Bà Trần Tuệ Tri, Chuyên gia xây dựng Thương hiệu, Tổng giám đốc Pharmacity.

 
Quỳnh Như Chủ Nhật | 26/02/2023 19:30

Thời khắc vàng của thương hiệu Việt Nam

Trở về Việt Nam sau thời gian làm việc tại nước ngoài, CEO Pharmacity hiểu rằng đây là lúc để thúc đẩy nhận thức của mọi người về thương hiệu Việt Nam.

"Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng" là cuốn sách đầu tay của bà Trần Tuệ Tri, Chuyên gia xây dựng Thương hiệu, Tổng giám đốc Pharmacity, sau ba năm ấp ủ. Trao đổi với bà Tri, bà cho biết từ những câu chuyện và góc nhìn của nhiều chuyên gia đã thôi thúc bà viết cuốn sách này. 

Đúng với tên của mình, cuốn sách như một cánh cửa mở ra cho người đọc về tầm nhìn và giá trị của một thương hiệu quốc gia. Có nhiều lầm tưởng cho rằng thương hiệu có thể là thương hiệu của một sản phẩm, công ty hay một cá nhân nào đó, nhưng thương hiệu được nhắc đến ở đây là thương hiệu đại diện cho một quốc gia. Đơn cử như khi nói đến Mỹ, chúng ta nhớ đến cụm từ “Giấc mơ Mỹ” hay Singapore với thông điệp thương hiệu là một "đất nước sạch sẽ, an toàn, thông minh" chẳng hạn. Cuốn sách dẫn ra những góc nhìn về thương hiệu của nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau. Những câu chuyện được kể lại trong cuốn sách được sắp xếp logic với nhau, mở ra nhiều vấn đề mà từ trước đến nay có thể chúng ta đã bỏ qua. 

Trong cuốn sách, bà Tri cho biết thương hiệu là một lời hứa, mà đã hứa thì phải làm. Để đưa ra một lời hứa mang tính chất đại diện cho quốc gia, chúng ta cần biết sự khác biệt của đất nước là gì và làm nổi bật điều đó. Những câu chuyện của các nhân vật truyền cảm hứng đã gợi mở ra nhiều điều khiến chúng ta (độc giả) như “bừng tỉnh”. Đây cũng là trải nghiệm của CEO Pharmacity khi chắp bút viết sách. Đi giao lưu và trò chuyện với các chuyên gia trong và ngoài nước, bà Tri nhận ra Việt Nam có rất nhiều nét văn hoá đặc trưng để có thể trở nên khác biệt. Việc chúng ta cần bây giờ là giờ tiên phong và lựa chọn đúng chất liệu để tiến đến hiện thực hóa thương hiệu quốc gia. 

 

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương hay Giáo sư Ngô Bảo Châu nói đến Việt Nam với nhiều "vẻ đẹp nhỏ". Hoạ sĩ Cương nhận thấy những ngôi chùa ở châu Á như tại Trung Quốc và Nhật Bản thường rất to. Trong khi đó, ngồi chùa, đình, đền… ở Việt Nam thường rất thấp. Từ sân chùa, mình bước lên bậc tam cấp rồi đến thềm hè, tàu mái… phải hơi cúi đầu thấp xuống. Hoặc mấy con tò he cũng be bé, mấy con rối nước cũng xinh xinh… “Cái đặc thù của vẻ đẹp Việt so với các nước khác là đẹp nhỏ. Nghệ thuật không cứ phải là to, nghệ thuật còn nhỏ đẹp và đẹp nhỏ như vậy”, anh nhìn nhận.

Dẫn dắt qua nhiều câu chuyện, bà Tri cho thấy nhiều điểm khác biệt (POD) của quốc gia trong cuốn sách của mình. Gợi nên những ý tưởng để sản xuất ra chất liệu cho thương hiệu. Bên cạnh việc đi tìm điểm khác biệt, bà Trần Tuệ Tri còn nhắc đến hai yếu tố quan trọng khác trong xây dựng thương hiệu quốc gia là kinh tế và thời điểm. 

Tổng kết năm 2022, Việt Nam ghi nhận GDP tăng 8,02%, là mức tăng cao nhất trong vòng 12 năm qua. Các báo chí nước ngoài bắt đầu ví von Việt Nam là “con hổ châu Á mới”. Cùng lúc đó, Vinamilk ghi tên mình vào vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng các thương hiệu sữa của thế giới. Kinh tế phát triển góp phần nâng tầm thương hiệu quốc gia của Việt Nam trên bình diện thế giới. Và đây cũng là thời điểm thuận lợi khi đất nước vừa bước ra khỏi giai đoạn dịch COVID-19, mọi thứ dường như đang diễn ra cùng một lúc. Bà Tri gọi đây là “thiên thời địa lợi nhân hoà”: Kinh tế - Văn hoá - Con người đều đã sẵn sàng bước vào thời khắc vàng để đổi mới. 

“Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng” cho chúng ta thấy tiềm năng của sự khác biệt, các yếu tố hình thành nên thương hiệu quốc gia. Bản thân cuốn sách này cũng là một sự khác biệt trên thị trường hiện nay. Không đi theo lối học thuật, tất cả nội dung đều được đúc kết từ những câu chuyện, những góc nhìn và kết quả của số liệu khảo sát. “Bức tranh” về thương hiệu được xây dựng trên các khía cạnh con người, văn hoá, kinh tế mang tính thực tế, cũng là điều khiến cuốn sách trở nên đặc biệt hơn.