Thứ Năm | 09/06/2022 14:27

Tỉ phú Việt Nam (1986-2020) – Tư hữu & Dân tộc

Trong tư duy ngành nghề và thời cuộc, giới tư bản dân tộc cũng có những quan điểm và hành xử khác nhau.

(Bài viết được thực hiện vào năm 2021.)

“Mở rộng kinh doanh không khó, nhưng quản lý kinh doanh là cả một thách thức”, ông chủ của Thế Giới Di Động đã chia sẻ cùng tôi trong một cuộc gặp gỡ riêng tư cách đây 10 năm, thời điểm mà ông cùng đồng đội đã phải vượt bão kinh tế để đưa công ty bán lẻ thiết bị di động của họ từ chưa đến 1.000 tỉ đồng doanh thu (năm 2007) lên 3.000 tỉ đồng (năm 2010), đạt mức tăng trưởng 200%.

Ông Nguyễn Đức Tài ngả người vào ghế tựa, mắt vẫn dán chặt vào màn hình máy tính trong lúc chậm rãi trả lời từng câu hỏi của tôi. Ông đang theo dõi doanh số bán từ những cửa hàng mới mở của Công ty, chúng ở khắp nơi trên đất Việt và rất nhiều trong số đó ông chưa có thời gian ghé qua. Khi đó, năm 2017, Thế Giới Di Động có 93 cửa hàng và công việc mỗi ngày của ông chủ là giám sát khối lượng lớn các báo cáo được hiển thị trên một màn hình máy tính nhỏ, có kết nối với hệ thống phần mềm quản lý đa chức năng ERP.

Nếu bạn làm phép tính đơn giản sẽ thấy ngày nay, với doanh thu hơn 100.000 tỉ đồng (năm 2020) trên một lực lượng lao động xấp xỉ 50.000 con người thì trung bình mỗi nhân viên của Thế Giới Di Động mang về cho Công ty 2 tỉ đồng. Và với hơn 4.000 cửa hàng tính đến cuối quý I/2021 thì “quý ông di động” Nguyễn Đức Tài sẽ phải mất đến khoảng 10 năm nữa chỉ để thăm một cửa hàng mỗi ngày nếu không có sự giúp đỡ của hệ thống vận hành chắc chắn và đội ngũ quản trị tuyệt hảo mà ông đã nỗ lực xây dựng từ sớm. Năm 2018, Thế Giới Di Động nằm trong top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á, trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà kinh doanh bản địa.

Ông Tài có lối nói chuyện từ tốn, tự tin, logic nhưng ra quyết định nhanh, dứt khoát, giống như cách mà ông đưa Thế Giới Di Động đạt đến quy mô doanh thu hơn 100.000 tỉ đồng năm 2020, bỏ xa dấu ấn thành công của chính ông 10 năm trước đó. Thế Giới Di Động còn xuyên thủng nỗi sợ hãi về bóng ma COVID-19 khi quyết định mở thêm 300 cửa hàng Điện Máy Xanh Supermini chỉ trong 6 tháng cuối năm 2020 tại Việt Nam và 50 cửa hàng Bluetronics ở Campuchia như một bước tiến toàn cầu hóa mạnh mẽ đi từ Đông Dương.

Từ lâu, Thế Giới Di Động không chỉ là con gà đẻ trứng vàng của nhà đầu tư Mekong Capital (Thế Giới Di Động nhận vốn từ Mekong Capital năm 2007, sau 3 năm thành lập) mà hơn hết là một trong những điển hình thành công của mô hình kinh tế tư bản tư nhân Việt Nam đã và đang tạo nên ấn tượng mạnh mẽ cho các nhà đầu tư quốc tế từ sau giai đoạn Đổi Mới (năm 1986).

Thế Giới Di Động đã đạt đến quy mô doanh thu hơn 108.000 tỉ đồng. Ảnh: Son Pham
Thế Giới Di Động đã đạt đến quy mô doanh thu hơn 108.000 tỉ đồng. Ảnh: Son Pham

Cũng như Thế Giới Di Động, lực lượng doanh chủ tư nhân bằng xương bằng thịt này phát triển qua 35 năm đã trực tiếp tạo nên những cú đấm thép cho kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những lãnh đạo “làm thuê số 1” trong các công ty nhà nước cổ phần hóa thành công như Ngân hàng Vietcombank, Công ty Sữa Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Dược Hậu Giang, Traphaco, Công ty Cơ Điện Lạnh REE, Công ty Vàng bạc Đá quý PNJ… thì tư bản dân tộc, được hiểu là những nhà kinh doanh tư bản tư nhân năng động với phương thức dùng tư bản tự thân để đầu tư, quản lý, tích lũy, đóng góp cho xã hội, đã bước đầu tỏa sáng.

