“Thế hệ kế nghiệp sẽ mang lại động lực tăng trưởng mới”
Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, CEO Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Sài Gòn (SAM), là người đã tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Nhiều khoản đầu tư do quỹ ông quản lý đã là động lực quan trọng đối với sự tăng trưởng của nhiều công ty tư nhân và công ty gia đình tại Việt Nam. Với kinh nghiệm của mình, ông Louis Nguyễn đã chỉ ra những xu hướng mới trong mô hình doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam.
Mô hình doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam đang ngày càng nhiều và phát triển. Với kinh nghiệm đầu tư nhiều doanh nghiệp Việt Nam, ông thấy sự thay đổi đang diễn ra với nhóm doanh nghiệp này như thế nào?
Doanh nghiệp gia đình được coi là xương sống của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tại Việt Nam, theo báo cáo của PwC, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp tới 25% vào GDP của quốc gia. Các doanh nghiệp gia đình thực sự là động cơ tăng trưởng và phục hồi trong thời kỳ có nhiều thách thức. Từ khối doanh nghiệp tư nhân, nhiều doanh nghiệp gia đình hình thành như Biti's, Minh Long, An Phước, Thành Thành Công… Cùng với sự đi lên của khối kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp gia đình cũng ngày càng phát triển, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Mặc dù vậy, mô hình doanh nghiệp gia đình cũng còn những mặt hạn chế như: Quy mô doanh nghiệp khá nhỏ và khả năng thích nghi với thay đổi theo xu thế quốc tế còn chậm; Ở một số nơi, thuê người thân nắm giữ vị trí quan trọng được coi là điều hiển nhiên vì họ được xem là người đáng tin cậy và trung thành với doanh nghiệp. Việc thuê người thân để điều hành doanh nghiệp gia đình có thể phát sinh những quyết định dựa trên cảm tính, và người được thuê có thể sẽ không cần phải nỗ lực hết sức để đạt được thành tựu tốt cho doanh nghiệp; Hạn chế việc thu hút nhân tài đóng góp vào doanh nghiệp vì những vị trí quan trọng đã có người luôn chiếm giữ.
Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy không ít doanh nghiệp gia đình lớn tại Việt Nam đã làm bài bản, thậm chí còn tốt hơn so với một số nước trong khu vực châu Á.
Sau 30 năm phát triển cùng nền kinh tế, chuyển giao thế hệ trong thời gian gần đây đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp gia đình. Mặc dù vậy, quá trình này cũng có những thách thức và rào cản vô cùng lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp gia đình phải có những chiến lược thận trọng. Theo ông, doanh nghiệp gia đình nên có hướng đi nào chuyên nghiệp trong quá trình chuyển giao này?
Có thể thấy, việc chuyển giao này diễn ra vào thời điểm những người sáng lập đã lớn tuổi, trong khi con cái của họ đang bước vào giai đoạn trưởng thành, đủ khả năng để kế nghiệp. Sự chuyển giao này thường là một quá trình, ở đó, thế hệ kế thừa có thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ cha, anh của mình.
Truyền thống gia đình duy trì sự thành công của Biti's. |
Phần lớn thế hệ kế nghiệp đều là những người trẻ thuộc thế hệ cuối 7x đến cuối 8x, có thời gian tu nghiệp ở nước ngoài, được tiếp cận văn hóa và tư duy phương Tây thay vì Đông Âu như thế hệ doanh nhân đi trước. Điều này giúp họ nắm bắt xu hướng trên thế giới nhanh hơn, tư duy cởi mở hơn.
Nếu xét về sự tăng trưởng của các chỉ số tài chính như doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng hay tỉ suất sinh lời, có thể thấy nhiều tín hiệu lạc quan tại các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao cho thế hệ kế thừa.
Kế hoạch tiếp quản và kế nghiệp đóng vai trò rất quan trọng để giúp doanh nghiệp đạt được một khối tài sản có giá trị lâu dài. Ngược lại, nếu việc chuyển giao không thành công, có thể trở thành rủi ro cho các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam và các mối quan hệ trong gia đình.
Sự khác biệt về thế hệ và tầm nhìn có thể là rào cản cho thế hệ kế thừa trong nỗ lực phát triển nền tảng kinh doanh của gia đình. Thế hệ kế thừa doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam phải biết những thách thức mà họ phải đối diện. Đó chính là khi môi trường kinh doanh có những biến động lớn, thay đổi rất nhanh trước những ảnh hưởng của công nghệ, xu hướng quốc tế hóa…
Thế giới đang thay đổi và công thức giúp các doanh nghiệp gia đình thành công lâu dài cũng vậy. Với tốc độ thay đổi ngày càng nhanh của môi trường kinh doanh hiện nay, họ cũng phải có tốc độ thay đổi thích ứng để kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn. Các doanh nghiệp gia đình cần nghĩ xa hơn, vượt lên những mục tiêu kinh doanh hiện tại, đặc biệt là tầm nhìn về những thị trưòng quốc tế. Muốn vậy, họ cần có những ưu tiên về mở rộng hoạt động kinh doanh và ứng dụng công nghệ/kỹ thuật số.
Hai thế hệ điều hành tại Gốm sứ Minh Long I: ông Lý Ngọc Minh và con trai Lý Huy Sáng. |
Những xu hướng rõ nét nào sẽ diễn ra đối với mô hình doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam trong thời gian tới và doanh nghiệp gia đình cần lưu ý những vấn đề nào?
Trong những năm tới, doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam có sự chuyển hướng sang đa ngành, với sự tham gia quản lý của nhân lực thuê ngoài và thế hệ kế nghiệp nhiều hơn. Mở rộng kinh doanh và ứng dụng công nghệ là các ưu tiên chính trong những năm tới.
Để đạt được các ưu tiên này, doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam phải lưu tâm và lập kế hoạch để tiếp cận 3 lĩnh vực chính bao gồm: Tinh thần chịu thay đổi thích ứng; Đội ngũ lãnh đạo; Năng lực chuyển đổi số.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Thành Thành Công. |
Các nghiên cứu cũng cho thấy, xu hướng ngày càng có nhiều doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam quan tâm trở thành công ty đầu tư gia đình. Đây là xu hướng rõ ràng khi doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam là khu vực tạo ra những người giàu và siêu giàu với tốc độ khá nhanh so với khu vực. Vì vậy, họ cần phải có những kế hoạch quản lý tài chính/đầu tư bài bản để gìn giữ cũng như phát triển gia sản.
Khi phát triển theo hướng hiện đại hơn, các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam sẽ thay đổi theo hướng có sự tham gia của bên ngoài nhiều hơn. Cụ thể, cơ cấu quản lý sẽ chuyển từ các doanh nghiệp do chủ sở hữu/gia đình quản lý sang hình thức doanh nghiệp do gia đình sở hữu/được bên ngoài quản lý hoặc điều hành. Điều này phù hợp với xu thế của các doanh nghiệp gia đình trên thế giới.
Trong sự dịch chuyển mạnh mẽ này, doanh nghiệp gia đình Việt Nam cần lưu ý đến các yếu tố thu hút nhà đầu tư và nhân tài; tăng cường chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa hoạt động quản lý; đa dạng hóa các dịch vụ và sản phẩm… để duy trì phát triển cũng như tạo nên những đột phá mới.