Tốc độ tăng trưởng tiềm năng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ suy giảm hơn nữa trong thập kỷ này. Ảnh: Nikkei Asia.
Triển vọng tăng trưởng 2023 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Ngân hàng thế giới (WB) vừa đưa ra các dự báo mới về tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu 2023. WB hạ dự báo tăng trưởng đối với các nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN) do nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu chậm lại cũng như năng suất lao động giảm. Theo đó, Trung Quốc sẽ là điểm sáng duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2023 về phát triển kinh tế.
Triển vọng kinh tế mới nhất cảnh báo sự sụt giảm năng suất, đặc biệt là ở các quốc gia Đông Nam Á, khi mà các nước này đang cạnh tranh để trở thành trung tâm sản xuất ở châu Á trong bối cảnh xu hướng tách rời kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy những nỗ lực sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trung Quốc là ngôi sao sáng duy nhất trong triển vọng kinh tế mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2023. Ảnh: Nikkei Asia. |
Trong báo cáo, WB nhận định tốc độ tăng trưởng tiềm năng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ suy giảm hơn nữa trong thập kỷ này, “chạm” mức thấp nhất là 4,7%. Điều này khiến cho các quốc gia trong khu vực bị sa lầy trong bẫy thu nhập trung bình thấp và trung bình cao lâu hơn.
Ông Aaditya Mattoo, Nhà Kinh tế trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB cho biết: “Mặc dù khu vực châu Á - Thái Bình Dương được quản lý với chính sách kinh tế vĩ mô rất tốt, nhưng lại không có những cải cách cơ cấu mạnh mẽ”.
WB dự kiến Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Bốn nước trong khối ASEAN-5 bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam được dự báo có mức tăng trưởng suy giảm. Theo đánh giá của WB, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam giảm từ 6,7% xuống 6,3% và Thái Lan giảm từ 4,1% xuống 3,6%.
Khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng tăng của các nước láng giềng có thể bù đắp những thiệt hại từ cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhiều nền kinh tế trong số này là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế và toàn diện khu vực (RCEP) có sự góp mặt của Trung Quốc. Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo về sự gián đoạn kinh tế đối với các quốc gia trong khu vực không có hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ, hiện vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo WB đánh giá, các quốc gia trong khu vực có nhiều lợi ích hơn khi trở thành “trung tâm” kết nối các thị trường đang bị chia tác giữa Mỹ và Trung Quốc thông qua các hiệp định thương mại song phương thay vì trở thành thành viên của các khối thương mại riêng lẻ.
Về phía các cường quốc sản xuất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hoạt động xuất khẩu đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh năm 2022. Nhu cầu tiêu dùng nội địa dự kiến sẽ giảm khi các chương trình hỗ trợ của chính phủ liên quan đến đại dịch COVID-19 kết thúc. Điều này có thể gây áp lực lên thu nhập thuần của các hộ gia đình, kéo theo những tác động tiêu cực đến tiêu dùng và đầu tư.
Dự báo tăng trưởng của Campuchia giữ được sự ổn định ở mức 5,2% trong khi Myanmar dự kiến tăng trưởng 3%. Tốc độ tăng trưởng của các quốc đảo Thái Bình Dương dự kiến suy giảm từ 5,7% xuống 4,3%.
Trong khi sản lượng sản xuất ở Trung Quốc và Việt Nam cao hơn 15% so với thời điểm trước đại dịch, một số nền kinh tế vẫn chưa thể đạt được mức đặt ra, bao gồm Thái Lan, Myanmar và hầu hết các đảo ở Thái Bình Dương. WB cảnh báo rằng sự suy giảm giá trị sản xuất có thể cản trở tăng trưởng nếu không có những cải cách đủ mạnh mẽ nhằm tự do hóa lĩnh vực dịch vụ giá trị cao cũng như sự luân chuyển của lao động và dòng vốn.
Bên cạnh đó, WB cũng cho rằng, các nước đang phát triển và thị trường mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ gặp phải nhiều khó khăn khi phải đối phó với gánh nặng nợ công, đồng nội tệ suy yếu nếu sự sụt giảm năng suất có xu hướng kéo dài.