USD ĐẤU TRƯỜNG USD

Có thể tạm chia những “người anh em thiện lành” của kinh tế tư bản tư nhân thành 3 nhóm chính.

Một là các doanh nhân Việt Nam trở về từ Đông Âu với các thương hiệu lớn như Vingroup, Sun Group, Eurowindow, Masan, Techcombank, VIB, VPBank, OCB, Sovico, Vietjet Air, HDBank... 

Hai là nhóm doanh nhân gốc Hoa cỡ trung và đại với Vạn Thịnh Phát, Kido, Thiên Long, Biti’s, Minh Long, Thành Thành Công, Thép Nam Kim, Nệm Vạn Thành, Giấy Vĩnh Tiến, Đại Việt Hương... 

Ba là nhóm doanh nhân tên tuổi trưởng thành từ sau Đổi Mới trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng như Trung Nguyên, NutiFood, PAN, Tập đoàn Quang Dũng…; công nghệ như FPT; phân phối như Thế Giới Di Động, Digiworld; xây dựng như Coteccons, Hòa Bình…; thủy sản như Hùng Vương, Minh Phú, Vĩnh Hoàn, cộng với nhiều đại gia tài chính, bất động sản, công nghiệp, dịch vụ khác gồm Sacombank, ACB, TPBank, SHB, Novaland, Hưng Thịnh, Nam Long, Khang Điền, Đất Xanh, Phát Đạt, BRG, Thép Hòa Phát, Thép Pomina, Tập đoàn Hoa Sen, Fecon, DOJI, Ô tô Trường Hải, Tập đoàn Nguyễn Hoàng, Bột giặt LIX…

Tôi nhận thấy có 2 điều thú vị từ các nhà tư bản dân tộc này. 
Trước hết, bên cạnh nội lực của từng công ty, họ còn hình thành những liên minh “bình thông nhau” đầy quyền lực. Với các doanh nhân trở về từ Đông Âu, sự liên kết được thể hiện rõ nét sau cuộc bắt tay bộ 3 giữa Vingroup, Masan và Techcombank vào năm 2019 để tạo ra “One Mount Group” - một pháp nhân kinh tế lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bán lẻ, công nghệ, tài chính, bất động sản. Trong khi đó, nhóm doanh nhân gốc Hoa cũng ghi nhận sự bang giao hài hòa giữa các ông chủ lớn trong việc chia sẻ chiến lược, kinh nghiệm kinh doanh, đặc biệt là mối thâm tình của các ông chủ Kido, Thiên Long, ABC Bakery, Minh Long, Bita’s... khi họ từng hợp tác trong các vấn đề tầm nhìn, hoạt động kinh doanh từ quá khứ cho đến những dự án lớn có thể có trong tương lai. 

Điều thú vị tiếp nữa là những nhà tư bản dân tộc sinh sau có khuynh hướng rút ngắn thời gian trưởng thành đến quy mô công ty tỉ USD hơn so với bậc tiền bối. Các ông chủ của FPT, ACB phải mất hơn 20 năm để đưa công ty của họ đạt đến giá trị vốn hóa tỉ USD, trong khi các nhà lãnh đạo Thế Giới Di Động, Masan chỉ mất một nửa thời gian. Dù mọi sự so sánh là khập khiễng nhưng những con số sau đây có thể vẫn mang tính chất tham chiếu: quy mô vốn hóa của FPT - tập đoàn công nghệ, viễn thông tư nhân hàng đầu Việt Nam ra đời cách đây 33 năm - đạt khoảng 2,7 tỉ USD (năm 2021) và Thế Giới Di Động cũng đạt giá trị vốn hóa tương đương chỉ sau 17 năm thành lập. 

Quy mô vốn hóa của FPT - tập đoàn công nghệ, viễn thông tư nhân hàng đầu Việt Nam ra đời cách đây 33 năm - đạt khoảng 2,7 tỉ USD (năm 2021). (Ảnh: Linh Pham)
Quy mô vốn hóa của FPT - tập đoàn công nghệ, viễn thông tư nhân hàng đầu Việt Nam ra đời cách đây 33 năm - đạt khoảng 2,7 tỉ USD (năm 2021). (Ảnh: Linh Pham)

Các lãnh đạo hậu sinh khả úy có khuynh hướng hành động chớp nhoáng, đôi khi liều lĩnh trong những mục tiêu tăng trưởng lớn do tự tin sử dụng đòn bẩy tài chính, dung nạp triệt để dòng vốn quốc tế, mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào quản trị, đặc biệt rút tỉa được kinh nghiệm từ những mô hình kinh doanh tương tự trong quá khứ. Trong khi đó, một số công ty tư nhân vốn được xem là “chiến hạm” tiên phong, mở đường cho giai đoạn Đổi Mới đã từng có lúc khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng hoặc chuyển đổi để thích nghi. Kinh tế thị trường cũng từng chứng kiến nhiều cuộc tái cấu trúc đẫm nước mắt của các công ty tư nhân lớn, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghiệp để tìm lời đáp cho bài toán tồn vong suốt một thập kỷ qua.

