Kim cương từ lâu luôn được coi là một loại trang sức thể hiện tính sang trọng và quý tộc.
Trú ẩn trong kim cương
Thống kê trong 40 năm cho thấy, kim cương có khả năng giữ và tăng giá đến 85% giai đoạn bất ổn. Không chỉ còn là món trang sức đắt tiền, kim cương đang dần trở thành lựa chọn đầu tư ưu việt cho giới thượng lưu.
SIÊU TÀI SẢN
Kim cương từ lâu luôn được coi là một loại trang sức thể hiện tính sang trọng và quý tộc, sở hữu một bộ trang sức kim cương chất lượng cao có thể khiến chủ nhân của nó trở nên nổi bật. Các viên kim cương chất lượng cao, có cấp giấy chứng nhận quốc tế GIA đang được giao dịch ngoài thị trường với đơn vị hàng tỉ đồng.
Một số viên kim cương được tìm thấy hiện nay có tuổi đời lên tới hàng tỉ năm tuổi, gần bằng số tuổi của Trái đất. |
Sự đắt đỏ này được lý giải từ tính siêu hiếm của kim cương, kim loại này chỉ được hình thành dưới áp lực trên 5 gigapascal trong độ sâu hơn 100 km trong lòng đất, đồng thời nhiệt độ phải vượt ngưỡng 1.300OC. Điều kiện vật lý vô cùng khắc nghiệt khiến kim cương luôn có giá trị cao vượt trội so với các kim loại khác. Đáng chú ý, độ “già” của kim cương là yếu tố đặc biệt thu hút tính sở hữu, một số viên kim cương được tìm thấy hiện nay có tuổi đời lên tới hàng tỉ năm tuổi, gần bằng số tuổi của Trái đất. Với những đặc tính riêng biệt đó, không ngạc nhiên khi kim cương luôn vượt trội về mặt giá trị và thẩm mỹ so với các loại trang sức khác, đặc biệt là vàng. Tuy vậy, khá thú vị vì ngay cả khi so sánh về mặt đầu tư và tích lũy tài sản, một đặc quyền tưởng chừng là trăm năm của vàng, thì kim cương thậm chí đang có phần vượt trội hơn kim loại truyền thống này.
Theo số liệu của Rapaport, tính từ năm 1982 đến cuối năm 2021, chỉ số giá kim cương Rapaport Diamond Index (RDI) loại 5 carat đã tăng đến 4,73 lần, cao hơn mức tăng 4,11 lần của giá vàng. Giá kim cương đã tăng trung bình 4,1%/năm trong gần 40 năm qua, so với mức tăng 3,7% của vàng, xét trong cùng một thời kỳ.
Về tính ổn định, kim cương có khả năng giữ và tăng giá đến 85% thời gian trong 40 năm qua, với năm sụt giá nhiều nhất chỉ ở mức -6%. Tăng trưởng nhiều hơn với độ rủi ro ít hơn, thực tế cho thấy về mặt đầu tư và tích lũy tài sản, kim cương đang hấp dẫn hơn hẳn vàng.
“Kim cương không chỉ là sản phẩm giúp chủ nhân khi đeo lên người sẽ khẳng định được vị trí, đẳng cấp của mình trong xã hội mà còn là một trong những kênh tích lũy tài sản an toàn và hiệu quả”, bà Nguyễn Thanh Vân, Tổng Giám đốc Công ty Sherlyn Diamond, nhận định.
Trong tương lai, mức tăng giá của kim cương được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ổn định, do nguồn cung kim cương tự nhiên được cho là đã chạm đỉnh vào giai đoạn 2018-2019 và sẽ duy trì sự ổn định trong vài thập kỷ tới. “Tôi không tìm thấy lý do nào chống lại được sự tăng trưởng trong trung, dài hạn của ngành kim cương. Đây là giai đoạn tích cực nhất mà tôi từng được thấy trong sự nghiệp của mình”, ông Bruce Cleaver, CEO Tập đoàn De Beers, tập đoàn kim cương lớn nhất thế giới, cho biết.
Còn theo dự báo của Statista, sự thiếu hụt nguồn cung kim cương thế giới sẽ tăng liên tục từ mức 41 triệu carat vào năm 2022, lên mức thiếu hụt 278 triệu carat vào năm 2050. Điều đó sẽ càng thúc đẩy sự tăng giá của loại tài sản đắt đỏ này. Có thể thấy, De Beers đã tăng giá bán ở hầu hết phiên đấu giá từ năm 2021 đến nay, khiến giá của những viên có kích thước lớn tăng 5-10%.
