Ngày 18.11.2020, Thượng Hải của Trung Quốc đã vượt trên 350 thành phố khác trên thế giới để giành giải thưởng “Thành phố thông minh nhất” thế giới năm 2020.

 
Thứ Năm | 21/07/2022 13:59

Thượng Hải – Tư duy “thành phố thông minh”

Được mệnh danh là "Paris phương Đông", thành phố Thượng Hải chuyển mình, chuẩn bị cho một "nền kiến trúc xuyên thế kỳ".

(Bài viết được thực hiện vào năm 2018.)

Chúng tôi có mặt tại Shanghai Tower (Tháp Thượng Hải) một ngày mùa thu dịu mát. Tháp Thượng Hải cao 632 m với 25 tầng, cao thứ 2 thế giới sau tòa nhà Burj Khalifa ở Dubai (828 m). Điều ấn tượng là thang máy của tòa nhà di chuyển khá êm với tốc độ lên đến 18 m/giây và xuống 10 m/giây. Chúng tôi được đặc cách lên tầng thượng tòa nhà, và trong đó có một con lắc nặng đến 1.000 tấn được gắn vào một khung thép chịu lực đặc biệt. Vì tòa nhà quá cao, nhiệm vụ của con lắc thông minh này là giữ thăng bằng và giảm độ rung lắc cho công trình. Có thể nói, đây là một công trình “chịu gió” có một không hai trên thế giới. 

Tại Đại hội Triển lãm Thành phố Thông minh Thế giới (SCEWC) ngày 18.11.2020, Thượng Hải của Trung Quốc đã vượt trên 350 thành phố khác trên thế giới để giành giải thưởng “Thành phố thông minh nhất” thế giới năm 2020. Đây cũng là lần đầu tiên một thành phố của Trung Quốc giành được giải thưởng này.

Điều này không có gì ngạc nhiên vì bất kỳ du khách nào đến Thượng Hải cũng đều có thể cảm nhận được sự “thông minh đặc biệt” khắp nơi ở thành phố. Thượng Hải đã lắp đặt hơn 31.000 trạm phát sóng 5G ngoài trời và khoảng gần 50.000 trạm nhỏ phát 5G trong nhà. Thông tấn xã Việt Nam dẫn lại lời Phó Thị trưởng Thượng Hải Ngô Thanh nói rằng, chính quyền khu vực này luôn coi trọng vai trò tiên phong trong lĩnh vực số hóa, mạng thông tin và trí tuệ trong phát triển đô thị.

Chúng tôi tiếp tục đến thăm trụ sở Tập đoàn E-House, một đơn vị phân tích dữ liệu dự án và giá cả bất động sản của 100 thành phố trên toàn Trung Quốc thì được biết giá căn hộ có vị trí tốt nhất ở Thượng Hải (quận Hoàng Phố) là khoảng 90.000 USD/m2 (hơn 2 tỉ đồng), trong khi giá bình quân các dự án là 6.000 USD/m2. Giá bất động sản tại “khu đất vàng” Thượng Hải cao hơn cả giá căn hộ ở Bắc Kinh với trung bình là 30.000 USD/m2. Điều này chứng minh sức hấp dẫn và hiệu quả vượt ngoài sự mong đợi dành cho mô hình “đô thị thông minh”. Có một mối liên hệ khắng khít giữa các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Bất động sản Trung Quốc với E-House, và nguồn dữ liệu khổng lồ này được Chính phủ dùng tham khảo khi triển khai các chính sách bất động sản của quốc gia.

Dấu ấn của Thượng Hải gắn liền với một khu đô thị mới được thành lập từ năm 1993, gọi là Phố Đông. Khu vực này sơ khai là một vùng nông thôn, sau khi được công bố đại quy hoạch lần đầu tiên vào những năm 1990, đến nay đã được biết đến như là trung tâm tài chính và thương mại danh giá của Trung Quốc. Tuy là một quận nhưng Phố Đông có diện tích 1.210,4 km² với dân số khoảng 5.599.600 người, chiếm gần 1/5 diện tích và dân số Thượng Hải. Trong khi đó, tính đến năm 2018, Thượng Hải có khoảng 27 triệu dân, được mệnh danh là “Paris của phương Đông”, và được chính quyền chủ trương phát triển thành “thành phố thông minh” với trung tâm kinh tế, tài chính và giao thông toàn cầu xuyên suốt giai đoạn 2020-2035. Với người dân, Trung Quốc quy định cấp sổ chủ quyền nhà đất trong vòng 70 năm. Các công trình thương mại, dịch vụ thì thời hạn 40 năm. Sau hạn định đó, tùy theo sự thay đổi của chính sách cũng như nhu cầu sử dụng đất theo từng khu vực mà có thể, hoặc không thể gia hạn.

Phố Đông - biểu tượng của sự thành công về kinh tế - văn hóa của Thành phố Thượng Hải.
Phố Đông - biểu tượng của sự thành công về kinh tế - văn hóa của Thành phố Thượng Hải.

Một chuyên gia người Hồng Kông, từng ghi nhiều dấu ấn lớn trong các dự án Disneyland Thượng Hải, khách sạn Peninsula và khu Tân Thiên Địa, chia sẻ: “Tôi đến Thượng Hải vào năm 1997 sau khi từ Mỹ trở về. Với nhãn quan của một nhà kiến trúc, tôi đã nhận thấy một tương lai tươi sáng dành cho Phố Đông”.

Thượng Hải đã tận dụng nhiều nguồn lực từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân và sau đó ứng dụng công nghệ vào quy hoạch thông minh cho Phố Đông dựa trên nguyên tắc “7 thông” (thông đường, thông điện, thông nước, thông ga, thông vô tuyến điện, thông tuyến điện thoại, thông tuyến viễn thông). Vốn đầu tư ngân sách chiếm 10% trong tổng vốn đầu tư cho Phố Đông, còn lại là vốn góp của nhà đầu tư.

“Thượng Hải là một ví dụ điển hình của quy hoạch đô thị thông minh trong suốt 30 năm. Chúng tôi đã giúp Chính phủ quy hoạch đô thị thông qua thiết kế trực tuyến, đệ trình trực tuyến và vận hành trực tuyến. Chúng tôi xây dựng hệ thống quản lý năng lượng tập trung giúp dự báo lượng tiêu thụ điện năng và tránh lãng phí năng lượng. Người dân có một trải nghiệm tốt và Chính phủ thì quản lý dễ dàng hơn”, chuyên gia Hồng Kông chia sẻ.

Trong số những đơn vị góp công lớn vào quá trình thông minh hóa đô thị của Thượng Hải phải kể đến Shanghai Construction Group (Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải). Đây là một trong những thương hiệu xây dựng lừng lẫy nhất Trung Quốc với tổng doanh thu hằng năm lên đến 21,9 tỉ USD, tổng nhân viên khoảng 35.000 người, giá trị vốn hóa 5,1 tỉ USD. Shanghai Construction Group còn là thành viên trong hệ thống của Shanghai Construction Corporation - top 20 thương hiệu xây dựng lớn nhất thế giới hiện nay.

Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải (Ảnh: BM)
Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải. Ảnh: BM

Kinh nghiệm thi công của Shanghai Construction Group trải rộng từ các dự án nhà cao tầng, cầu đường, các công trình công cộng, trung tâm thể thao, nhà máy tại Trung Quốc và 40 quốc gia khác. Biểu tượng mới của Thượng Hải là tòa nhà Shanghai Tower cũng do tập đoàn này xây dựng. Shanghai Construction Group còn tham gia những công trình nổi tiếng như Trung tâm Hội nghị Quốc tế Cairo (Ai Cập), Tòa nhà Chancery tại Washington (Mỹ), Hòn ngọc Baltic (Nga)… 

Trong khi đó, China State Construction Engineering Corporation (CSCEC) khá quen thuộc tại Việt Nam với dấu ấn nổi bật nhất là Khu Đô thị Phú Mỹ Hưng. Đây là một trong những nhà thầu quốc tế mang tính chất tổng hợp và toàn diện với các nghiệp vụ, từ xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông cho đến tư vấn và thiết kế, cho thuê các thiết bị máy móc xây dựng, sản xuất và phân phối bê tông, nguyên liệu xuất nhập khẩu. CSCEC cũng đã vào Việt Nam gần 30 năm trước và hiện là nhà thầu xây dựng Trung Quốc lớn nhất ở Việt Nam, với tổng giá trị các hợp đồng đạt được lên đến 20 tỉ nhân dân tệ.

Chúng ta có thể cảm nhận địa thế cảnh quan của Thượng Hải rất giống với TP.HCM. Và Phố Đông thì tương tự như bán đảo Thủ Thiêm.