Sự sàng lọc gắt gao của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã kết tinh những trái ngọt bước đầu đáng khích lệ của thành phần kinh tế tư bản tư nhân. Nếu năm 2016 thị trường chứng khoán có 9 doanh nghiệp đạt giá trị vốn hóa trên 1 tỉ USD thì chỉ sau 1 năm, con số này đã lên đến 16 công ty và đa phần là các công ty tư nhân lớn. Nhìn suốt một thập kỷ 2010-2020, “câu lạc bộ tỉ USD” đã ghi nhận danh tiếng hàng chục doanh nghiệp tư nhân như Vingroup (18 tỉ USD) và Vinhomes (14 tỉ USD), Thép Hòa Phát (7,8 tỉ USD), Techcombank (6,2 tỉ USD), Novaland (5,4 tỉ USD), VPBank (5,2 tỉ USD), Masan (5 tỉ USD), ACB (3,1 tỉ USD), Vietjet Air (2,8 tỉ USD), Thế Giới Di Động (2,7 tỉ USD), FPT (2,7 tỉ USD), VIB (2,4 tỉ USD), HDBank (1,8 tỉ USD), TPBank (1,2 tỉ USD), Chứng khoán SSI (1,3 tỉ USD), Bất động sản Phát Đạt (1,1 tỉ USD), PNJ (gần 1 tỉ USD).

Trong tư duy ngành nghề và thời cuộc, giới tư bản dân tộc cũng có những quan điểm và hành xử khác nhau. Cho đến lúc này, tiếng tăm lớn tại Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu vào các ông chủ bất động sản, tài chính, công nghiệp đang có nhiều hoạt động kinh doanh hướng mạnh về thị trường nội địa, bám chặt tiến trình đô thị hóa vô cùng nhộn nhịp. Trong khi đó, một số doanh nhân chọn đi vào kinh doanh các giá trị tiêu dùng, dịch vụ đời sống, đơn cử như Masan. Và một số rất ít ông lớn tham vọng xây dựng thương hiệu đẳng cấp quốc tế, như Vingroup. 

Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh chủ đất Việt vẫn phải đối mặt với áp lực “nhanh lớn” khi bị so sánh thua kém các doanh nghiệp Philippines, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Malaysia xét về quy mô vốn hóa bình quân các doanh nghiệp lớn. Thêm vào đó, cuộc đua về quy mô của các công ty tư nhân ngày càng trở nên khốc liệt hơn khi gặp phải những điều kiện thử thách từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đạt được thời gian qua.

Thực tế, có một lực lượng công ty tư nhân chìm nổi ngoài sàn chứng khoán không dễ đọc vị, nhưng song song đó, sự hiện diện của các doanh nghiệp đã niêm yết minh bạch, được điều hành bởi những ông chủ lớn, vẫn đang miệt mài viết lại “câu chuyện Thánh Gióng”. Nhìn lại thị trường chứng khoán một thập kỷ 2010-2020 dễ nhận ra dấu ấn vàng son của các nhà tư bản dân tộc điển hình xét về 5 yếu tố: quy mô vốn hóa; tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận; tăng trưởng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE); lợi nhuận cổ phiếu và tài sản cá nhân. 

Theo quan sát của tôi từ 5 yếu tố trên, nếu như từ trước năm 2011, ưu thế dẫn đầu của top 50 công ty niêm yết hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam thuộc về khối quốc doanh, gồm các công ty nhà nước cổ phần hóa ở những lĩnh vực dựa nhiều vào tài nguyên sẵn có như đất đai, cao su, dầu khí, khoáng sản, với những cái tên như Hà Đô (tập đoàn bất động sản thuộc quân đội) hay CNG (công ty thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia) thì sau 3 năm, từ năm 2014, những ông chủ tư nhân như Thế Giới Di Động (bán lẻ), Vietjet Air (dịch vụ vận tải) bắt đầu chiếm giữ vị trí ngôi vương liên tiếp, nhanh chóng trở thành biểu tượng thành công mới của kinh tế tư bản tư nhân. Trong đó, Thế Giới Di Động giữ vị trí “vua tăng trưởng” kỷ lục 4 năm 2014, 2016, 2018, 2019 khi tổng sắp top 50 anh hào. Đặc biệt hơn, trong 6 công ty trụ hạng bền vững ở bảng tổng sắp top 50 suốt một thập kỷ qua đã có 3 tập đoàn tư nhân lớn là Vingroup, Hòa Phát và FPT bên cạnh 3 công ty nhà nước cổ phần hóa là Vinamilk, Dược Hậu Giang và Nhựa Bình Minh. 
Vậy chân dung các nhà tư bản dân tộc đất Việt đang định hình ra sao? 

CHIẾN BINH TỈ USD

Nhiều chuyên gia có khuynh hướng so sánh họ với các ông chủ lớn Hàn Quốc trong những tập đoàn được gọi là “chaebol”, hoặc các ông lớn Nhật mang tên “keiretsu”, vốn được biết đến là doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, đa lĩnh vực, có tác động sâu sắc đến kinh tế, chính trị, xã hội của Hàn Quốc hoặc Nhật, chẳng hạn như Samsung, Hyundai, SK, LG, Lotte (Hàn Quốc), hoặc Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo, Dai-ichi, Kangyo, Fuyo (Nhật). Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng tồn tại những nhà kinh doanh tư nhân khổng lồ, vận hành mô hình tương tự được gọi là “conglomerate”, với những cái tên quen thuộc như Berkshire Hathaway, General Electric...

Đặc điểm chung của các tập đoàn tư bản tư nhân là tham vọng mở rộng bờ cõi kinh doanh nội địa và quốc tế, có triển khai nhiều hoạt động mua bán, sáp nhập công ty, huy động vốn đa kênh (ngân hàng, phát hành cổ phiếu, trái phiếu trong nước và quốc tế, vốn “chìm”…) nhằm kiến trúc hạ tầng tài chính đạt mức tinh xảo. Họ có thể sở hữu ngân hàng hoặc công ty tài chính trong mô hình kinh doanh, với tư duy điều hành và quyết định chủ yếu từ ông chủ, đôi khi nghiêng lệch sang hướng quản trị gia đình trong kiểm soát và chi phối. 

Tuy nhiên, tôi tạm khái quát các nhà tư bản dân tộc xứ Việt qua 5 đặc điểm riêng biệt sau đây:

Trước hết, tinh thần dân tộc là động lực vô hình nhưng chính yếu cho các quyết định kinh doanh đầy tham vọng. Ông Phạm Nhật Vượng, nhà sáng lập tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam - Vingroup, trong những lần hiếm hoi tiếp xúc với cộng đồng kinh doanh và truyền thông đều đề cập đến lòng tự hào dân tộc và sự thịnh vượng cho người Việt thông qua những cuộc cách mạng sản phẩm và dịch vụ “chuẩn Vin”, cũng như mở ra đại lộ lớn cho thương hiệu xe VinFast tiến từ Việt Nam ra thế giới. Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập hãng hàng không tư nhân quy mô lớn đầu tiên Vietjet Air, ước muốn hiện thực hóa “giấc mơ bay” đến mọi giai tầng xã hội, điều có thể là xa xỉ trước đây với một bộ phận lớn nhân dân và so găng bình đẳng với các hãng hàng không tại Đông Nam Á. Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch nhóm các công ty tiêu dùng lớn nhất nhì Việt Nam - Masan Group, lại chứng minh thực lực qua hành trình chinh phục thực phẩm chất lượng cao từ trang trại đến bàn ăn cho người Việt và xuất khẩu ra thế giới.

Quý I/2021, Novaland ghi nhận sở hữu quỹ đất hơn 5.400 ha, tổng giá trị phát triển (GDV) ước tính 45 tỉ USD. Ảnh: TL.
Quý I/2021, Novaland ghi nhận sở hữu quỹ đất hơn 5.400 ha, tổng giá trị phát triển (GDV) ước tính 45 tỉ USD. Ảnh: TL.

Một số người gọi họ là đánh liều kinh doanh. Một số khác khoác cho họ chiếc áo “nghĩ lớn, làm lớn”. Trong khi đó, ông Phạm Nhật Vượng trong một lần phỏng vấn với đồng nghiệp của tôi vào mùa xuân năm 2018 nói rằng: “Làm một thương hiệu Việt Nam nổi tiếng, được tôn trọng, được đánh giá cao trên thế giới thì đó là giá trị tinh thần cho cả dân tộc chúng ta, chứ không phải của riêng Vingroup!”. 

Thứ 2, một số doanh nhân đẳng cấp tỏ ra khá thành thạo trong kiến trúc tài chính doanh nghiệp, tạo nên uy thế lớn trên thị trường tài chính thế giới. Quy mô Vingroup và hình ảnh ông chủ Phạm Nhật Vượng đã giúp tập đoàn này giao dịch tiếp cận vốn 17 lần với các tổ chức quốc tế tên tuổi, mang về 7,6 tỉ USD, trong đó có cả cú bắt tay 1 tỉ USD với Tập đoàn SK của Hàn Quốc. Giai đoạn 2013-2020 đã chứng kiến sự gia tăng càng về sau càng mạnh mẽ của Vingroup trong số lần huy động vốn cổ phần hoặc trái phiếu, cũng như giá trị các khoản vay từ tổ chức tài chính lớn như Warburg Pincus, Credit Suisse, GIC, Hanwha, HSBC, SK. Ông chủ tập đoàn tư nhân lớn nhất đất Việt không chùn tay khi công bố hồi tháng 3.2021 rằng Vingroup sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu quốc tế 500 triệu USD và giới truyền thông quốc tế còn định giá VinFast khoảng 50 tỉ USD, ngang ngửa với Honda (Nhật) và Hyundai (Hàn Quốc) khi phân tích về kế hoạch công ty này có thể sẽ thực hiện IPO tại Mỹ.  