HẦM TRÚ ẨN CỦA GIỚI THƯỢNG LƯU
Để có thể khai thác được 1 carat kim cương (tương đương 0,2 gram), ước tính công nhân phải đào khoảng 250 tấn đất đá, với độ sâu lên tới 140 km. Bên cạnh đó, công ty kiểm định kim cương uy tín nhất thế giới là GIA luôn hướng đến mục đích bảo vệ môi trường. Vì lẽ đó, GIA chỉ cấp giấy chứng nhận cho những viên kim cương của các công ty khai thác có cam kết bảo vệ môi trường và hạn chế sản lượng khai thác.
Nhu cầu lớn nhưng nguồn cung hạn chế đã khiến kim cương mang 2 đặc tính riêng biệt: tăng trưởng ổn định nhưng bán với giá rất cao. Điều này khiến việc đầu tư vào kim cương dường như chỉ là câu chuyện riêng của giới thượng lưu, những người duy nhất trong xã hội có đủ khả năng sở hữu. Đặc tính của giới thượng lưu là nắm giữ tài sản phần lớn ở dạng cổ phiếu và bất động sản, những tài sản có khả năng tăng giá trong các điều kiện vĩ mô lành mạnh và ổn định, nhưng lại bị tổn thương khi có yếu tố khủng hoảng và bất ổn xảy ra. Đây lại là những giai đoạn mà kim cương tỏa sáng nhất, giúp kim loại này trở thành mảnh ghép hoàn hảo trong danh mục của giới siêu giàu.
Số liệu từ Rapaport cho thấy trong tất cả những năm thế giới gặp khủng hoảng và chỉ số chứng khoán Dow Jones giảm điểm, giá kim cương vẫn luôn duy trì mức sinh lợi dương hoặc ít nhất là đi ngang. Còn tính riêng trong đại dịch, ông Avi Krawitz, chuyên gia phân tích cao cấp của Rapaport cho biết: “Bất chấp các biến động của thị trường và sự gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra, tính trong năm 2021, ngành công nghiệp kim cương và đồ trang sức đã có sự bùng nổ lớn nhất trong hơn 1 thập kỷ qua”.
Theo khảo sát của Bain & Company, sau đại dịch, có từ 75-80% người tiêu dùng cho biết họ có ý định chi tiêu bằng hoặc nhiều hơn cho trang sức kim cương so với số tiền trước khi dịch xảy ra. Sở hữu kim cương như một lớp tài sản đầu tư giúp danh mục tài sản của giới siêu giàu tăng độ ổn định và gia cố tính bảo vệ, đặc biệt trong các giai đoạn khủng hoảng. Thực tế, những xung đột chính trị gần đây của Nga và Ukraine một lần nữa tạo điều kiện cho kim cương tỏa sáng. Do Nga có trữ lượng kim cương rất lớn, tình hình chiến sự đã khiến nguồn cung kim cương thô thế giới bị sụt giảm đáng kể, đồng thời nhu cầu trú ẩn tài sản của giới tỉ phú cũng khiến nguồn cầu tăng mạnh.
Sở hữu kim cương như một lớp tài sản đầu tư giúp danh mục tài sản của giới siêu giàu tăng độ ổn định. |
Số liệu của Rapnet tính đến tháng 3/2022 cho thấy giá nhiều loại kim cương vẫn tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, trong đó kim cương 3.00 carat đã ghi nhận mức tăng đột biến 38% so với cùng kỳ. Quan trọng nhất, tính hấp dẫn của đầu tư kim cương còn đến từ giá trị quy đổi rất cao của tài sản này, với mức giá trung bình lên tới hơn 60.000 USD/carat, những người giàu có thể “nén” khối tài sản khổng lồ của mình vào những viên kim cương có kích thước nhỏ bé, giúp tăng tính di động của tài sản và dễ dàng trong công tác lưu trữ, bảo vệ.
Không chỉ hấp dẫn với giới siêu giàu, kim cương còn mang tính thương hiệu của nhiều người nổi tiếng, từ thế giới như vợ chồng Beyonce và Jay-Z, Lady Gaga cho tới người nổi tiếng ở Việt Nam như Hồ Ngọc Hà, Lý Nhã Kỳ, Lệ Quyên... Trong đó, nhiều nghệ sĩ Việt còn lấn sân sang mảng kinh doanh kim cương, như thương vụ đầu tư 2 triệu USD và giữ chức Chủ tịch Deam Diamond của diễn viên Lã Thanh Huyền vào tháng 5/2021. Hay cơ ngơi trăm tỉ đồng của diễn viên, doanh nhân Lý Nhã Kỳ trong ngành bán lẻ trang sức.
THỊ TRƯỜNG KIM CƯƠNG CHUYỂN MÌNH
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Việt Nam là thị trường tiêu dùng vàng lớn nhất Đông Nam Á và có tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Khảo sát này cho thấy, người Việt Nam tin rằng vàng là một biện pháp bảo vệ tài sản tốt. Vàng là sản phẩm đầu tư hàng đầu của người Việt Nam, chiếm 68% nhà đầu tư, nhiều hơn bất kỳ sản phẩm đầu tư nào khác. Tuy nhiên, cùng với tầng lớp trung lưu và giàu có tăng lên, chuyển từ nhu cầu tích trữ sang làm đẹp sẽ thúc đẩy thị trường trang sức cao cấp hơn, trong đó có kim cương.
