Về cơ bản, khi tháo gỡ được một số điểm nghẽn sẽ tạo thêm động lực cho tăng trưởng. Ảnh: Quý Hòa

 
Lam Hồng Thứ Hai | 17/07/2023 13:41

Trụ đỡ tăng trưởng cuối năm

Các động lực tăng trưởng gồm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng sẽ được hỗ trợ nhiều ngay từ quý III này.

Dữ liệu được Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 6 cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý II đạt 4,14%. Như vậy, nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm đã tăng 3,72% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức 6,46% trong nửa đầu năm 2022. Những con số này phản ánh tình hình thực tế khi nhiều doanh nghiệp đã suy kiệt trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động. Thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ảm đạm, ảnh hưởng đến các ngành có liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế có phần suy giảm. Người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, giảm tiêu dùng không thiết yếu...

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% thì tăng trưởng quý III tối thiểu phải đạt 7,4% và quý IV phải 10,3%. “Đây là 2 con số rất thách thức trong bối cảnh từ nay đến cuối năm khó khăn nhiều hơn thuận lợi”, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa nhận.

Với tốc độ phục hồi yếu hơn so với kỳ vọng trong quý II, Ngân hàng UOB (Singapore) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ rất khó đạt được mức tăng trưởng 6% được Ngân hàng đưa ra trước đó. Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tăng trưởng ảm đạm này, theo UOB, tiếp tục đến từ hoạt động sản xuất và nhu cầu bên ngoài sụt giảm. Cụ thể, xuất khẩu nửa đầu năm đã giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái do không có tháng nào tăng kể từ cuối năm 2022. Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân và FDI gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2023 do triển vọng kinh tế toàn cầu bất định, điều kiện tín dụng toàn cầu thắt chặt hơn và thị trường bất động sản trong nước đóng băng.

 

Báo cáo của các chuyên gia VNDirect cho rằng một loạt chính sách hỗ trợ được ban hành trong thời gian qua sẽ góp phần gỡ dần các nút thắt hiện nay của nền kinh tế. Đó là các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp, giải tỏa nguy cơ gia tăng nợ xấu, cải thiện triển vọng tăng trưởng tín dụng... 

Về cơ bản, khi tháo gỡ được một số điểm nghẽn sẽ tạo thêm động lực cho tăng trưởng. Tuy nhiên, các yếu tố bên ngoài vẫn là thách thức cho đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, nền kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn trong nửa cuối năm 2023 và 2024, gồm môi trường lãi suất cao, những tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine và sự thắt chặt tín dụng do bất ổn của lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ và châu Âu. Do đó, hầu hết các tổ chức nghiên cứu chỉ kỳ vọng vào sự hồi phục nhẹ của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

Trong bối cảnh đó, đối với kinh tế Việt Nam, chính sách nới lỏng tài khóa và lãi suất trong nước giảm là 2 yếu tố chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Về triển vọng những tháng cuối năm, chuyên gia của Ngân hàng UOB cho rằng mặc dù các lĩnh vực trong nước đã hoạt động tốt lên, đặc biệt với các biện pháp tích cực gần đây bao gồm cắt giảm lãi suất cơ bản và thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng những biện pháp này vẫn chưa đủ. Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng như lĩnh vực sản xuất và ngoại thương sẽ cần trở lại bình thường để đóng góp mạnh mẽ hơn cho tăng trưởng của nền kinh tế.

“Ngân hàng Nhà nước đã thiên về chính sách nới lỏng hơn và nhiều khả năng sẽ có thể tiếp tục hạ lãi suất trong quý III”, báo cáo UOB đưa ra nhận định trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu yếu với khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước, việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6 và có thể giảm lãi suất vào năm 2024, cũng như niềm tin vào tỉ giá VND/USD ổn định bất chấp các đợt giảm lãi suất trước đó. 

 

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng: “Triển vọng của quý III và IV sẽ tốt hơn nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư công”. Trong bối cảnh đầu tư của khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là động lực quan trọng góp phần vào tăng trưởng chung.

Báo cáo của VNDirect cũng cho rằng, các yếu tố hỗ trợ chính cho nền kinh tế từ nay đến cuối năm đến từ: (1) Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng; (2) Lãi suất cho vay giảm giúp kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân; (3) Lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi, đặc biệt từ Trung Quốc; (4) Các đơn hàng xuất khẩu nông sản và sản phẩm công nghiệp của Việt Nam có thể phục hồi từ quý IV trong bối cảnh hàng tồn kho tại các nước phát triển giảm.

“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ có bước ngoặt lớn vào quý IV, với các biện pháp hỗ trợ tiền tệ gia tăng. Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III, đưa lãi suất điều hành về 4%”, báo cáo của Ngân hàng HSBC đánh giá.  Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC cũng lưu ý những hạn chế tài khóa đến từ thiếu hụt nguồn thu, dẫn đến giới hạn gói giải cứu tài khóa “trọn gói”.

Có thể bạn quan tâm:

Làn sóng sa thải toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt