Trân quý nếp nhà
Theo khảo sát gần đây của VinaCapital Ventures, tỉ lệ phụ nữ Việt tham gia kinh doanh và thành công đứng hàng đầu thế giới (29% so với tỉ lệ toàn cầu là 17%). Bên cạnh tính tỉ mỉ, chăm chút, có 2 nguyên nhân khác được VinaCapital Ventures lý giải. Thứ nhất, lịch sử chiến tranh Việt Nam đã tạo ra thế hệ những người phụ nữ (hiện đã về hưu) rất thành công. Trong chiến tranh, nam giới ra chiến trường. Việc chăm chút gia đình, học hành của con cái và rất nhiều việc khác trong xã hội đều đổ lên vai người phụ nữ. Thứ 2, văn hóa Việt Nam vốn trọng chữ nghĩa. Cha mẹ dạy con không phân biệt nam nữ. Do đó, tỉ lệ nữ tham gia lao động tại Việt Nam rất cao, cơ hội đến với họ cũng nhiều hơn.
Nhận xét này đúng với bà Nguyễn Thị Sơn và Sơn Kim Group - một trong những gia tộc kinh doanh đạt được nhiều thành tựu của Việt Nam.
Người xây nền móng
Ở tuổi ngoài thất thập, bà Sơn vẫn là một Facebooker hoạt động sôi nổi. Bà Sơn cho biết bà thích sự tự nhiên nhưng phù hợp với văn hóa và đạo đức xã hội.
Bà Nguyễn Thị Sơn cùng các con. |
“Tôi không kiên nhẫn ngồi thiền, nhưng khi nào mệt tôi ngồi hít thở khoảng vài phút. Tôi không bắt buộc mình ăn chay, nhưng tôi thích ăn rau quả nhiều hơn thịt bò, trứng, cá. Công việc cũng vậy, tôi hoàn toàn tự do thích thì làm, không thích thì không làm. Nhưng nhận lời làm việc gì, tôi cố gắng làm tốt, hoàn thiện công việc. Không dễ yêu một người nào đó, nhưng không bao giờ giận ai lâu hay ghét ai cả”… Đây là những trải nghiệm cả một đời người bền bỉ trên thương trường đã tạo nên một gia đình kinh doanh nổi tiếng tại Việt Nam hiện nay.
Thời trang là mảng kinh doanh qua 4 thế hệ của gia đình Hà Nội, gốc Bắc Ninh. Năm 1956 gia đình bà Sơn di cư vào Sài Gòn. Tại đây, mẹ của bà thành lập Đại Thành, chuyên sản xuất quần áo may sẵn cung cấp cho các hiệu bán buôn từ Chợ Lớn ra đến miền Trung.
Bà Sơn thừa nhận chịu ảnh hưởng nhiều từ bố mẹ: “Bố tôi là người có nhiều ảnh hưởng về sự phát triển nhân cách của tôi. Ông vừa là cha, vừa là thầy. Ông không dạy tôi về kinh doanh như mẹ, mà chỉ luôn nhắc nhở về tính khiêm tốn và lòng tự trọng. Tôi ảnh hưởng nhiều từ mẹ về tính chịu đựng, kiên trì và quyết đoán. Khi bà làm đúng thì rất quyết tâm, và khi thất bại vẫn bình tĩnh gầy dựng lại từ đầu”.
Nề nếp này của gia đình đã được bà Sơn duy trì và trở thành gia tài lớn nhất, quan trọng nhất mà bà truyền lại để các con bước vào đời và dựng sự nghiệp. Như chính con cái của bà tâm sự: “Trong kế thừa, yếu tố tài sản rất quan trọng, nhưng xuất phát điểm của anh em chúng là từ nền tảng của gia đình. Đó chính là từ truyền thống "tứ đại đồng đường" của gia đình bắt đầu từ ông bà ngoại, từ uy tín kinh doanh của dòng họ, nhất là từ mẹ. Anh em chúng tôi đều chia sẻ với mẹ niềm đam mê trong kinh doanh”.
Sau năm 1975, Đại Thành chuyển thành tổ hợp sản xuất, đến năm 1978 thì trở thành Hợp tác xã Đại Thành - chuyên cung cấp hàng may mặc cho hệ thống thương nghiệp quốc doanh và hệ thống hợp tác xã mua bán, do thân phụ bà Sơn, ông Nguyễn Đình Thể làm Chủ nhiệm, bà Sơn là Trưởng ban Kế hoạch Tài chính của Hợp tác xã Đại Thành.
Từ tháng 4/1984 bà Sơn được lãnh đạo Quận 10 bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Quận 10; tháng 8/1987 là Giám đốc Xí nghiệp Giày Quận 10; từ tháng 12/1988 là Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Dệt Da May - Legamex, một trong những doanh nghiệp may mặc xuất khẩu lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.
