Chính phủ Trung Quốc tăng cường đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn trước các lệnh hạn chế gây khó khăn từ Mỹ. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Khánh Tú Thứ Năm | 04/05/2023 10:20

Trung Quốc dự kiến bơm 7 tỉ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn

Trước các lệnh hạn chế ngày càng khó khăn từ Mỹ, chính phủ Trung Quốc quyết định hỗ trợ các công ty tăng cường chuỗi cung ứng chip trong nước.

Các công ty bán dẫn Trung Quốc có kế hoạch chi 50 tỉ Nhân dân tệ, tương đương 7,26 tỉ USD, với sự hỗ trợ từ nhà nước nhằm tăng năng suất chuỗi cung ứng chip trong nước khi Mỹ tìm cách hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.

“Chúng ta không thể tránh khỏi sự phân tách trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tự sản xuất máy móc và vật liệu cần thiết”, ông Chiu Tzu-Yin, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Silicon Quốc gia (NSIG), “gã khổng lồ” được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, phát biểu tại một hội nghị về chuỗi cung ứng chip được tổ chức ở Quảng Châu, Trung Quốc.

Các công ty sản xuất thiết bị và vật liệu sản xuất chip nội địa tăng trưởng nhanh chóng nhờ vào sự hỗ trợ và đầu tư nằm trong kế hoạch “Made in China 2025” của nhà nước Trung Quốc giữa bối cảnh các lệnh hạn chế từ Mỹ khiến việc nhập khẩu máy móc sản xuất chip gặp khó khăn.

 

Theo báo cáo của truyền thông Trung Quốc,khoảng 35% nhà máy bán dẫn Trung Quốc sử dụng thiết bị nội địa trong năm 2022, tăng từ mức 21% năm 2021. Một nguồn tin cho biết chỉ bốn tháng đầu năm 2023, các công ty bán dẫn nội địa Trung đã giành được gần một nửa gói thầu thiết bị cho các nhà sản xuất chip hàng đầu. “Xung đột chính trị toàn cầu có thể mở ra “thời kỳ hoàng kim” cho lĩnh vực sản xuất máy móc, chế tạo vật liệu bán dẫn ở Trung Quốc”, ông David Wang, Giám đốc Điều hành của ACM Research nhận định. 

Naura Technology Group, Tập đoàn chuyên sản xuất thiết bị sản xuất chip hàng đầu tại Trung Quốc, đã thu về 14,6 tỉ Nhân dân tệ (2,18 tỉ USD) trong năm 2022, con số này tăng gấp 6 lần so với năm 2017. Năm 2018, doanh nghiệp này đã mua lại công ty sản xuất thiết bị làm sạch wafer của Mỹ và mở rộng danh mục kinh doanh của mình. Trong khi đó, Advanced Micro-Fabrication Equipment, công ty đứng thứ 2 Trung Quốc trong lĩnh vực này, cũng ghi nhận doanh thu tăng gấp 5 so với số liệu năm 2017. Hãng Nikkei Asia đưa tin Naura đã đầu tư 3,8 tỉ Nhân dân tệ (551 triệu USD) xây dựng nhà máy sản xuất ở Bắc Kinh, còn Advanced Micro đầu tư 1,5 tỉ Nhân dân tệ (217 triệu USD) cho nhà máy ở Thượng Hải.

Naura Technology Group là Tập đoàn chuyển sản xuất thiết bị sản xuất chip lớn nhất ở Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia.
Naura Technology Group là Tập đoàn chuyển sản xuất thiết bị sản xuất chip lớn nhất ở Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia.

Năm 2022, Trung Quốc lần thứ ba liên tiếp dẫn đầu trong cuộc đua doanh số bán thiết bị sản xuất chip trên toàn thế giới. Được biết, năm 2022, doanh thu từ việc bán thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc đạt mốc 52 tỉ Nhân dân tệ, tương đương 7,54 tỉ USD. Nhiều ý kiến cho rằng những con số trên sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023 khi các lệnh hạn chế từ Mỹ khiến nhu cầu mua nội địa tăng cao. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đang lên kế hoạch bổ sung gói hỗ trợ hơn 1.000 Nhân dân tệ cho các công ty trong nước trước sự cạnh tranh ngày càng leo thang với Washington. 

Các công ty nước ngoài cũng đang để mắt đến các cơ hội tốt ở Trung Quốc, thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới. Theo tổ chức nghiên cứu ChipInsights của Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới chiếm khoảng 30% tổng doanh số bán hàng của ba công ty sản xuất thiết bị sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ trong năm 2022.