Bến du thuyền tại TP.HCM.
Triệu USD mua hạnh phúc?
Việt Nam tuy chỉ là đất nước nhỏ bé trên bản đồ thế giới nhưng lại là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới về số lượng người siêu giàu (theo đánh giá của Henley & Partners, Anh). Đây là những người đã có trong tay 100 triệu USD trở lên. Nếu tính tổng chung, theo Knight Frank, năm 2021 Việt Nam có 72.135 người là triệu phú USD, xếp thứ 4 ở Đông Nam Á. Knight Frank dự báo đến năm 2026, có khoảng 114.807 người Việt đạt mức triệu phú USD. Như vậy, chỉ hơn 3 năm nữa, cứ 850 người Việt Nam sẽ có 1 triệu phú USD. Con số này có liên quan đến chỉ số hạnh phúc của Việt Nam?
HÀNH TRÌNH TRIỆU USD
Một triệu USD là con số định lượng về sự thành công tài chính tại Việt Nam. Nhiều chương trình tư vấn tài chính trên truyền hình, báo chí đưa câu chuyện về khoản tiền triệu USD đầu tiên của nhiều doanh nhân thành đạt để nói về dấu mốc thành công đầu tiên của họ.
“Có rất nhiều con đường để từ rất ít tiền đạt đến 1 triệu USD“, ông Hans Nguyễn, Quản lý Cao cấp Đào tạo kênh phân phối Dragon Capital Việt Nam, đúc kết. Đó có thể là con đường đầu tư, như Nguyễn Hoàng Giang, cựu CEO của Công ty Chứng khoán VNDirect, từng thực hiện. Hay ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NextTech Group, đã kiếm triệu USD đầu tư từ việc xây dựng nền tảng công nghệ, lập doanh nghiệp và bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài...
Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, còn có một số con đường khác đưa mỗi người tới đích 1 triệu USD như thừa kế, trúng số, hôn nhân, kinh doanh, bất động sản, showbiz, internet (YouTube/TikTok), mở B2B/B2C... Với những dạng “bỗng dưng mà giàu” như thừa kế, kết hôn, trúng số, rất ít người đạt được. Còn cách thức giàu nhanh như lập startup với những ý tưởng thật độc đáo, đột phá, có những tài năng đặc biệt thì theo ông Hans, “chỉ 1/10 người làm được”. Đa số đều phải theo con đường giàu chậm, tức làm giàu trên “4 vũ khí” bắt buộc: vốn, kiến thức, cơ hội và thời gian.
Với quan điểm tương tự, ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, tư vấn cho người trẻ, trước khi nghĩ tới mục tiêu triệu USD hay tự do tài chính, mỗi người phải nỗ lực kiếm tiền, tiết kiệm tiền. Tiền kiếm được phải vượt trội hơn mức chi tiêu thì mới có khoản dư dả để tích lũy, đầu tư. Tự do tài chính về hưu sớm (Financial Independence Retire Early - FIRE) là một trào lưu bắt nguồn từ phương Tây và được người Việt Nam hưởng ứng trong những năm gần đây. Theo nghiên cứu của 3 giáo sư thuộc Đại học Trinity Texas, những ai muốn đạt tự do tài chính phải đạt đến số tiền tối thiểu 25 lần mức chi tiêu 1 năm. Ông Lâm Minh Chánh lưu ý, để có được số tiền lớn đó, người trẻ phải tiết kiệm hằng tháng và phải biết đầu tư để tiền sinh ra tiền. Tiền lãi sinh ra cũng được đưa vào để sinh lãi. Liên tục như vậy suốt 15, 20 năm thì mới tạo ra số tiền lớn. Lãi từ số tiền lớn này sẽ đảm bảo cho cuộc sống về hưu sớm. Nếu số lãi sau lạm phát bằng với thu nhập hiện tại thì người đó đạt độc lập tài chính. Nếu số lãi sau lạm phát cao hơn thu nhập nhiều lần thì người đó đạt tự do tài chính. Hành trình đạt đến tự do tài chính của mỗi người sẽ rất khác nhau, tùy theo thu nhập của từng người. Có người cần 1 triệu USD, có người cần 10 tỉ đồng, nhưng có người chỉ cần đạt 2,3 tỉ đồng là đã đạt độc lập tài chính.