Năm 1993, Legamex được chọn là đơn vị đầu tiên thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhưng biến cố ập xuống, Legamex cổ phần hóa thất bại. Và bà Sơn một lần nữa lại cho thấy bản lĩnh của người từng đi qua giông bão: “Có lẽ do sống trong thời kỳ chiến tranh quá gian nan, bản năng sinh tồn của tôi rất lớn”.
Thay vì quay lại với công việc kinh doanh, bà Sơn chuyển qua tư vấn cho doanh nghiệp, đào tạo doanh nhân (Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Doanh nghiệp CBAM thuộc VCCI), Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế IBLA (thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), bền bỉ tham gia đóng góp ý kiến vào quy trình lập pháp nhiều dự thảo luật.
Mở rộng gia sản
5 người con của bà Sơn là bà Hồng Vân, ông Hoàng Tuấn, ông Hoàng Anh, bà Hồng Trang và ông Hoàng Lâm - mỗi người đều có những thành tựu nhất định và hạnh phúc với lựa chọn của họ thay vì bị gò ép theo nghiệp kinh doanh của gia đình.
Bà Hồng Vân hiện cùng chồng, ông Hồ Nhân, làm chủ và điều hành Công ty Sinh học Dược Nanogen - Bio. Đây là đơn vị chuyên sản xuất thuốc đặc trị ung thư và điều trị viêm gan B, C… cũng như Nanocovax - vaccine ngừa COVID-19. Ông Hoàng Anh theo đuổi đam mê với cà phê, sáng lập nên Công ty sản xuất trà, cà phê Golden Mountain. Ông Hoàng Lâm thì chọn dựng nghiệp với Công ty thiết kế nội thất Duy Quân. Bà Hồng Trang hiện là Giảng viên Đại học Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sơn Kim Group, nguyên là CEO của SonKim Mode và GS25 Việt Nam.
Ông Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sơn Kim Group và SonKim Land, được xem là người kế thừa công việc kinh doanh của gia đình. Ông là con thứ 2 của bà, từng học ở Đức về công nghệ thuộc da, sau đó sang Úc học về quản trị kinh doanh.
Ông Tuấn bắt đầu dẫn dắt Sơn Kim Group từ những năm đầu thập niên 90, thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư và Phát triển Sơn Kim năm 1993. Dấu ấn lớn nhất của ông Tuấn trong sự nghiệp là ứng dụng các phương pháp xúc tiến thương mại phương Tây cho hệ thống bán lẻ của gia đình gồm các hoạt động liên doanh, nhận nhượng quyền thương hiệu phân phối nội y, đồ ngủ, đồ mặc với các đối tác Nhật, Mỹ. Thành tựu đầu tiên của ông là sự ra đời của thương hiệu nội y Vera năm 1997. Từ cái nôi của Vera, nhiều người mẫu được đào tạo, trở thành người mẫu chuyên nghiệp hơn.
Song song với mảng thời trang, Sơn Kim cũng lấn sân vào lĩnh vực bất động sản và bán lẻ. Nền tảng gia đình và môi trường kinh doanh trong những năm đất nước mới mở cửa đã tạo điều kiện để ông Tuấn phát triển mảng bất động sản. Từ trước năm 2000, ông Tuấn cùng Công ty Hiển Đạt, cũng là họ hàng trong gia đình, đã xây dựng các khu nghỉ dưỡng hạng sang Blue Ocean tại Phan Thiết, Bình Thuận, sau đó thoái vốn để đầu tư các dự án ở Phan Thiết.
Nhờ kế thừa quan điểm cởi mở từ ông bà ngoại và mẹ, ông Tuấn có cái nhìn rất thoáng về việc hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2013, Quỹ đầu tư EXS Capital quyết định rót vốn vào SonKim Land. Đây được coi là 1 trong 10 thương vụ M&A bất động sản lớn nhất thời điểm ấy với giá trị 37 triệu USD.
Sau 28 năm phát triển, Sơn Kim Group hiện có khoảng 11 công ty con, công ty liên kết với 4 mảng chính:
SonKim Land (bất động sản) với một loạt dự án tiêu biểu như Gateway Thảo Điền, The Nassim, Serenity Sky Villas, The Metropole Thủ Thiêm, The 9 Stellars; SonKim Retail (bán lẻ) bao gồm SonKim Mode (thời trang), VGS Shop (bán lẻ trên truyền hình), Vision 21 (khai thác phim trường), GS25 (hệ thống các cửa hàng tiện lợi)....; các thương hiệu thời trang Vera, Jockey, Wow; các nhà hàng Jardin Des Sens, Mama Sens, Kyo Watami…
Chia sẻ về gia đình, ông Tuấn thừa nhận may mắn khi có được sự định hướng của những người làm kinh doanh giỏi như bà và mẹ. “Mẹ tôi không áp đặt con phải chọn lựa cuộc sống theo ý bà, tôi có thể làm những gì mình thích. Bà ngoại là người luôn đứng sau mọi thành công của con cháu. Bà dạy tôi bằng những bài học đơn giản từ việc lưu thông hàng hóa, biến động giá cả trong cơ chế thị trường đến tạo dựng và giữ vững uy tín trong kinh doanh”, ông Tuấn cho biết.