Theo Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) mới nhất của Knight Frank, lượng dân số siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 26% trong giai đoạn từ nay đến năm 2026. Số lượng người siêu giàu này sẽ nhanh chóng tạo ra nhu cầu rất lớn đối với ngành kim cương. “Bên cạnh xu thế làm đẹp thì dòng sản phẩm trang sức cao cấp đang được nhiều người đặc biệt chú ý đến. Trong đó, thị trường kim cương ở Việt Nam đang rất phát triển và có nhiều tiềm năng”, đại diện của Sherlyn Diamond cho biết.
Cần phải nhớ lại là nhiều năm qua, thị trường kim cương tại Việt Nam có tính bảo toàn vì chỉ nhập mà không xuất khẩu. Thị trường này bị ảnh hưởng lớn bởi kim cương lậu, có nguồn gốc từ “kim cương máu” được khai thác ở các nước châu Phi. Được coi là thị trường ngách có giá trị khoảng 200 triệu USD/năm cách đây 1 thập niên, những người mua kim cương hạn chế trong nhóm những người rất giàu có, dùng kim cương để trang sức hoặc tài sản tích trữ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thị trường trang sức cao cấp và nhu cầu đa dạng của người mua, thị trường kim cương tại Việt Nam đang có những biến chuyển mạnh mẽ. Kim cương trở nên thông dụng hơn với các loại trang sức vàng đính sẵn kim cương thiên nhiên có giá vừa phải. Cùng với đó, sự xuất hiện của nhiều đơn vị kiểm định như GIA, SJC Rồng Vàng, SJC Chợ Lớn, PNJ, SBJ... giúp thị trường trở nên minh bạch và chuyên nghiệp hơn, mang lại sự an tâm cho khách hàng.
Về phía doanh nghiệp, các chuỗi bán lẻ kim cương cũng đã có những động thái trong việc nắm bắt nhu cầu này. Có thể kể đến thương vụ thâu tóm Thế Giới Kim Cương của Tập đoàn Doji năm 2020. Sau M&A, Doji đã tăng gấp đôi số lượng cửa hàng, lên đến gần 200 điểm bán trên toàn quốc. Tuy nhiên, Doji vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách với Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), nhà bán lẻ trang sức số 1 Việt Nam hiện sở hữu hơn 300 cửa hàng, đồng thời có kế hoạch tham vọng mở rộng mạng lưới lên 500 cửa hàng vào năm 2025.
Trong năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh và phải chịu lỗ 3 tháng liên tiếp trong quý III, nhưng PNJ vẫn hoàn thành doanh thu và lợi nhuận khá tốt, trong đó đáng chú ý biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ trang sức đã tăng nhẹ trong năm nay. Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, biên lợi nhuận của PNJ mở rộng là do đóng góp gia tăng của dòng sản phẩm cao cấp kết hợp kim cương có biên lợi nhuận cao trong năm nay. BSC cũng cho rằng trong năm 2022, PNJ sẽ đẩy mạnh các sản phẩm cao cấp, kết hợp kim cương, nhằm phục vụ các đối tượng có thu nhập cao không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.
PNJ vẫn hoàn thành doanh thu và lợi nhuận khá tốt dù phải chịu lỗ liên tục 3 tháng vì dịch bệnh COVID-19. |
Không chỉ PNJ mà nhiều chuỗi trang sức khác cũng đã phải thay đổi để tồn tại trong đại dịch, các nhà bán lẻ kim hoàn đang tích cực sử dụng mạng di động, dữ liệu lớn, chuỗi cung ứng điện tử và thậm chí cả blockchain để liên tục nâng cấp quy trình kinh doanh, đồng thời trang bị các thiết bị đầu cuối thông minh tại các cửa hàng. Cách làm này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cắt giảm nhiều khâu trung gian và tạo dựng được sự kết nối với khách hàng để tạo ra những sản phẩm phù hợp hơn.
“Mua hàng xa xỉ , trong đó có trang sức làm từ vàng, đá quý trực tuyến đã trở thành xu hướng ở Việt Nam”, bà Phan Bích Tâm, Giám đốc Toàn quốc của MMA Việt Nam, nhận định. Ngành kinh doanh kim cương Việt Nam đang có sự chuyển mình tích cực trong cả phía cung lẫn phía cầu. Với tốc độ tăng trưởng chóng mặt lớp người siêu giàu, trong thời gian tới, kim cương có lẽ không chỉ còn là món đồ trang sức của những người giàu có, mà còn là một phân lớp tài sản đầu tư quan trọng của giới thượng lưu.