Tỉ giá đang có xu hướng gây bất lợi cho kiểm soát lạm phát. Ảnh: Quý Hòa.
Thắng bại trong lạm phát
Bước vào khu chợ trong một con hẻm ở Sài Gòn, những cô dì nội trợ xì xào với nhau “ngày trước, cầm trăm ngàn là đủ một bữa ăn nay chẳng mua được gì”. Lạm phát đã chạm đến từng bữa ăn của các gia đình, khi giá lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hay các mặt hàng nhu yếu phẩm khác đều tăng...
“Kỷ nguyên” của giới siêu giàu
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 8 tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%. Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu.
Và có lẽ than phiền phổ biến nhất về lạm phát là nó khiến người ta nghèo hơn, khi với một số tiền nhất định lại mua được ít hàng hóa hơn trước. Tuy nhiên, không phải ai cũng trở nên nghèo đi vì lạm phát khi ở một góc độ, lạm phát đã giúp một số người hưởng lợi.
Mức lạm phát cao nhất trong hàng chục năm qua đã tác động tới mọi ngóc ngách của nền kinh tế, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Dẫu vậy, giới siêu giàu trên thế giới đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến về giá trị tài sản ròng. Theo Báo cáo của Oxfam công bố hồi đầu năm 2023, kể từ năm 2020, nhóm 1% người giàu nhất đang nắm giữ gần 2/3 số tài sản mới của nhân loại, trị giá 42.000 tỉ USD, gần gấp đôi số tài sản của 99% nhóm dân số nghèo nhất thế giới. Trong 10 năm qua, nhóm 1% người giàu nhất đã thâu tóm khoảng một nửa tổng số tài sản mới.
Bà Gabriela Bucher, Giám đốc Điều hành của Oxfam International, cho biết: “Trong lúc những người dân thường chật vật cắt giảm chi tiêu ngay cả cho những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thì nhóm siêu giàu đã vượt lên cả những giấc mơ điên rồ nhất của họ”.
Giai đoạn 2021-2022 cũng là khoảng thời gian chứng kiến tài sản của các tỉ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam gia tăng đáng kể. Theo số liệu từ Forbes, cuối năm 2021 giá trị tài sản của 6 tỉ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đạt mức 19,6 tỉ USD, tăng 3,5 tỉ USD so với thời điểm cuối năm 2020. Kết quả này đạt được nhờ sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều kỷ lục được thiết lập. Khép lại một năm “kỷ lục”, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mốc hơn 1.498 điểm, tăng 35,8% so với cuối năm 2020. Trong bối cảnh thị trường diễn biến tích cực, giá trị tài sản ròng của các tỉ phú cũng có những thay đổi đáng kể.
Ai sợ lạm phát?
Tuy nhiên, Giáo sư Kinh tế tại Đại học New York Edward N. Wolff cũng chỉ ra lạm phát có mặt trái với giới siêu giàu khi so sánh với tầng lớp trung lưu (vay mượn nhiều hơn). Không giống như nhiều người lo ngại, lạm phát thậm chí đã giúp giảm thiểu sự gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo nói chung.
Trên lý thuyết, các chủ thể trong nền kinh tế thường gắn liền với nhau bởi các giao dịch kinh tế như các khoản vay trong một thời gian dài hay các hợp đồng kỳ hạn. Đối với các khoản vay, nếu tỉ lệ lạm phát thực tế cao hơn so với dự kiến, người đi vay sẽ có lợi từ thiệt hại của người cho vay. Ngược lại, nếu tỉ lệ lạm phát thấp hơn dự kiến, người cho vay sẽ có lợi từ thiệt hại của người đi vay khi họ phải trả nợ với khoản tiền có giá trị cao hơn dự kiến.
Ví dụ từ nền kinh tế Mỹ được trích dẫn từ cuốn sách Essentials of Economics (Tinh Hoa Kinh Tế Học) của tác giả Paul Krugman & Robin Wells, trong xã hội Mỹ hiện đại, các khoản vay thế chấp nhà là nguồn lãi và lỗ từ lạm phát quan trọng nhất. Những người Mỹ ký hợp đồng vay thế chấp nhà vào đầu những năm 1970 nhanh chóng nhận thấy khoản thanh toán thực của họ giảm đi do lạm phát cao hơn dự kiến.
Trên thực tế, lạm phát ở mức vừa phải sẽ kích thích người dân và doanh nghiệp gia tăng sản xuất, đầu tư để bù đắp lại sự mất giá của đồng tiền. Tuy nhiên, lạm phát có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Nó làm mất giá trị tiền tệ, làm tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ, giảm sức mua của người dân, gây rối loạn kế hoạch kinh doanh và đầu tư, đồng thời tạo ra sự bất ổn trong môi trường kinh doanh.
Khi lạm phát quá cao, ngân hàng trung ương các nước sẽ có những động thái để can thiệp vào nền kinh tế nhằm kiềm chế tỉ lệ lạm phát. Dễ thấy nhất là động thái tăng lãi suất 10 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022 nhằm kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đẩy mặt bằng lãi suất của nước này lên khoảng 5-5,25%.
Tại Việt Nam, tổng cầu yếu, cung tiền tăng chậm, lãi suất cao, tỉ giá ổn định, giá dầu khó tăng mạnh do kinh tế thế giới suy thoái là các nhân tố trọng yếu kiềm chế lạm phát 6 tháng cuối năm... Ông Nguyễn Thành Trung, CFA, Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), nhận thấy nhà đầu tư trên thế giới cũng như Việt Nam đã giảm bớt sự quan tâm đến vấn đề lạm phát. “Mặc dù vậy, chúng tôi đánh giá về cuối năm lạm phát có thể sẽ quay lại khi chỉ số đại diện cho hàng hóa của thế giới Commodity Index từ tháng 7/2022 tạo đỉnh, giảm dần khi về cuối năm 2022, đầu năm 2023 và gần đây đang có xu hướng nhích lên. Đây là một rủi ro, bởi khi lạm phát tiếp tục quay trở lại thì chính sách tiền tệ của FED chưa thể giảm ngay được”, ông Trung nói.
Cũng theo đại diện TCSC, một nguyên nhân khiến chỉ số này quay lại đến từ giá lương thực khi El Niño tái xuất hiện, sản lượng về lương thực của Ấn Độ (chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu) giảm và để đảm bảo an ninh lương thực thì quốc gia này đã giảm xuất khẩu, giảm nguồn cung làm cho giá lương thực như gạo, lúa mì tăng mạnh. Bên cạnh đó, gần đây khá nhiều quốc gia sản xuất lớn các mặt hàng nông sản như Pakistan hay kể cả Trung Quốc đã hạn chế hay cấm xuất khẩu, gây áp lực giá cả gia tăng và đây là tiềm ẩn của rủi ro lạm phát.
Theo ông Trung, giá hàng hóa đang có mầm mống tăng trở lại, cộng với CPI lõi khó giảm, thì lạm phát tại Mỹ cũng là một nỗi lo của thị trường trong thời gian tới.