Và không chỉ có Vingroup đủ đẳng cấp bắt tay với SK - một “chaebol” top 3 hay được xem là nhà tư bản dân tộc lớn của xứ sở kim chi - gần đây, công ty tài chính FE Credit của đại gia VPBank cũng công bố bán 49% sở hữu Công ty cho tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui, một tư bản dân tộc uy lực từ đất nước mặt trời mọc và cũng là “keiretsu” đẳng cấp của doanh giới Nhật. FiinGroup, công ty chuyên cung cấp dữ liệu tài chính và phân tích thị trường, còn cho rằng FE Credit được định giá cao hơn 40% trung bình các thương vụ trước. Có thể thấy, các tư bản dân tộc Việt Nam đang bắt đầu kiến thiết tài chính một cách thông minh từ tư bản khu vực cũng như chính thức bước vào sân chơi lớn với các ông chủ tư bản dân tộc châu Á. 

VinFast thần tốc tiến vào lĩnh vực công nghiệp ô tô. Ảnh: TL.
VinFast thần tốc tiến vào lĩnh vực công nghiệp ô tô. Ảnh: TL.

Trong một góc độ khác, với mô hình “holdings” (tập đoàn sở hữu tài sản, mua lại các tài sản, công ty trong nhiều lĩnh vực) điển hình ở Việt Nam, ông chủ Masan đã đưa được dòng vốn kiến thiết tập đoàn này sau hàng loạt thương vụ hoán đổi cổ phiếu thần thánh trong lịch sử, đặc biệt là những kỳ tích mua bán, sáp nhập “phi tiền mặt”, thể hiện ở các thương vụ với Ngân hàng Techcombank và Khoáng sản Núi Pháo. 

Với xuất phát điểm kinh doanh ban đầu, đa phần các nhà tư bản dân tộc được “tiếp máu” từ thân hữu, có thể chịu lãi suất cao. Sau thời gian phát triển, họ nhận được các nguồn vốn tư bản quốc tế dưới nhiều dạng, trong đó có cả hình thức vay tín chấp (không cần tài sản đảm bảo). Chất lượng của các nhà đầu tư quốc tế đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân Việt Nam càng về sau càng tốt hơn. Chính giới tư bản dân tộc năng động là lý do quan trọng cho sự hiện diện của hàng loạt định chế tài chính thế giới máu mặt tại Việt Nam như Goldman Sachs, Credit Suisse, JPMorgan, Warburg Pincus, IFC, CBR Investments, Deutsche Bank, TPG, KKR, GIC... cũng như các nhà quản lý quỹ đầu tư vào Việt Nam từ sớm như VinaCapital, Dragon Capital, Mekong Capital, Indochina Capital.

Các ông chủ doanh nghiệp tư nhân ban đầu đặt các định chế tài chính vô “canh bạc của niềm tin” trong những quyết định xếp vốn đầu tư. Thực tế, một số canh bạc đã thất bại mà tôi không tiện nêu ra ở đây. Tuy nhiên, sự trưởng thành theo thời gian của đại đa số công ty tư nhân lớn đã lý giải nguyên nhân vì sao các đợt đầu tư “sóng thần” xuất hiện liên tục trong suốt một thập kỷ qua. Với những tín hiệu tích cực ở cuối chu kỳ kinh tế gần nhất (năm 2020), dù phải đối mặt với đại dịch toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 2,91%, nằm trong số ít các nền kinh tế toàn cầu đạt tăng trưởng dương và được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng GDP 7,1% trong năm 2021 so với kế hoạch của Chính phủ là 6%. Tín hiệu này càng tạo hấp lực từ quốc tế dành cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và khối công ty tư nhân nói riêng. 

Thứ 3, các ông chủ công ty tư nhân đang đẩy nhanh hoạt động tư bản của họ theo hướng tích cực nhất, gắn liền với mục tiêu giảm thiểu hệ quả của cái gọi là “bóc lột giá trị thặng dư”, một bản chất hay được đề cập khi nói về tư bản hoặc bị hiểu sai lệch khi đề cập đến kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong cách hiểu của tôi, giá trị thặng dư là giá trị xuất phát từ lao động của người làm thuê tạo ra vượt giá trị sức lao động của họ và sau đó chuyển hết về tay nhà tư bản. Qua đó, các tư liệu sản xuất như thiết bị, nguyên liệu, vật liệu là “tư bản bất biến”, còn sức khỏe, năng lực, công suất lao động là “tư bản khả biến”. Từ đây, nhà tư bản tận dụng tính khả biến vào mục đích tạo ra giá trị thặng dư (càng nhiều càng tốt), dẫn đến nổ ra các cuộc đấu tranh của lực lượng lao động làm thuê dưới chế độ tư bản đòi phải phân chia lại các giá trị thặng dư cho đúng, hợp tình, hợp lý. 