Thế hệ trẻ bước ra thương trường
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, gia tộc Sơn Kim vẫn duy trì lối sống điềm đạm, kín tiếng và không phô trương. Lần gần nhất ông Hoàng Tuấn xuất hiện trên báo là vào năm 2013, khi Sơn Kim bắt tay với EXS Capital trong lĩnh vực bất động sản.
Sau đấy, mọi thông tin về Sơn Kim liên quan đến các hoạt động của Tập đoàn đều do bà Hồng Trang, em gái ông Tuấn và ông Andy Han Suk Jung, Tổng Giám đốc SonKim Land, đại diện phát ngôn. Ông Tuấn có 2 người con là Nguyễn Hoàng Việt (26 tuổi) và Nguyễn Khánh Linh (21 tuổi). Cả 2 đều là sinh viên của Boston University tại bang Massachusetts, Mỹ. Việt đã tốt nghiệp, Linh đang là sinh viên năm 3. Theo lời của bà Sơn, trước đây, bà tạo áp lực cho con cái như thế nào nay sẽ tạo áp lực cho cháu thế ấy, vì "thời gian nhanh lắm, phải học và phải làm việc, nếu không sẽ nhàn cư vi bất thiện”.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, khi COVID-19 bùng phát, Việt và Linh về Việt Nam và bắt đầu tham gia vào công việc ở công ty của bố nhiều hơn. Việt dần tiếp nhận việc kinh doanh của SonKim Land và SEAEDI Corp - Công ty Cổ phần Đầu tư, Phát triển Giáo dục Đông Nam Á được thành lập từ năm 2005, là chủ đầu tư của Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Duy Tân. SEAEDI Corp đã đầu tư chi nhánh SEAEDI LLC tại Massachusetts, giúp các sinh viên du học ở Mỹ về nhà ở, kinh doanh xuất nhập khẩu.
Hoàng Việt cũng đại diện Công ty đi nhận các giải thưởng cũng như tham gia những cuộc họp với đội ngũ quản lý các dự án của SonKim Land, tham gia công tác thiện nguyện. Khánh Linh có thời gian thực tập, trợ lý cho Hội đồng Quản trị Sơn Kim Group, đã trở lại việc học ở Mỹ.
Chia sẻ quan điểm về cách duy trì doanh nghiệp gia đình cũng như chọn người kế nghiệp tại Diễn đàn Quản trị Doanh nghiệp gia đình Việt Nam năm 2019, bà Nguyễn Thị Sơn thẳng thắn: “Để có thương hiệu trăm năm, các doanh nghiệp lớn nên lưu ý: không nên thay đổi thương hiệu, nhất là những thương hiệu đã có tiếng, không nên theo kiểu “tân quan, tân chính sách”.
Bà Sơn nói thêm về ưu, khuyết điểm của doanh nghiệp gia đình: “Doanh nghiệp tư nhân có nhiều ưu điểm, phát huy nghề truyền thống, huy động vốn trong gia đình hơn là huy động ngoài xã hội, phát triển chậm nhưng bền vững, có trách nhiệm với tổ tiên, với người sáng lập và luôn luôn vun đắp cho tên tuổi của doanh nghiệp".
"Nhược điểm là thường chỉ muốn chuyển giao cho con cái trong gia đình, không tin tưởng người ngoài, sợ quản lý học được bí quyết nghề, không trung thành nên không dám giao việc quan trọng. Nhiều ông chủ không tin đối tác cùng làm ăn, cùng phát triển. Doanh nghiệp gia đình rất ngại huy động vốn ngoài xã hội vì trong thực tế, khi huy động vốn qua thị trường vốn, thị trường chứng khoán… áp lực lợi nhuận kinh doanh từ cổ đông khiến doanh nghiệp phải thay đổi cả chiến lược kinh doanh”, bà Sơn nói tiếp.
Với truyền thống gia đình đã được duy trì suốt 4 thế hệ, và với tư duy cởi mở, thẳng thắn đã được kiến tạo và thấm nhuần đến thế hệ cháu chắt, tin rằng Sơn Kim sẽ còn những bước tiến dài hơn. Tất nhiên, kinh doanh ở mỗi thời không giống nhau, cơ hội hay thách thức cũng không giống nhau. Nhưng giá trị cốt lõi từ bài học vững vàng của gia đình thì không bao giờ lỗi thời.