Trung Quốc đối mặt với "thập kỷ lạc lối" khi dân số già bùng nổ
Nằm ở cửa sông Dương Tử và Hoàng Hải là thành phố Nam Thông của Trung Quốc, nơi này có rất nhiều cư dân cao tuổi, thoạt nhìn có vẻ giống như một cộng đồng hưu trí, nhưng thực chất chỉ có một vài người đã nghỉ hưu.
Những người cao tuổi tại thành phố vẫn đang làm những công việc như bảo vệ nhà máy, điều hành các cửa hàng gia đình, rửa chén dĩa, phục vụ thực khách tại các quán ăn địa phương, làm đồng án hoặc các công việc khác.
Một cụ bà 76 tuổi ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, chăm sóc trang trại hạt cải dầu của mình. Hai người con trai của bà đã đến sống và làm việc ở Thượng Hải hơn 30 năm trước. Ảnh: CK Tan. |
Xét về mặt nhân khẩu học, Nam Thông ngày nay là thành phố có dân số già nhất ở Trung Quốc. Được biết đến là cái nôi của nền công nghiệp hóa hiện đại của Trung Quốc, nơi các nhà máy dệt đầu tiên của đất nước được xây dựng vào những năm 1890. Nhưng thời kỳ vinh quang trước đây của Nam Thông bắt đầu phai nhạt vào những năm 1990, khi quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở các thành phố Tô Châu và Thượng Hải đã thu hút người dân địa phương rời đi. Ngày nay, thành phố đang già đi nhanh chóng.
Cũng vì thế, Nam Thông phản ánh không chỉ quá khứ mà còn cho thấy tương lai của Trung Quốc: nhân khẩu học của thành phố hiện giống như các dự đoán chính thức của Trung Quốc về việc toàn bộ đất nước sẽ trông như thế nào vào năm 2035, nếu các xu hướng hiện tại được duy trì. Nhiều trường học đã đóng cửa hoặc sáp nhập, và các hiệu thuốc bán nhiều tã cho người lớn hơn trẻ em.
Vào tháng 1, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã xác nhận điều mà các học giả và nhà kinh tế dự đoán, dân số Trung Quốc sẽ giảm vào năm 2022, giảm mạnh từ 850.000 người xuống còn 1,412 tỉ người.
Lần gần nhất dân số Trung Quốc giảm từ năm này qua năm khác là vào năm 1961, khi nạn đói diễn ra. Nhưng đó là sự suy giảm dân số tạm thời trong ngắn hạn. Còn hiện tại, sự suy giảm được dự báo sẽ kéo dài, khó có thể đảo ngược và là hệ quả của “chính sách một con” để kìm hãm đà sinh suốt hơn 3 thập kỷ. Theo các nhà phân tích, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu tác động sâu rộng do tình hình nhân khẩu học này.
Hồi chuông cảnh giác
Với dân số giảm sâu vào năm 2022, Trung Quốc đã chính thức gia nhập câu lạc bộ các nền kinh tế lớn của châu Á có dân số già. Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong đó Hàn Quốc có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới. Singapore, Thái Lan và Đài Loan cũng là những nền kinh tế đang chứng kiến dân số suy giảm. Trong khi đó, Việt Nam, Philippines và nhiều quốc gia khác đang chứng kiến tốc độ tăng dân số giảm sút.
Ở những quốc gia may mắn nhất, tình trạng già hóa xảy ra khi đất nước đang ở trạng thái tương đối thịnh vượng, đồng nghĩa rằng người cao tuổi có thể hưởng cuộc sống về hưu thoải mái. Ví dụ điển hình là Nhật Bản, nơi đạt mức thu nhập trung bình thuộc top đầu thế giới trước khi dân số bắt đầu già hóa.
Dân số năm 2022 của Trung Quốc đã giảm, lần đầu tiên sau 6 thập kỷ. Ảnh: Nikkei Asia. |
“Nhật Bản già sau khi giàu”, bà Lauren Johnston, Phó Giáo sư của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney. "Vì vậy, ở đây có một thế hệ sau chiến tranh, hay những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh cổ điển (baby boomer), sống một cuộc sống thoải mái ở mỗi giai đoạn của cuộc đời", bà cho biết thêm.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại khác, "kém may mắn" hơn. Nước này sẽ phải đối mặt với vấn đề dân số trong bối cảnh kinh tế rất khác. Đó là Trung Quốc chưa phải quốc gia có thu nhập cao. Và sự suy giảm dân số có thể kéo tụt tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khi dân số về hưu khổng lồ sẽ tiêu tốn một phần nguồn lực lớn hơn bao giờ hết. Một số nhà phân tích dự báo rằng Trung Quốc đang hướng tới thảm họa khi lực lượng lao động suy giảm hơn nữa, trong khi các quỹ hưu trí cạn thiệt và hệ thống y tế bị quá tải.