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khái niệm “bóc lột thặng dư” được thay bằng “thụ hưởng thực lãi”, theo đó, lợi tức dôi dư sẽ được phân chia công bình cho các thành viên trong doanh nghiệp. Một phần thặng dư thì về tay ông chủ (người sở hữu tư liệu sản xuất và thuê lao động) phục vụ mục tiêu thu hồi lợi tức tư bản và dùng để tái đầu tư, phần còn lại chia cho các thành viên doanh nghiệp theo công sức đóng góp, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, trên tinh thần nhân bản và tự nguyện. 

Trên thực tế, các nhà tư bản dân tộc cấp tiến luôn biết sử dụng những công cụ tài chính để trả thặng dư về lại người lao động với mong muốn kích thích tinh thần làm việc và hạnh phúc của lực lượng nòng cốt này. Ngoài ra, từ sau năm 1986, cùng với tiến trình cổ phần hóa công ty nhà nước, kinh tế tư nhân Việt Nam chứng kiến sự rộn ràng hơn của những chương trình thưởng cổ phần, chia cổ tức cho thành viên doanh nghiệp, hoặc triển khai chế độ thu nhập siêu cạnh tranh dành cho các cấp lao động quản lý, hoặc thậm chí giới chủ cùng lực lượng lao động đưa một phần thặng dư vào các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) với mong muốn làm cho xã hội tốt đẹp và nhân bản hơn, cũng như rút ngắn khoảng cách địa vị, giai tầng giàu nghèo.

Song song đó, do áp lực duy trì vị thế và danh tiếng tốt đẹp, các ông chủ công ty tư nhân luôn nỗ lực truyền bá văn hóa doanh nghiệp tích cực vào lực lượng lao động. Vingroup với cương lĩnh “5 hóa” (hạt nhân hóa, chuẩn hóa, đơn giản hóa, tự động hóa, chia sẻ hóa). Thế Giới Di Động với “6 giá trị” (tận tâm với khách hàng, trung thực, chính trực, nhận trách nhiệm, yêu thương và hỗ trợ đồng đội, máu lửa với công việc). FPT với “tôn đổi đồng, chí gương sáng” (tôn trọng, đổi mới, đồng đội, chí công, gương mẫu, sáng suốt). Masan với “Keep Going”. Bên cạnh đó là hàng ngàn chương trình văn hóa lớn được áp dụng trong các công ty, ngân hàng tư nhân, kể cả sự kích hoạt chức năng công đoàn nhằm cân bằng lợi ích giữa giới chủ và người lao động. 

Thứ 4, trong quá trình vận hành dòng chảy vốn tư bản, các nhà kinh doanh tư nhân đất Việt không ngại đối đầu trực diện với các công ty tư bản đa quốc gia, trong cả tư duy lẫn hành động. Đơn cử ở sân nhà, Masan hình thành liên minh tiêu dùng, bán lẻ thông qua các thương vụ lớn với Proconco, Vinacafé, Vĩnh Hảo, Bia Phú Yên, Cholimex, Anco, Vissan, Netco, VinCommerce, Phúc Long, so găng cùng các ông lớn quốc tế như Unilever, Nestlé, Nissin, Acecook, Pepsi, Coca-Cola, C.P., Central Group. Cũng trên sân nhà, Thế Giới Di Động mua Trần Anh, trở thành đối thủ đáng gờm của Central Group sau thương vụ với nhà bán lẻ Nguyễn Kim. Đó là chưa kể đến các hệ sinh thái bất động sản, giáo dục của những ông chủ tư nhân khác cũng đang trở thành đối trọng lớn với các thương hiệu đa quốc gia tại Việt Nam. 

Trong khi đó, ở sân chơi quốc tế, vua cà phê Trung Nguyên, vua nông sản sấy Vinamit, vua hồ tiêu Phúc Sinh và vua thủy sản Hùng Vương, Vĩnh Hoàn làm mưa làm gió trên nhiều đại lục, kiên cường sinh tử qua nhiều đợt sàng lọc, thanh trừng chất lượng cùng những cuộc chiến giá cả không hồi kết. Không dừng lại ở đó, Thế Giới Di Động bắt đầu đổ bộ ồ ạt vào Đông Dương trong khi ông chủ Vingroup tuyên bố sẽ ghi danh VinFast trên bản đồ xe điện thế giới, bắt kịp xu hướng công nghệ hiện đại nhất.  

Rõ ràng, các ông chủ tư nhân Việt Nam không ngừng nối dài chiếc đuôi tăng trưởng, một vài trong số đó hướng đến gia nhập đội ngũ những nhà tư bản dân tộc lớn hoạt động đa ngành theo mô hình holdings, dẫn đầu Đông Nam Á như Zobel de Ayala (đại gia tộc 200 năm kinh doanh ngân hàng, bất động sản, viễn thông, cấp nước ở Philippines); Central Group (đại gia tộc 70 năm kinh doanh thương mại, bất động sản bán lẻ, y tế, nhà hàng ở Thái Lan); Kuok Group (ông chủ sở hữu hệ thống khách sạn, bất động sản, hàng hóa và mía đường giàu nhất Malaysia); đế chế Hartono (ông chủ hệ thống thuốc lá, ngân hàng giàu nhất đất nước vạn đảo Indonesia); Pontiac Land (4 anh em nhà Kwee sở hữu các tòa nhà văn phòng và khách sạn sang trọng bậc nhất Singapore).

Bạn sẽ không khó nhận ra sự hình thành và phát triển của doanh chủ tư nhân Đông Nam Á ít nhiều liên quan mật thiết đến 2 nền tảng ngân hàng và bất động sản. Cả 3 thị trường chứng khoán Việt Nam, Indonesia và Thái Lan đều ghi nhận ngành ngân hàng thường chiếm tỉ trọng vốn hóa cao nhất trong lúc nhiều ông chủ doanh nghiệp Việt Nam lại tích lũy được quỹ đất giá rẻ hoặc liên kết đầu tư với những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có quỹ đất lớn. Tương tự ở châu Á (đặc biệt tại Nhật) và thế giới, rất nhiều ông chủ tư bản sở hữu ngân hàng với mục đích cung cấp tín dụng cho các hoạt động kinh doanh cũng như hỗ trợ và giám sát tài chính trong những trường hợp khẩn cấp. Các ông chủ sở hữu ngân hàng, bất động sản cũng tạo được điểm cộng danh tiếng trong mắt cộng đồng đầu tư và xã hội.

Masan trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Ảnh: Le Toan
Masan trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Ảnh: Le Toan

Thứ 5, một số nhà tư bản dân tộc Việt chủ động săn tài sản cổ phần hóa nhà nước và biến những “cậu cả” này thành “con cưng” mới của kinh tế thị trường, tham gia sân chơi cạnh tranh bình đẳng. “Vua M&A” Kido (trước đây là Tập đoàn Kinh Đô) đã tạo dấu ấn thương trường bằng việc gác lại sự nghiệp kinh doanh bánh kẹo để theo đuổi chiến lược dầu thực vật với việc sở hữu 51% trong Vocarimex, một tổng công ty nhà nước đầu ngành có lịch sử 45 năm và 2 công ty trực thuộc, liên kết là Dầu thực vật Tường An (sở hữu 61,9%), Golden Hope (sở hữu 51%). Kết quả của giai đoạn tái cấu trúc đã mang về cho Tường An lợi nhuận khoảng 220 tỉ đồng (năm 2020) so với 70 tỉ đồng của năm 2016, thời điểm Kido đầu tư vào. Tương tự, Masan với hàng loạt danh mục đầu tư hàng tiêu dùng hấp dẫn, trong đó có 2 ông lớn nhà nước cổ phần hóa là Vinacafé Biên Hòa (sở hữu 100%) và Vissan (sở hữu 24,9%).

Vietjet Air hiện thực hóa giấc mơ bay của đa số người Việt. Ảnh: TL.
Vietjet Air hiện thực hóa giấc mơ bay của đa số người Việt. Ảnh: TL.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, từng chia sẻ với tôi vấn đề khó khăn nhất của người lãnh đạo trong các công ty nhà nước cổ phần hóa là phải cân bằng được lợi ích của 4 bên cổ đông nhà nước, cổ đông tư nhân, người lao động và người tiêu dùng một cách chuẩn mực, đạo đức. Với quan điểm cá nhân, tôi tin rằng, quản lý tài sản nhà nước là một nghệ thuật và người quản lý tài sản là những “nghệ sĩ” đầu lạnh, tim nóng. 

Nhìn chung, lực lượng tư bản dân tộc Việt Nam vẫn còn non trẻ, đang trong quá trình tự hoàn thiện. Nhưng khát vọng tăng trưởng của lực lượng này rõ ràng gợi lên một vòng lặp cần suy nghĩ: Năng lực quản lý có đáp ứng được tham vọng bành trướng kinh doanh quy mô lớn? Tham vọng bành trướng kinh doanh quy mô lớn đã đủ đáp trả những kỳ vọng không giới hạn của giới đầu tư quốc tế? Kỳ vọng không giới hạn của giới đầu tư quốc tế có làm mất đi bản sắc của tư bản dân tộc? Để không mất đi bản sắc của tư bản dân tộc thì phải chọn thực hành chiến lược theo cách nào chuẩn mực nhất về lợi ích và đạo đức? Đó là chưa kể đến hàng loạt rào cản mà các công ty tư nhân tại Việt Nam đang phải đối mặt như chính sách hỗ trợ từ thượng tầng, cũng như cách nhìn và hiểu đúng của xã hội về khía cạnh tích cực của giới kinh doanh tinh hoa này.

CẠM BẪY TỈ USD

Kinh tế tư nhân và các ông chủ tư bản dân tộc được xem là “phép lạ” cho sự tăng trưởng thần kỳ, thậm chí còn được gọi với cái tên mỹ miều là “giáp sắt của nền kinh tế”. Nhưng bên cạnh những đóng góp đẹp đẽ cho nội quốc bằng các chuẩn mực đạo đức thì lịch sử phát triển của một số tập đoàn tư nhân lớn đến siêu lớn trên toàn cầu cũng ghi nhận hiện tượng đi lệch quỹ đạo, trở thành bài học xương máu cho các nhà điều hành vốn tư bản tại nội quốc, cũng như đặt ra tương lai phát triển bền vững cho mô hình doanh nghiệp tư nhân. 

Tương lai bền vững đó nằm trước hết ở tư duy chọn lựa phương thức bảo vệ thành quả kinh tế của các ông chủ tư nhân. Bạn có thể không khó để tìm thấy thông tin phản ánh mặt trái của một số chaebol (tài phiệt) Hàn Quốc, các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Nhật, Trung Quốc, cũng như sự hiện diện của một số “oligarch” (quả đầu chính trị) ở Đông Âu và Mỹ bị phơi bày suốt thời gian qua. Chúng là minh chứng cho hành động bảo vệ lợi ích và gia tăng quyền lực lệch lạc, thiếu bền vững của các ông chủ kinh tế tư nhân, thông qua con đường liên kết, chi phối chính trường, lũng đoạn chính sách kinh tế, thôn tính tài sản nhà nước, gian lận thuế và bóc lột nặng nề giá trị thặng dư.

Sự phát triển bền vững này còn gắn liền với thách thức bảo tồn môi trường bên cạnh các mục tiêu tăng trưởng. Nhiều cảnh báo từ các tổ chức phi chính phủ về môi trường đã giáng những đòn mạnh mẽ trực tiếp vào các ông chủ tư nhân có hành vi lạm dụng, phá hoại, bức tử thiên nhiên bằng các hoạt động kinh doanh, hoặc cảnh báo những nhà đầu tư quốc tế đang đổ tiền vào sai chỗ khi quyết định rót vốn cho các ông chủ bản địa khai thác tài nguyên thiên nhiên, thay vì phải tẩy chay. 

Trường hợp này từng xảy ra tại Việt Nam với cảnh báo của Global Witness đối với các định chế tài chính Credit Suisse, IFC, CBR Investments, Deutsche Bank do đã quyết định đầu tư vào một danh mục công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có liên quan đến khai thác tài nguyên rừng. Ở một động thái khác, cũng đã có một công ty quản lý quỹ lớn trong nước gặp khó khăn khi bị “kiểm điểm nặng nề” từ các nhà đầu tư vào quỹ do không tuân thủ một cách mạnh mẽ những nguyên tắc chọn đầu tư vào các doanh nghiệp nội địa gắn với những lợi ích về môi trường. 

Cuối cùng, “bền vững” theo đúng nghĩa đen của nó, một thách thức mang tính trường tồn theo thời gian của các tập đoàn kinh tế, công ty tư nhân. Tại Việt Nam, các cuộc chuyển giao quyền lực đã bắt đầu xuất hiện trong nhiều công ty tư nhân, hứa hẹn vẽ nên tương lai của các đại gia tộc cha truyền con nối với năng lực quản trị và trình độ kỹ nghệ ngày càng tân tiến, đồng thời vẫn tập trung vào giá trị kinh doanh cốt lõi của ông cha, tương tự các mô hình đại gia tộc Đông Nam Á tồn tại trăm năm. Trong khi đó, ở một chiều khác, nhóm các nhà tư bản dân tộc sinh sau lại hướng đến tương lai của họ theo cách của các nhà kinh doanh phương Tây, với những bước đi tài chính vũ bão, mở rộng đa ngành, gọi vốn từ phương Tây, áp dụng khoa học quản trị phương Tây, nỗ lực cân bằng các nhân tố lợi ích trong quản trị công ty (Corporate Governance).

Song tất cả vẫn chưa thể có lời đáp chắc chắn cho câu hỏi: “Liệu các nhà tư bản dân tộc Việt hôm nay có thể tồn tại đến trăm năm?”.