Dù mục tiêu của mỗi người là khác nhau nhưng tự do tài chính luôn được xem là hành trình không dễ dàng, rất cần sự bền bỉ, nhất là với những ai làm công ăn lương. Bởi mỗi người phải liên tục nâng cấp bản thân, học hỏi không ngừng để tăng khả năng kiếm tiền cũng như biết cách quản lý, sử dụng tiền hiệu quả, biết cách bảo vệ và đầu tư tiền. Ông Lâm Minh Chánh tính toán nếu một người thu nhập 50 triệu đồng, chi tiêu 42,5 triệu đồng, dư ra 7,5 triệu đồng/tháng, có sẵn khoản tiết kiệm chừng 200 triệu đồng, lại biết cách đầu tư sinh lời ở mức 12-13%/năm thì sau khoảng 15-20 năm có thể chạm tới tự do tài chính (tính cả yếu tố lạm phát). Trường hợp cá nhân tích lũy được nhiều hơn, biết cách đầu tư ở mức lời cao hơn (15-20%/năm) thì có thể rút ngắn hành trình và có thể đạt đến triệu USD.
MỐI LIÊN HỆ TIỀN BẠC VÀ HẠNH PHÚC
“Tất cả chúng ta đều quan tâm đến hạnh phúc”, Đại sư Khedrupchen Rinpoche, Tu viện Trưởng Tu viện Sangchen Ogyen Tsuklag tại Trongsa, Bhutan, nói. Nhưng liệu tiền có liên quan đến hạnh phúc và bao nhiêu tiền thì “mua” được hạnh phúc? Đạt tới triệu USD hay chạm tới tự do tài chính liệu đã đủ để đảm bảo cho con người hạnh phúc? Năm 2010, nghiên cứu của Đại học Princeton cho thấy, một người chỉ cần kiếm được 75.000 USD/năm (khoảng 1,7 tỉ đồng) là có thể đạt ngưỡng hạnh phúc. Thậm chí, Daniel Kahneman và Angus Deaton, 2 nhà nghiên cứu cho dự án này, nhận thấy: “Càng có nhiều tiền, có vẻ hạnh phúc từ tiền càng hao mòn”.
Khách tham quan nhà mẫu triệu USD Masterise Homes tai TP.HCM. |
Tuy nhiên, gần đây hơn, theo khảo sát “The Why of Wealth” của Boston Private, có tài sản từ 1-20 triệu USD sẽ đem đến nhiều thứ giúp con người hạnh phúc như sự bình tâm, cảm giác thành công và được sống theo cách mình muốn. Riêng nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard cho rằng, những người có giá trị tài sản ròng 10 triệu USD hạnh phúc hơn đáng kể so với những người có khoảng 1-2 triệu USD. Dù vậy, theo nhóm nghiên cứu, không phải tất cả các triệu phú và tỉ phú hạnh phúc như nhau. Ai có năng lực tự kiếm ra khối tài sản đó sẽ hạnh phúc hơn. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, cho đi là cách để có hạnh phúc. Chẳng hạn, các triệu phú, tỉ phú khác như Bill Gates, Warren Buffett cũng tiếp bước Carnegie khi đăng ký vào “The Giving Pledge” như một cam kết đóng góp phần lớn tài sản trước và sau khi chết vào các hoạt động từ thiện. Tính đến tháng 10/2021, đã có 231 nhà từ thiện tham gia The Giving Pledge.
Ở Việt Nam tuy chưa có tổ chức có vai trò kêu gọi tương tự The Giving Pledge nhưng cũng đã ghi nhận những tấm gương doanh nhân hào phóng. Chẳng hạn, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Vingroup, 2 lần được vinh danh “Anh hùng từ thiện châu Á”. Hay vợ chồng nhà đồng sáng lập Golf Long Thành là ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung cũng từng được vinh danh “Anh hùng từ thiện” vì những hoạt động thiện nguyện của mình.
Rõ ràng, như trong nấc thang nhu cầu của Maslow nêu rõ, ngoài các nhu cầu cơ bản (như ăn, uống, ngủ, thở...) và nhu cầu được an toàn, con người còn có nhu cầu được gắn kết trong những mối quan hệ tốt đẹp, được cộng đồng nể phục, quý trọng và được thể hiện mình. Vì thế, giàu có về tiền thôi vẫn chưa thể đảm bảo cho con người hạnh phúc.
“Hạnh phúc của con người là cảm giác đến từ bên trong, không phải đến từ bên ngoài. Người giàu mà không hài lòng với những gì mình đang có thì cũng không thể hạnh phúc, cho dù họ có trăm tỉ, ngàn tỉ đi chăng nữa”, ông Phạm Duy Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Startup Vietnam Foundation (SVF), cho biết. “Thế nên, hạnh phúc không phải là bạn có bao nhiêu tiền mà là thái độ với số tiền mà bạn có. Nếu đón nhận được hoàn cảnh hiện tại của mình hoàn toàn, không so sánh, không phán xét thì sự bình an sẽ ngay lập tức xảy ra, không đòi hỏi điều kiện”, ông nói thêm.
Khi nhìn vào các con số triệu USD, ngàn tỉ đồng mà người khác đạt được, chúng ta thường chỉ nhìn thấy ánh hào quang bên ngoài, trong khi chặng đường chinh phục các mục tiêu của mỗi người luôn chực chờ những sóng gió, bất ngờ. Từ trong nỗ lực chiến đấu, vượt qua khó khăn thất bại, mỗi người cũng tự nhiên mà nhìn về thành công, tiền bạc lẫn hạnh phúc theo cách khác. Chẳng hạn, năm 2006, khi mới lập VNDirect, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VNDirect, đã đặt mục tiêu đưa Công ty lên Top đầu ngành chứng khoán. Nhưng 2 năm sau, nợ nần, tin đồn, khó khăn vây bủa làm bà Hương từng có lúc “ước gì bán được Công ty dù chỉ với 1 USD”. Chính trong khủng hoảng, bà mới thấm thía triết lý “buông xả”. Khi bà dẹp hết các mục tiêu tham vọng, chỉ tập trung vào chỉnh đốn cái cần nhất, Công ty đã phát triển mạnh mẽ, lọt vào Top 3 thị phần ngành và vốn hóa có lúc gần đạt tỉ USD. Từ đây, bà cũng bén duyên với nhà Phật, chuyển sang ăn chay trường và dưỡng tính theo tôn chỉ nhà Phật. Người phụ nữ giàu có và tài ba ấy thấy cách sống như thế là hạnh phúc.
“Hãy ngưng đi tìm hạnh phúc trong những trải nghiệm ngoài thân. Tôi cho rằng hạnh phúc có 4 rường cột: tình yêu thương, lòng trắc ẩn, buông bỏ và nghiệp nhân quả, có thể dễ dàng chiêm nghiệm được mọi lúc mọi nơi trong cuộc đời mỗi người”, Đại sư Khedrupchen Rinpoche nói. “Tình yêu thương là chìa khóa tạo ra hạnh phúc không chỉ cho riêng mình mà còn cho mọi người”. Theo đuổi những triết lý này, Bhutan luôn dẫn đầu về Chỉ số hạnh phúc trên toàn thế giới và là hình mẫu cho nhiều mô hình phát triển bền vững, hài hòa ngay cả đối với các nền kinh tế hiện đại.
TƯƠNG LAI CỦA GIÀU CÓ VÀ HẠNH PHÚC
Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu và câu chuyện thực tế cho thấy chúng ta sẽ không viên mãn và hạnh phúc hơn nếu chỉ giàu có và an toàn hơn. Năm 2019, tổ chức US General Social Survey tiết lộ tỉ lệ không hạnh phúc của người dân các nước phát triển cao hơn bao giờ hết trong lịch sử kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007.
Báo cáo từ Gallup Global Emotions 2019 cho thấy stress, căng thẳng, lo lắng, tức giận trên toàn cầu tăng nhiều lần. Hơn 2 năm đại dịch, hàng triệu người qua đời, hàng tỉ người bị sống trong vòng phong tỏa, bị tác động bởi suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội, khiến tỉ lệ stress, trầm cảm, suy sụp sức khỏe tinh thần ngày càng trở nên trầm trọng.