Thật vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về tỉ lệ sinh giảm. Tỉ lệ sinh của nước này đã giảm xuống dưới 1,1 trong năm 2022, trong khi tỉ lệ cần thiết để duy trì dân số là 2,1.
Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải dự báo dân số Trung Quốc có thể giảm xuống chỉ còn 587 triệu người vào năm 2100, chưa bằng một nửa so với hiện nay. Điều này đồng nghĩa cứ 100 người trong độ tuổi lao động ở nước này thì sẽ có 120 người già cần hỗ trợ.
Nguồn cơn già hóa
Tình trạng thiếu trẻ em hiện nay bắt nguồn từ 3 thập kỷ theo đuổi chính sách một con được đưa ra vào năm 1980 và kết thúc vào năm 2016. Sau khi cuộc điều tra dân số năm 2020 gióng lên hồi chuông cảnh báo, các gia đình Trung Quốc được cho phép sinh 3 con. Nhưng ngay cả như vậy, hầu hết các cặp vợ chồng đều chọn sinh một con và tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên tiếp tục giảm.
Tỉ lệ sinh tại Châu Á giảm đều. Ảnh: Nikkei Asia. |
Bất ổn kinh tế là một yếu tố khác dẫn đến tỉ lệ sinh giảm: Ít người kết hôn hơn do chi phí chăm lo gia đình cao hơn và những thay đổi pháp lý khiến việc ly hôn trở nên khó khăn hơn.
Không chỉ vậy, các chính sách chống dịch COVID-19 hà khắc của Trung Quốc cũng vào thực trạng này, kéo dài sự bất ổn và làm chậm tăng trưởng kinh tế. Năm ngoái, khi Thượng Hải bị phong tỏa vào tháng 5, cụm từ "thế hệ cuối cùng" đã lan truyền nhanh chóng, cho thấy tâm trạng vô vọng và thờ ơ góp phần làm giảm tỉ lệ sinh ở nước này.
Thập kỷ lạc lối
Theo kinh nghiệm rút ra từ các quốc gia tương tự, sự suy giảm dân số của Trung Quốc sẽ được cảm nhận qua hệ thống kinh tế. Như ở Nhật Bản, vấn đề này đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động, tiêu dùng chậm lại, khu vực sản xuất bị đào thải, thâm hụt ngân sách lớn hơn và lãi suất thấp hơn. Nhưng mối quan tâm trước mắt là tác động đến nhu cầu nhà ở.
"Thập kỷ lạc lối" của Nhật Bản với tăng trưởng kinh tế đi ngang và giảm phát bắt đầu xảy ra sau khi bong bóng thị trường bất động sản vỡ vào năm 1991. Nguyên nhân một phần là sự bùng phát dân số già. Tình trạng thừa cung bất động sản đột ngột xuất hiện khi nhu cầu giảm.
Các chuyên gia chỉ ra độ trễ về sự già hóa dân số giữa Nhật Bản và Trung Quốc chỉ là khoảng 15-20 năm. Dân số trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc bắt đầu giảm vào năm 2015 so với năm 1995 ở Nhật Bản. Còn sự suy giảm dân số bắt đầu xảy ra ở Trung Quốc vào năm 2022 so với năm 2008 ở Nhật Bản.
Hệ thống lương hưu của Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng. Ảnh: Getty Images |
Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự như Nhật Bản, với số người trong độ tuổi lao động ít hơn trong dài hạn và chi phí an sinh xã hội tăng mạnh.
Nhiều người về hưu lớn tuổi ở Trung Quốc dựa vào tiền trợ cấp hưu trí nhà nước như một nguồn thu nhập quan trọng sau nhiều năm làm việc với mức lương thấp. Các nhà kinh tế cho biết hệ thống lương hưu hiện tại do chính quyền cấp tỉnh quản lý nhưng sẽ cần phải được cải cách.
Trong hệ thống hưu trí phân mảnh của Trung Quốc, chính quyền các tỉnh khó khăn hơn sẽ nhận tiền mặt từ các khu vực giàu có hơn. Hệ thống trả lương tại nước này theo kiểu lực lượng lao động đang làm việc chịu trách nhiệm trả tiền lương hưu cho những người đã về hưu.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và dòng người lao động nhập cư đổ về các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm cũng đồng nghĩa với việc các chính quyền nông thôn có ít người đóng tiền vào các chương trình hưu trí địa phương hơn.
Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã cảnh báo vào năm 2019 rằng quỹ hưu trí của nước này sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2035, nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề.
Bản chất bấp bênh của vấn đề này đã được đưa ra ánh sáng vào tháng trước khi những người về hưu tổ chức một cuộc biểu tình hiếm hoi. Hàng trăm người hưu trí đã tập trung trên các đường phố ở trung tâm thành phố Vũ Hán để phản đối những thay đổi đối với chính sách bảo hiểm y tế của chính phủ sẽ làm giảm các khoản thanh toán bảo hiểm của họ.
Có thể bạn quan tâm: