang lại nhiều rủi ro không thể lường trước”.

Nói về rủi ro xấu nhất, mô hình IB Việt Nam sẽ khó lâm vào tình cảnh phá sản như các IB của Mỹ. Vì IB tại Việt Nam dù được xem là “pháp nhân độc lập” nhưng vẫn phải có một định chế tài chính “chống lưng”, chẳng hạn như các IB nằm trong công ty chứng khoán hay ngân hàng đa năng.