Ông Đặng Lê Nguyễn Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Trung Nguyên, từng thốt lên: “Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?” trong phiên tòa xử ly hôn của mình. Đây cũng là câu hỏi của nhiều người giàu có trước áp lực và sự thay đổi của cuộc sống mà tiền không thể giải quyết được vấn đề của họ, thậm chí chính là nguồn cơn cho những rắc rối, bất hạnh.
Thị trường kim cương đang rất phát triển tại thị trường Việt Nam khi số người giàu gia tăng. |
Trong bối cảnh đó, những người có triệu USD trong tay tìm kiếm hạnh phúc từ đâu? Kinh tế gia được giải Nobel Amartya Sen cho rằng, mục đích phát triển cuối cùng của con người không chỉ trở lên giàu có mà còn có cuộc sống tự do viên mãn. Vì thế, bên cạnh tiền, còn những yếu tố và điều kiện khác để dẫn đến hạnh phúc.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, chia sẻ, làm doanh nhân không chỉ để làm giàu cho mình mà phải biết chung tay hỗ trợ cho đồng đội, những người kém may mắn, người cao tuổi... Đó là việc nhà tình nghĩa, trao tặng học bổng, qùa tặng cho người lao động... Doanh nhân này nói rằng: “Làm được chút gì đó đem đến niềm vui cho người khác là thấy mình hạnh phúc”. Tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng từng chia sẻ, gia đình là nhân tố giúp cho mình cân bằng trong cuộc sống. Ông cho rằng: “Khi đó không phải là tiền mình có bao nhiêu, mà đội ngũ xung quanh mình: đầu tiên là gia đình, sau đó là anh em, bạn bè, là chỗ tình nghĩa để chia sẻ, để khỏi cô đơn, cô độc”.
Ngày càng nhiều chuyên gia cho rằng hình tượng truyền thống của vật chất như việc sở hữu một chiếc xe hơi hay một ngôi nhà, đang thay đổi. Cũng như vậy, trải nghiệm về hạnh phúc của con người đang thay đổi. Vì thế, người ta thấy một hoa hậu áo dài gắn mình với các hoạt động tu tập trong và ngoài nước. Hay một tổng giám đốc ngân hàng theo đuổi việc tổ chức những khóa học thay đổi bản thân, giúp cho nhiều bạn trẻ thành công nhưng cân bằng hơn trong cuộc sống... Bên cạnh đó, vẫn có những tỉ phú tìm niềm vui qua những bộ sưu tập xe hơi, sở hữu những bất động sản đắc địa...
Nhưng nói như Billy Roberts, nhà trị liệu sức khỏe tâm thần Mỹ, hạnh phúc một người không chỉ phụ thuộc vào cảm giác an toàn, hài lòng mà còn phụ thuộc vào giá trị bản thân họ. Giá trị này sẽ khác nhau nơi mỗi người. Có người đề cao quyền lực, có người xem trọng sự tự chăm sóc bản thân... Vì thế, theo Billy Roberts, “không quan trọng bạn kiếm bao nhiêu tiền, mà quan trọng là tiền có đủ để giúp bạn đi đúng lối sống mình đã chọn không?”.
Câu nói này cũng giống như câu chuyện của doanh nhân Lý Quí Trung, đồng sáng lập thương hiệu Phở 24, tác giả nhiều đầu sách bán chạy, chia sẻ với các bạn trẻ và cộng đồng khởi nghiệp. “Chúng ta sẽ thấy có nạn nhân của thành công, nhưng hạnh phúc thì không có nạn nhân”. Đây cũng chính là điều ông Trung lưu ý: “Nếu chăm bẵm vào sự thành công, thì không chắc mình sẽ có hạnh phúc”.
“Câu hỏi một triệu USD có mua được hạnh phúc hay không?” là câu hỏi sai vì không có người bán hạnh phúc và cũng không có người mua. Cho dù có người thì việc mua bán cũng không thể nào xảy ra được”, ông Phạm Duy Hiếu của SVF nói.
Sau hành trình tìm kiếm, nhiều người đã nhận ra, tiền bạc là phương tiện tốt giúp đời sống dễ chịu, mang lại tự do và giúp mỗi cá nhân giải được các bài toán quan trọng trong cuộc đời. Nhưng hạnh phúc thực sự của một người suy cho cùng lại đến từ hoàn cảnh sống, nhu cầu bản thân và giá trị mà người đó theo đuổi.